Ngăn chặn nạn buôn lậu trên vùng biển Sóc Trăng

Thời gian gần đây, nạn vận chuyển trái phép chất cấm, xăng dầu, thuốc lá nhập lậu trên vùng biển và biên giới biển tỉnh Sóc Trăng diễn ra rất phức tạp. Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng buôn lậu đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp xử lý, ngăn chặn hiệu quả.

Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng bắt tàu chở 100.000 lít dầu DO không có chứng từ.
Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng bắt tàu chở 100.000 lít dầu DO không có chứng từ.

Tỉnh Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72 km, vùng biển rộng khoảng 30.000 km2 địa bàn biên phòng được xác định là vùng biên giới biển, gồm 11 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Hiện nay, tình trạng buôn lậu trên khu vực này đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là nạn buôn lậu xăng dầu. Trong 5 năm gần đây, lực lượng chức năng bắt giữ liên tiếp nhiều vụ buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn, hoạt động buôn lậu mặt hàng này đang diễn biến với tần suất và quy mô lớn hơn trước.

Đại tá Nguyễn Song Hào, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sóc Trăng cho biết, khi giá mặt hàng xăng, dầu trong nước có chiều hướng tăng, các đối tượng đã tìm mọi cách hoán cải tàu cá nhằm vận chuyển, buôn lậu xăng dầu trên biển. Nhiều vụ việc đã được kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ngày 8-6-2019, tàu tuần tra BP 18.98.01 của Hải đội 2, BĐBP Sóc Trăng trong khi làm nhiệm vụ kiểm soát trên khu vực vùng biển tỉnh Sóc Trăng, cách cảng cá Trần Đề khoảng 42 hải lý, phát hiện tàu cá TG 93998TS có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, Tổ phát hiện trên tàu có năm thuyền viên và một người tự nhận tên là Trần Văn Pho, sinh năm 1968, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tàu chở khoảng 100.000 lít dầu DO và thuyền trưởng Pho cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu nói trên; các thuyền viên đều không có giấy tờ tùy thân và tên trong sổ danh bạ của thuyền viên đi biển.

Trước đó, khi tuần tra khu vực biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, tàu tuần tra BP 18.98.01 phát hiện tàu cá số hiệu 2BV 91166TS chở khoảng 20.000 lít dầu. Thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng tàu 2BV 91166TS là Nguyễn Văn Sẽ, sinh năm 1968, trú ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của hàng hóa. Cả bốn thuyền viên trên tàu cũng không có giấy tờ tùy thân, không có tên trong sổ danh bạ của thuyền viên đi biển. Theo lời khai ban đầu của ông Nguyễn Văn Sẽ, số dầu trên được lấy từ một tàu chở dầu đang hoạt động trên biển không rõ nguồn gốc.

“Qua công tác đấu tranh với các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển cho thấy, các chủ tàu buôn lậu của Việt Nam thường thông qua các đối tượng trung gian, hợp đồng với các tàu nước ngoài để mua bán, sang mạn xăng dầu trái phép trên biển. Sau đó, họ móc nối với các chủ tàu cá để thương lượng, hẹn tọa độ, theo dõi lịch đánh bắt để bán lại cho các tàu cá đánh bắt ngoài khơi” - Đại tá Hào phân tích.

Đáng chú ý, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện nhiều tàu buôn lậu xăng dầu với thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thường sang chiết xăng, dầu vào các can nhựa, thùng phuy rồi sử dụng tàu cá có công suất lớn, thậm chí cả ghe, xuồng nhỏ chở vào khu vực biển giáp ranh để mua bán bất hợp pháp. Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng còn sử dụng tàu không mang số hiệu, hoặc số hiệu giả; thuê phương tiện vận chuyển xăng dầu trái phép hoặc sử dụng hóa đơn của một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xăng dầu để hợp thức hóa số xăng dầu vận chuyển. Những trường hợp không có hóa đơn, khi bị bắt giữ, thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu thường khai nhận chỉ biết mua xăng dầu từ một tàu nước ngoài vì giá rẻ. Bên cạnh những đường dây buôn lậu xăng dầu lớn, vùng biển tỉnh Sóc Trăng cũng đang xuất hiện nhiều vụ buôn lậu xăng dầu nhỏ lẻ. Đối tượng thường lợi dụng đêm tối hoặc những ngày thời tiết xấu để hoạt động. Các chủ buôn lậu thường không trực tiếp đi trên tàu mà ở trong đất liền liên lạc với các đối tác bằng máy điện thoại vô tuyến, sau đó điều hành các thuyền trên biển cập mạn tàu lớn để mua trái phép xăng dầu. Họ liên lạc với nhau, sau đó giao nhận hàng ngay trên biển và không cố định địa điểm giao nhận hàng.

