Bên dòng Khuôn Pén

Tháng 5-1945, Bác Hồ về Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) lãnh đạo cách mạng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. 75 năm đã qua, hình bóng Người luôn hiển hiện ở lán Nà Nưa (Nà Lừa) đơn sơ, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, bên gốc đa Tân Trào thiêng liêng và trong ký ức của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Du khách tham quan di tích lán Nà Nưa, nơi ở và làm việc của Bác Hồ.
Du khách tham quan di tích lán Nà Nưa, nơi ở và làm việc của Bác Hồ.

Nằm cách cây đa Tân Trào chừng 50 m là ngôi nhà sàn của gia đình ông Nguyễn Tiến Sự - nơi Bác Hồ lưu lại trong những ngày đầu về Tân Trào. Giờ đây, ông Sự đã khuất núi nhưng câu chuyện về những ngày Bác ở Tân Trào luôn được các thế hệ con cháu ông ghi nhớ. 

Rót bát nước chè xanh mời khách, bà Hoàng Thị Mai, con dâu trưởng của ông Nguyễn Tiến Sự, năm nay đã ngoài 80 tuổi kể lại: Ngày ấy, làng Tân Lập chỉ có 23 hộ gia đình dân tộc Tày, nhà nào cũng được sử dụng phục vụ cho cách mạng, nhà đặt điện đài, nhà dành cho bộ đội đóng quân... Bố chồng tôi (ông Sự) là Chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào. Một hôm, gia đình được giao nhiệm vụ đón tiếp cán bộ. Đến sẩm tối thì có một ông cụ mặc áo chàm dân tộc Nùng, đi giày vải, dẫn mấy người vào ngõ. Người trong làng được giới thiệu đó là đồng chí Thượng cấp và đều gọi Người là Ông Cụ. Gia đình dành một gian nhà để Ông Cụ ở và làm việc. 

Thường cứ bốn giờ sáng, Cụ dậy và đánh thức mọi người cùng tập thể dục, sau đó mới vào bàn làm việc. Thời gian rảnh Cụ dạy dân học chữ, thực hiện nếp sống vệ sinh để tránh ốm đau bệnh tật, Cụ luôn gương mẫu đi đầu để mọi người làm theo. Những câu chuyện về Cụ giản dị, nhưng luôn chứa đựng những bài học sâu sắc, nhân văn. Đó là bài học về việc không ngừng học tập, trau dồi, học mọi lúc, mọi nơi, học điều hay ý đẹp ở mọi người chung quanh.

Một lần sau bữa ăn, Cụ hỏi ông Nguyễn Tiến Sự:

- Ông Chủ nhiệm Việt Minh của xã Tân Trào bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa Bác, tôi ba mươi tám. Tuy chưa già nhưng đã yếu.

Cụ liền bảo:

- Chú còn khỏe  lắm. Nên đi học cho biết chữ, phải học nhiều. Học văn hóa,  học kinh nghiệm công tác ở mọi người, mọi lứa tuổi để làm việc tốt hơn. 
 
Cạnh nhà cụ Nguyễn Tiến Sự là ngôi nhà sàn mới được sửa khang trang của gia đình ông Hoàng Ngọc. Thân sinh ông Hoàng Ngọc là cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sĩ giao liên cho Bác và Trung ương trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Đây cũng chính là ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở thời kỳ này… Ông Hoàng Ngọc kể rằng, ngày Bác Hồ về Tân Trào, ông mới 10 tuổi nhưng đã tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc, làm nhiệm vụ mật báo cho bộ đội nếu thấy người lạ. Lần đầu gặp Bác, Bác hỏi chúng tôi: Các cháu đi học chưa? Tôi trả lời: Chúng cháu muốn đi học, nhưng không có ai dạy học ạ. Bác nói, sau này có trường, lớp học, các cháu phải đi học đầy đủ đấy nhé. Giờ đây, ông Ngọc đã 85 tuổi nhưng vẫn nhớ như in từng cử chỉ ân cần, lời căn dặn, chỉ bảo của Bác về lẽ sống, về lòng yêu nước…

Đình Tân Trào mang dáng vóc nhà sàn, mái lợp lá cọ, sàn gỗ, được chở che bởi ngọn núi Au Rừm và Khâu Tâm xanh biếc. Phía trước đình là dòng suối Khuôn Pén mềm mại uốn lượn tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Ngôi đình này là nơi người dân trong xã tổ chức các ngày lễ trọng như cúng thành hoàng làng, tổ chức khai hội xuống đồng đầu năm... 
 
