Giá dầu, lạm phát và Việt Nam

NDO -

Với những dự báo về tăng trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sức ép lạm phát sẽ gia tăng ở nhiều quốc gia.

(Ảnh minh hoạ: Reuters)
(Ảnh minh hoạ: Reuters)

Trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhiều chính phủ gán một trọng số đáng kể cho năng lượng. Không những thế, năng lượng còn là đầu vào quan trọng, ảnh hưởng lớn đến giá của nhiều loại hàng hóa dịch vụ khác. Hiện dầu thô là lõi của năng lượng. Vì vậy, những biến động của giá dầu trên thế giới cần được chú ý nhiều hơn trong việc kiểm soát lạm phát ở một số nền kinh tế.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu dầu thô trên thế giới sẽ trở lại như thời điểm trước khủng hoảng Covid-19 vào cuối năm 2021 hay đầu năm 2022. Sở dĩ có sự chênh lệch về thời gian là vì nhu cầu dầu thô phụ thuộc vào kết quả của việc triển khai vaccine, nếu hiệu quả thì kinh tế mới hồi phục được nhờ hoạt động sản xuất và đi lại

Nhưng giá dầu thô không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu. Theo nguyên tắc thị trường thì giá còn được xác định bởi nguồn cung. Và ba nguồn cung quan trọng nhất trên thế giới chính là Mỹ và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với đại diện là Saudi Arabia và Nga.

Tại thị trường Mỹ, nguồn cung dầu không chỉ có dầu thô mà còn có dầu đá phiến. Ngoài ra, các nguồn cung thay thế khác như ethanon, gas, cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu.

Cũng cần biết thêm dầu thô trên thế giới được phân chia thành dầu WTI, tham chiếu cho thị trường Mỹ, và dầu Brent tham chiếu cho thị trường thế giới. Giá dầu thế giới được niêm yết với đồng USD nên những biến động về giá USD cũng ảnh hưởng nhiều đến giá dầu thế giới. Chẳng hạn, nếu đồng USD tăng 10%, các điều kiện khác không đổi thì giá dầu sẽ giảm 10%.

Một yếu tố quan trọng khác cũng ảnh hưởng đến giá dầu mà mối quan hệ giữa các nền kinh tế lớn với nhau. Nếu các vấn đề xung đột địa chính trị có thể dẫn đến việc OPEC cắt giảm sản lượng đột ngột và nhiều thì giá dầu trên thế giới sẽ biến động mạnh.

Trung Quốc cũng là một nhân tố quan trọng trong biến động của giá dầu, khi nước này là nước nhập khẩu ròng dầu lớn nhất thế giới hiện nay. Năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ khi mỗi ngày nhập trung bình 8,7 triệu thùng, so với Mỹ là 7,9 triệu thùng. Việc Trung Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng hay có cú sốc nào trong thời gian tới cũng sẽ thay đổi diện mạo thị trường dầu thế giới.

Nhiều phân tích hiện nay cho rằng trong ngắn hạn, giá dầu không bị tác động nhiều bởi các yếu tố bên ngoài như những tiến bộ về công nghệ trong tiết kiệm năng lượng, tỷ trọng của điện tăng dần trong các nguồn năng lượng.

Tuy nhiên, có một thay đổi đáng kể do Covid-19 là nhu cầu đi lại bằng máy bay sẽ giảm nhiều do làm việc từ xa và trực tuyến ngày càng phổ biến, từ đó kéo theo nhu cầu xăng dầu cho vận tải hàng không giảm.

Giá dầu thô được dự báo trong ngắn hạn sẽ xoay quanh mức 50-55 USD/thùng cho đến 2025. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế nhanh hơn hay điều chỉnh về nguồn cung có thể tạo ra những dao động lớn về giá. Lịch sử giá dầu thế giới đã chứng kiến những đợt biến động lớn gần đây, có khi giá Brent lên đến 139 USD/thùng và xuống tới 25 USD/thùng.

Kể từ năm 2018, Việt nam trở thành nước nhập siêu xăng dầu và xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 8,27 triệu tấn xăng dầu, giảm 18% về lượng so với năm 2019. Trong trường hợp kinh tế quay lại mức tăng trưởng như trước thì nhu cầu sẽ vượt mức 10 triệu tấn trong năm 2021.

Số liệu thống kê cho thấy CPI tháng 02-2021 của Việt Nam tăng 1,52%, một phần do giá xăng dầu tăng. Không những thế, đặc thù của Việt Nam là giá xăng dầu ảnh hưởng đáng kể đến nhiều hàng hóa dịch vụ khác, đặc biệt là lĩnh vực vận tải vì hiện nay, chi phí xăng dầu chiếm đến 30-35% chi phí vận tải.

Trong giai đoạn giá dầu quốc tế bị giảm mạnh do Covid-19, giá xăng dầu trong nước cũng có giảm nhưng không cùng biên độ. Do vậy, nếu giá thế giới biến động tăng trở lại thì quán tính tăng giá sẽ nhiều hơn. 

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam là rất lớn trong giai đoạn sắp tới. Nếu phát triển nhanh và hiệu quả các nguồn năng lượng thay thế khác như điện, gas, các giải pháp tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo bền vững thì áp lực nhập khẩu xăng dầu cũng sẽ được giảm bớt nhiều.

Khi đó, nếu có những biến động lớn trên thị trường dầu thế giới thì giá xăng dầu trong nước cũng ít bị ảnh hưởng hơn, giá cả xăng dầu ít tác động đến chỉ số tiêu dùng, từ đó mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ bớt thách thức hơn.

TS Võ Đình Trí

Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, IPAG Business School Paris

Thành viên Tổ chức AVSE Global