Sức sống của dòng điện

Những ngày đầu tháng 12, xuôi theo quốc lộ từ Gia Lai về đến địa phận Phú Yên, sẽ thấy suốt dọc phía bên phải đường, dấu vết của cơn bão số 12 vẫn hằn lại, những thân cây gục ngã, những ngôi nhà tốc mái mới chỉ được lợp tạm... Mặc gió lốc, mưa ngập trắng, những cột điện đổ xuống được nhanh chóng dựng mới, sức người chạy đua với thời gian vì mục tiêu nhanh chóng đưa được ánh sáng về với vùng rốn lũ.

Thắp sáng đường quê. Ảnh: Ngọc Hà
Thắp sáng đường quê. Ảnh: Ngọc Hà

Chạy đua với thiên tai

Khoảng 5 giờ sáng ngày 3-11, cơn bão số 12 đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 12, giật cấp 15. Phú Yên, với đặc điểm địa lý khá phức tạp, trực tiếp gánh chịu cơn cuồng nộ của thiên tai. Nằm ở vị trí có nhiều dãy núi từ dãy Trường Sơn cắt ngang ra biển, các con sông của Phú Yên đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn ở phía tây, dãy Cù Mông ở phía bắc và dãy đèo Cả ở phía nam, vậy nên khi bão đổ bộ, những dòng sông trở thành những con rồng nước hung hãn ầm ào đổ về cuốn băng qua những ngôi làng của bốn huyện, nhấn chìm nhiều nhà cửa…

Ngồi bệt bên bậc cửa ngôi nhà lúp xúp, bà Phạm Thị Diệp, thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, nom vẫn còn yếu lắm. 72 tuổi rồi, nhưng đời bà hiếm có khi nào thấy cơn bão lớn đến vậy. Tám ngày trời không điện, không nước, không cơm, thật sao mà khốn khổ quá, bà Diệp chép miệng kể lể cảnh nhà neo người, có hai vợ chồng già chống đỡ bão. Sức cũng chẳng hơn gì, ông Nguyễn Cúc chồng bà chỉ chằng néo nhà cửa tạm thời, lấy chỗ vào ra, rồi chờ con cái đi làm ăn xa về dựng lại cái nhà cho bố mẹ đón Tết. Hàng xóm nhà bà, chị Trần Thị Bông, 51 tuổi, vừa cắp cháu, vừa vén cho tôi xem cái lưng đang bó lá. Hôm bão xong, chị ra dọn vườn mà bị cây đổ chọc vào mạng sườn, mấy tuần thuốc thang rồi, nhưng không kiêng làm được nên vẫn đau lắm.

Sức sống của dòng điện ảnh 1

Mang ánh sáng đến với hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Cảnh nhà như bà Diệp, chị Bông không phải là hiếm ở thôn này. Thanh niên, và cả trung niên hầu như đều đã rời làng đi làm ăn xa, vậy nên, khi bão về, gần như chỉ có người già, con trẻ ở nhà xoay trở, chống đỡ. Anh Nguyễn Phụng, Chủ tịch UBND xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa ước chừng thiệt hại của huyện khá lớn, hơn 283 ngôi nhà bị tốc mái, 53 ngôi nhà thiệt hại nặng và hai nhà bị sập hoàn toàn. Toàn xã hiện vẫn đang nỗ lực hỗ trợ các hộ dân ổn định cuộc sống, từ việc sửa chữa nhà cửa cho đến ổn định lại sinh kế…

Đối với điện lực Phú Yên, tổn thất trong cơn bão số 12 lên tới hơn 75 tỷ đồng, trong đó có bốn huyện lưới điện bị ảnh hưởng do bão, hai huyện ảnh hưởng do lụt. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên Nguyễn Khoa Trình nhớ lại, bão vào đã gây sự cố tại ba trạm biến áp 110 kV tại Sơn Hòa, Tuy Hòa và Hòa Hiệp và một số đường dây 110 kV khiến cho toàn bộ lưới điện trung hạ thế trên địa bàn tỉnh bị mất điện. Công tác khắc phục hết sức khó khăn, nhất là đối với những khu vực bị ngập sâu, hoàn toàn bị cô lập, chia cắt như Đồng Xuân, Tuy An…

Nhưng cơn bão cũng là phép thử của tình người và ý chí đã vượt lên được sự nghiệt ngã của thiên nhiên như thế nào. Hiểu rằng, cấp điện có ý nghĩa quan trọng đối với việc ứng phó, khắc phục thiên tai, ổn định đời sống, Tổng công ty Điện lực Miền Trung đã huy động ngay tám Công ty Điện lực lân cận và bốn chi nhánh điện cao thế đến hỗ trợ Điện lực Phú Yên. Hàng trăm con người di chuyển trong đêm, xuyên qua gió lốc và mưa như trút để có mặt ở hiện trường sớm nhất có thể, bắt tay ngay vào nghiên cứu thực địa và đề xuất, thực thi phương án khắc phục. Vừa lo chuyện sửa chữa điện, vừa giúp người dân đang khốn khó… Để rồi, ngay chính người trong cuộc cũng khó tin rằng, những khu vực thiệt hại nặng nhất có thể sáng lại dòng điện sau 10 ngày.

Có những điều nằm ngoài bản báo cáo khắc phục thiệt hại cơn bão, nhưng sẽ còn sống động trong những câu chuyện người Phú Yên nói với nhau. Đó là mầu áo cam đồng phục của ngành điện và mầu áo xanh của thanh niên tình nguyện, ngày ngày dầm mình trong mưa lũ, ăn vội vàng miếng cơm bên bờ ruộng, cùng nhau dựng cột, kéo dây, cùng nhau giúp cho những làng quê tơi bời sau bão, trắng xóa lũ được ấm áp, hồi sinh trở lại.