Ngày 16 và 17-8-1945, đình Tân Trào đã trở thành nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của dân tộc. Hơn 60 đại biểu đại diện các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo cả ba miền bắc, trung, nam và một số kiều bào ta ở nước ngoài tham dự Quốc dân Ðại hội và biểu thị quyết tâm tổng khởi nghĩa trong cả nước; thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh và lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, dân tộc ta. Đến nay, ngày 16-8 luôn được chọn để tổ chức Lễ hội Tân Trào.

Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Cao Khải, tự hào khoe: Tân Trào hiện có hơn 1.200 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2012, xã Tân Trào vinh dự được tỉnh Tuyên Quang chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2014, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí; là xã hoàn thành nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, về đích trước một năm so kế hoạch; thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm; 71% các trục đường trong xã được nhựa hóa và bê-tông hóa; 100% số thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; toàn xã không còn hộ có nhà dột nát; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,17%; các trường học trong xã đều đạt chuẩn quốc gia... 

Đến Tân Trào hôm nay, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động như: hái chè, sao chè cùng bà con làng nghề chè Vĩnh Tân; rong ruổi trên cung đường uốn lượn dưới chân đồi, bên những hàng chè xanh ngát; khám phá vẻ đẹp của khu rừng già nguyên sinh Đồng Man - Lũng Tẩu, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, ngắm nhìn rừng hoa phách tím, những vách đá rêu phong và đắm mình vào không khí mát dịu của dòng nước Lũng Tẩu. 

Điều đáng nói giờ đây là người dân đã có tư duy mới trong phát triển kinh tế. Người dân Tân Trào chủ động học tập các mô hình du lịch cộng đồng thành công ở trong nước. Và chính họ đã tổ chức thành công các tour du lịch nội bộ, giới thiệu với du khách giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày như những làn điệu then, cọi mê đắm lòng người; những món ăn dân dã nay đã thành đặc sản như cơm lam, gạo kén, chè, nấm hương, măng khô; những vị thuốc quý. 

Món cơm lam truyền thống là nét ẩm thực khó quên của mảnh đất này. Hạt lúa nếp làm cơm lam được trồng ở cánh đồng tưới bằng dòng nước suối nguồn trong vắt chảy ra từ dãy núi Hồng quanh năm mây phủ, tạo ra vị đặc trưng. Gạo nếp và nước được cho vào ống tre gai bánh tẻ, dùng lá chuối bịt kín lại rồi đốt. Cơm chín, bóc bỏ lớp tre bên ngoài cho đến khi phần bao bọc ruột cơm chỉ còn lại một lớp màng mỏng. Khi ăn, giữ cả lớp màng ruột tre và chấm với muối vừng hay lạc rang giã nhỏ. Tất cả hòa quyện với nhau tạo thành vị thơm bùi cũng đủ để thấy sự bình dị của sản vật dân dã khó quên. Độc đáo hơn khi du khách thưởng thức bữa cơm ngay trong những nếp nhà sàn, hòa mình với không khí trong lành, mát mẻ, thoáng đãng và yên tĩnh của núi rừng chiến khu xưa. 

Đặc sản cơm lam truyền thống này không khó tìm ở Làng Văn hóa - du lịch Tân Lập. Nơi đây nay hội đủ yếu tố để trở thành làng homestay đặc sắc với kiến trúc nhà sàn, phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa, trang phục, ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, tín ngưỡng của đồng bào Tày. Dưới nếp nhà sàn, du khách được trải nghiệm, khám phá hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt ngày thường của nông dân miền núi như: xay lúa, giã gạo, cày ruộng, bắt cá, trồng cây nông nghiệp và chế biến, thưởng thức các sản phẩm do mình thu hoạch. Tạm gác lại náo nhiệt của đô thành, du khách được hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình, thưởng thức những điệu then, đàn tính, điệu múa của cô gái, chàng trai người Tày, người Dao làng Tân Lập.

Chia tay Tân Trào, chúng tôi nhớ mãi lời bà Hoàng Thị Mai: Sinh sống dưới mái nhà lịch sử, tôi luôn bảo ban con cháu phải phát huy truyền thống gia đình, gương mẫu thực hiện việc làng, việc xóm… Tân Trào hôm nay đang gắng sức vươn lên để xây dựng và phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa các xã vùng ATK căn cứ địa cách mạng xưa, xứng đáng tầm vóc lịch sử của ‘’Thủ đô kháng chiến’’, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

10_1-1596848077220.jpg
 Làng văn hóa, du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang).