Đổi mới phổ biến pháp luật ở vùng dân tộc thiểu số

Khắc phục tình trạng cứng nhắc, hành chính hóa trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giúp người dân nắm rõ pháp luật.

Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức sân khấu tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).
Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức sân khấu tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).

Những năm trước đây, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS ở Bắc Kạn chủ yếu theo hình thức tuyên truyền miệng và niêm yết văn bản. Hình thức này không hấp dẫn, khó thu hút người dân quan tâm tìm hiểu. Nhiều buổi tuyên truyền bị hành chính hóa, nặng về đọc nguyên văn, khô cứng. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thu Phương cho biết, tuyên truyền cho đồng bào DTTS cần dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ; muốn vậy phải đổi mới hình thức sao cho sinh động, hấp dẫn hơn. Từ năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai “sân khấu hóa” các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tỉnh đoàn cùng các huyện đoàn, địa phương phối hợp xây dựng kịch bản, Ban Dân tộc duyệt và cho thanh niên triển khai. 

Pác Nặm là huyện có tỷ lệ tảo hôn cao nhất ở Bắc Kạn. Năm 2019, huyện có tới 24 cặp tảo hôn trong tổng số 308 cặp đăng ký kết hôn, chiếm tỷ lệ gần 7,8%, có ba trường hợp là hôn nhân cận huyết. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào DTTS là do nhận thức của người dân về pháp luật hôn nhân còn hạn chế, việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện pháp luật còn chưa sâu rộng, bất cập và thiếu hiệu quả. Tại hai xã Cổ Linh và Bằng Thành, Ban Dân tộc tỉnh và Tỉnh đoàn Bắc Kạn triển khai sân khấu hóa tuyên truyền mô hình điểm đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”. Trong hai buổi tối, người dân và các em học sinh được nghe đại diện Ban Dân tộc phổ biến các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, thông tin về thực trạng, hậu quả, tác hại, hệ lụy của vấn nạn này. Ban tổ chức chiếu các video clip về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại các huyện vùng cao. Được xem các tiểu phẩm được sân khấu hóa bằng những câu chuyện có thật về những người đi trước phải gánh chịu để người dân hiểu và có ý thức hơn trong việc dựng vợ, gả chồng cho con em mình. Để buổi tuyên truyền thêm sinh động, Ban tổ chức còn đưa ra các dạng câu hỏi kiến thức nhanh thu hút các em học sinh và người dân tham gia. 

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn Ma Thị Mận cho biết, đổi thay rõ nhất là người dân hào hứng nghe, tham gia trả lời câu hỏi và nhớ được ngay những quy định của pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tiểu phẩm kịch được các thanh niên diễn, trình bày bằng cả tiếng DTTS, được sân khấu hóa các tình huống cụ thể. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo hình thức này hiệu quả hơn. Ban Dân tộc tỉnh và Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã triển khai được năm chương trình sân khấu hóa tuyên truyền mô hình điểm đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” tại các huyện Na Rì, Pác Nặm, Ngân Sơn và Chợ Đồn. Năm 2021, hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thêm sáu chương trình tương tự. 

Bắc Kạn cũng triển khai xây dựng hai mô hình điểm thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS và miền núi” tại hai xã Đổng Xá (Na Rì) và Yến Dương (Ba Bể). Mỗi mô hình xây dựng nhóm nòng cốt, thực hiện tuyên truyền hằng tháng đến từng hộ dân bằng hình thức trực tiếp, lồng ghép tại các buổi họp thôn, sinh hoạt cộng đồng… Các nhóm nòng cốt tổng hợp từ nhu cầu cơ sở, được tập huấn rồi trở về tuyên truyền cho người dân. Đến nay, hai mô hình đã tổ chức được 48 buổi tuyên truyền cho gần 1.700 lượt đồng bào; cấp phát cuốn Bản tin dân tộc đến tất cả các thôn, bản. 

Thời gian qua, Sở Tư pháp Bắc Kạn tham mưu UBND tỉnh tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật lồng ghép triển khai thực hiện các chương trình, đề án, cuộc thi. Đến nay, Bắc Kạn đã tổ chức sáu cuộc thi tìm hiểu pháp luật với gần 28.000 người tham dự. Đổi mới tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trực tuyến góp phần tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Lâm nghiệp năm 2017...

Bắc Kạn cũng triển khai thực hiện nhiều đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi toàn tỉnh. Biên soạn và cấp phát miễn phí hơn 86.300 cuốn sách hướng dẫn nghiệp vụ, hỏi - đáp pháp luật, tờ gấp tìm hiểu pháp luật các loại cho các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố và người dân. Sở Tư pháp biên soạn, cấp phát 10 nghìn tờ gấp “Một số quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh”. Ban Dân tộc tỉnh ký hợp đồng tuyên truyền pháp luật thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Bắc Kạn, cấp phát báo tới tận thôn, bản...

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh cho biết, trong thời gian tới, để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS hiệu quả hơn, ban sẽ chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương điều tra tại các xã đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó, xây dựng, nhân rộng để mỗi huyện có ít nhất từ một đến hai mô hình trở lên. Trong mỗi mô hình xây dựng nhóm nòng cốt, gồm: Bí  thư  chi  bộ,  trưởng thôn, người có uy tín; mỗi thôn có ít nhất một người. Từ đó, hằng tháng, thông qua sinh hoạt chi bộ, họp thôn… nhóm nòng cốt sẽ tuyên truyền, phổ biến tới tận thôn, bản.