Với riêng Công ty Điện lực Phú Yên, có 36 hộ gia đình cán bộ bị thiệt hại bởi bão, nhưng các anh vẫn ngày đêm bám trụ thực hiện nhiệm vụ cấp điện là trên hết. Có người chỉ kịp đáo qua nhà, có người đến giờ vẫn bám địa phương được phân công, dù lòng vẫn biết nhà cửa của chính mình còn chưa khắc phục xong…

Thắp sáng những con đường quê

Hơn tháng sau bão số 12, vợ chồng bà Diệp, ông Cúc và nhiều người dân thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, có bữa tụ tập ở con đường thôn. Họ tò mò xem các chú áo cam đang kéo điện lắp bóng đèn ở đường thôn, rồi vào sửa chữa, lắp đặt thay mới đường dây sau công-tơ đến các nhà, có cả những thanh niên trong mầu áo xanh tình nguyện đi tuyên truyền về điện, tặng bóng đèn cho người dân nghèo… Bấy lâu nay, dân có đèn sáng trong nhà, nhưng đi ra đến đường trời đất tối um là vẫn thấy ngại. Giờ thì vui rồi, bà con lối xóm có thể sang thăm nhau, đi công chuyện muộn mà không lo vấp ngã, không sợ không an toàn nữa. Một cụ già túm lấy anh Nguyễn Văn Đệ, Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên, hỏi sự tình cái đường điện này là thế nào? Cụ gật gù khi được biết, đó là công trình do Đoàn thanh niên điện lực Phú Yên lắp đặt miễn phí cho thôn.

“Thắp sáng đường quê” là một trong những nội dung của Tháng tri ân khách hàng mà ngành Điện lực thực hiện. Chi phí để thắp sáng cho một con đường tại những thôn xóm chưa có điện, hoặc điện đường xuống cấp ở Phú Yên vào khoảng 10 triệu đồng. Số tiền ấy không lớn, nhưng trở lại vùng đất vừa qua khỏi những ngày tháng khốn khó vì thiên tai, mới thấy sự tri ân của Điện lực Phú Yên với khách hàng ở đây, lúc này, thật ấm áp...

Nhà của ông Đặng Xí, 75 tuổi thôn Mỹ Hòa, xã Hiệp Đất, huyện Đông Hòa, cũng tốc mái, tuột ngói sau mưa, cái bóng đèn leo lét trong nhà đã khá lâu. Giờ có chú thợ điện đến tận nhà tặng bóng rồi leo lên thay, một cái chạm tay công tắc, ngôi nhà của ông sáng bừng lên. Ông bảo, cảnh nhà chẳng có gì, nhưng cứ có ánh đèn là ấm áp rồi. Theo kế hoạch, năm 2018, thôn Mỹ Hòa có 1.200 hộ đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng cơn bão 12 đã khiến nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn. Ông Lê Trung Thuận, trưởng thôn, chia sẻ, số hộ nghèo có giảm được về mức kế hoạch chiếm còn 0,4% hay không tùy thuộc nhiều vào việc bao giờ bà con ổn định sản xuất trở lại được.

Sau 23 ngày tháng 10 âm lịch, người dân Phú Yên bước vào vụ mùa đông xuân. Hoa màu gần như mất sạch sau cơn bão lũ số 12, giờ là lúc nỗ lực bơm hút khơi lại kênh mương, bồi lấp sạt lở, chuẩn bị gieo trồng mùa mới. Có sức người, vụ mùa sẽ lại xanh ngời trên những ruộng vườn dọc theo các con sông Cái, Kỳ Lộ, sông Ba, mang theo hy vọng vào sự đáp đền của đất.

Tiếp nối tháng của tri ân

Thắp sáng con đường quê, hỗ trợ người dân lắp đặt, sửa chữa, thay mới đường dây sau công-tơ, thay mới bảng điện, bóng đèn cho các hộ dân là những nét chính của các hoạt động sôi động trong tháng 12, tháng tri ân của các Công ty Điện lực đối với khách hàng. Khảo sát qua một số đơn vị của Tổng công ty Điện lực Miền Trung như Công ty Điện lực Gia Lai, Phú Yên và Quảng Ngãi, có thể thấy tháng tri ân đã đi vào thực chất, mang đến sự cải thiện đáng kể trong chất lượng dịch vụ.

Tri ân với khách không chỉ dừng ở việc những khách hàng lớn được hỗ trợ bảo trì, bảo dưỡng và vệ sinh công nghiệp miễn phí trạm biến áp, ở việc tặng quà cho khách hàng là đối tượng gia đình chính sách, khó khăn, hay tổ chức các hội nghị khách hàng mà quan trọng hơn, là việc biến những cam kết không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ trở thành trọng tâm và xuyên suốt. Đưa công nghệ mới vào ứng dụng ở các đơn vị điện lực đã giúp cho minh bạch hóa quá trình tính toán chỉ số điện năng tiêu thụ, giá điện, rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu lắp đặt hay sửa chữa điện… Nói như ông Văn Đình Hậu, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, áp dụng công nghệ tiên tiến đi đôi với nâng cao tinh thần phục vụ, năng lực làm việc của cán bộ, công nhân đã giúp gắn kết mối quan hệ giữa nhà cung cấp điện và khách hàng. Tri ân không thể được hiểu là chỉ trong một tháng, theo sự chỉ đạo, mà nó cần được chuyển hóa thành nếp nghĩ, cách ứng xử của mỗi cán bộ, nhân viên khi giao tiếp với khách hàng. Đó là cách mà những người mang mầu áo cam đang muốn ghi nhận với cộng đồng…

Dòng điện, dòng ánh sáng trở nên có sức sống mãnh liệt, cũng là vì nó mang theo cả cái tình!