Địa bàn biên phòng vùng biển Sóc Trăng gần đây còn nảy sinh nhiều vụ vận chuyển, mua bán chất gây nghiện, thuốc lá ngoại nhập lậu. Khu vực xã Trung Bình và thị trấn Trần Đề với chiều dài bờ biển gần 30 km lâu nay vẫn luôn là một trong những điểm nóng về tình hình an ninh, trật tự. Nhiều vấn đề xã hội nổi lên ở đây, như: gây rối an ninh, trật tự, buôn lậu thuốc lá ngoại, tệ nạn ma túy. Các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như vận chuyển hàng vào khu vực đông tàu bè qua lại cảng, tập kết hàng trên các thuyền nhỏ để dễ vận chuyển đến khu vực đất liền, sau đó trộn lẫn vào hàng hóa khác trên thuyền, tuồn vào nội địa tiêu thụ.

Mới đây, trong lúc tuần tra tại khu vực ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, tổ công tác của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, BĐBP Sóc Trăng kiểm tra hai đối tượng có biểu hiện nghi vấn, phát hiện đối tượng Trần Vũ Hải, sinh năm 1998, là người địa phương điều khiển xe gắn máy mang biển số 52S2-3613 vận chuyển 398 bao thuốc lá nhập lậu, nhãn hiệu Hero và đối tượng Trần Vũ Linh, sinh năm 1995, điều khiển xe gắn máy không có biển số vận chuyển 399 bao thuốc lá nhập lậu, nhãn hiệu Jet. Trước đó, ngày 26-6-2019 tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, lực lượng chức năng bắt quả tang Nguyễn Văn Lượm, sinh năm 1989, thường trú ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề có năm bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma túy và bốn bịch ni-lông mầu trắng, chứa chất tinh thể rắn trong suốt. Theo lời khai ban đầu của Lượm, đó là ma túy đá mua từ một người không rõ tên tuổi ở TP Sóc Trăng về để sử dụng. Cùng ngày, lực lượng chức năng khám xét nhà và bắt quả tang Thạch Chanh Đi, sinh năm 1993, thường trú tại ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, đang tàng trữ dụng cụ dùng để sử dụng ma túy và năm túi ni-lông mầu trắng chứa chất tinh thể rắn trong suốt mà theo lời khai của Đi là ma túy đá.

Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng với những gì đang diễn ra trên địa bàn, có thể thấy nạn vận chuyển hàng hóa trái phép trên vùng biển và khu vực biên giới biển tỉnh Sóc Trăng chưa được xử lý căn cơ. Những đối tượng bị bắt giữ chỉ là người vận chuyển, làm thuê hoặc những đối tượng buôn bán nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, những tàu chở dầu lậu thường đi ở vùng biển xa, tàu có công suất chịu được sóng to, gió lớn cho nên việc truy đuổi, bắt giữ của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Đại tá Lê Thanh Những, Chỉ huy trưởng BĐBP Sóc Trăng cho biết, để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu trên biển, đơn vị đã cử lực lượng chuyên trách xuống địa bàn nắm bắt tình hình, túc trực 24/24 giờ ở các chốt trọng điểm. Phối hợp lực lượng chức năng ở địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các loại phương tiện tàu cá của ngư dân, ngăn việc sửa chữa, hoán cải thành phương tiện sử dụng, mua bán xăng dầu trái phép trên vùng biển phía nam. Phối hợp quản lý tốt địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân và nhân dân; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, giáo dục, làm chuyển biến tốt địa bàn trong thời gian tới.