Ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng T.Ư Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam:

“Doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kinh doanh trước bối cảnh mới”

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn (ảnh bên), Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng những suy tư của mình trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết đang đặt ra nhiều thách thức lẫn cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước.

“Doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kinh doanh trước bối cảnh mới”

Thưa ông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, chỉ thời gian ngắn đã có 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2020, đánh dấu mốc đầu tiên sau hàng thập kỷ, số doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

Chính phủ Việt Nam chống dịch Covid-19 tốt đã giảm thiểu thiệt hại, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Phải tìm hiểu bản chất của thực trạng số doanh nghiệp thành lập mới ít hơn số doanh nghiệp bị giải thể, không phải câu chuyện đơn thuần về số lượng. Có những doanh nghiệp đóng cửa thật, nhưng cũng có những doanh nghiệp đóng cửa để chuyển sang loại hình, mô hình kinh doanh khác. Cần các dữ kiện để đánh giá đúng bản chất của vấn đề, như bác sĩ khi khám bệnh phải có đầy đủ các thông số. Nhưng dịch Covid-19 cũng giúp chúng ta biết được thực chất phát triển của nền kinh tế, khả năng “đề kháng” và hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong lúc khó khăn này, chúng ta không thể trông chờ vào nguồn lực và các chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp là hoàn hảo được. Để chiến thắng, chúng ta phải có nỗ lực “3 in 1”, tức từ cả ba phía - Chính phủ, chủ doanh nghiệp và người lao động. Những lúc này, chúng ta cần đồng thuận mới có thể vượt qua khủng hoảng.

Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại, mới đây nhất là hiệp định EVFTA với liên minh châu Âu. Ông đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt và làm thế nào để biến thách thức thành cơ hội?

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, cơ hi gn lin vi thách thc. Độ mở của nền kinh tế lên tới 200% giá trị GDP khiến nền kinh tế Việt Nam đối mặt không ít thách thức. Cạnh tranh sẽ rất gay gắt, đặc biệt trong những lĩnh vực mà nước ta yếu hơn như logistics, chăn nuôi... Với việc Việt Nam đã ký 15-17 hiệp định thương mại, đây là cuộc cạnh tranh toàn cầu với mỗi sân chơi có luật riêng và yêu cầu riêng về chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và năng suất lao động, ứng dụng công nghệ khác nhau dẫn tới giá thành sản phẩm khác nhau... Thị trường chỉ chấp nhận doanh nghiệp nào tuân thủ luật chơi và có đủ cả tiềm lực, năng lực. Thích ứng với thời cuộc là điều bắt buộc với doanh nghiệp vì thời cuộc luôn thay đổi. Tuy nhiên, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam tiềm lực yếu, vốn mỏng, năng lực còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao, chưa quen ra biển cả với sóng lớn của thương trường dẫn tới năng lực cạnh tranh yếu trong “cuộc chơi” với đối thủ hơn hẳn về tầm vóc.

Nếu chỉ quanh quẩn thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn, vì do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhiều nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Càng nhiều doanh nghiệp di chuyển vào nước ta thì cạnh tranh càng gay gắt, doanh nghiệp trong nước càng bị chèn ép. Trong sự cạnh tranh và chèn ép ấy, phải có một lối thoát, đó chính là tập trung phát triển thị trường rộng lớn của các nước mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại. Doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy kinh doanh trước bối cảnh mới, lấy sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam gần như đang đứng ngoài các hiệp định thương mại mà nước ta đã ký kết, thờ ơ với những thị trường rộng lớn nhiều tiềm năng. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt  từ ao làng dám đi ra biển lớn?

Phải gửi các thông điệp tới các doanh nghiệp Việt Nam dám nghĩ và bước ra bên ngoài. Họ đang cần hậu thuẫn. Giờ nếu chỉ nói chung chung về các hiệp định thương mại, thì doanh nghiệp vẫn e ngại trước sóng to gió cả, trong khi đang thiếu tự tin, thiếu cả thông tin và nguồn lực. Chính phủ, các bộ, ban, ngành phải hành động mạnh mẽ để trợ giúp doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam phải có tư duy thị trường toàn cầu, chứ không thể quanh quẩn ở “ao làng”. Nhưng quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ, bơi trong ao làng đã khó, làm sao cạnh tranh trên thị trường toàn cầu? Đây là bài toán con gà - quả trứng? Muốn giải bài toán này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần vạch ra chiến lược đưa doanh nghiệp Việt Nam từ ao vươn ra biển. Chẳng hạn, với hiệp định CPTPP, ngành dệt may xuất khẩu sẽ có nhiều ưu đãi nếu sợi vải có xuất xứ từ Việt Nam. Nhưng nếu không có chính sách ưu đãi thì không ai dám đầu tư nhà máy sản xuất sợi vải vì đầu tư rất lớn nhưng chẳng biết có cạnh tranh được không. Mà nếu không có những sự đầu tư để hình thành nền công nghiệp phụ trợ, chúng ta không thể tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại.

Thưa ông, hội nhập, cạnh tranh trên thị trường thế giới có phải là một thử thách quá tầm với nhiều doanh nghiệp trong nước vốn nhỏ và siêu nhỏ, được ví như đội quân thuyền thúng ra với đại đương?

Các doanh nghiệp cần hiểu rằng thời nay, tốc độ quan trọng hơn quy mô, cá nhanh nuốt cá chậm chứ không hẳn cá lớn nuốt cá bé. Nếu đi thuyền thúng thì 100% không hội nhập nổi, phải thay thuyền thúng bằng thuyền cao tốc nhỏ. Nếu không đủ vốn, 3-4 thuyền thúng phải chập lại để thành thuyền cao tốc. Sức mạnh của thế giới trong thế kỷ tới là sức mạnh của sự liên kết với nhau (teamwork). Các doanh nghiệp trước hết phải nhận thức được vấn đề này. Nếu một doanh nghiệp “thuyền thúng” tích góp được để mua một thuyền cao tốc thì rất lâu và lúc đó mình đã tụt hậu rồi, chính vì thế phải liên kết lại để có những con thuyền cao tốc kịp thời vươn khơi. Cn tăng cường liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, cần vượt qua chính mình, từ bỏ thói quen làm ăn “chụp giật”, thiếu liên kết chuỗi...

Chúng ta mở cửa, ký nhiều hiệp định thương mại nhưng mức độ cải cách thể chế trong nước chưa theo kịp, năng lực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Theo ông cần làm gì để tháo gỡ vướng mắc, kiến tạo những cơ hội cho doanh nghiệp phát triển?

Việt Nam rất mạnh dạn mở cửa trong lúc năng lực của các doanh nghiệp trong nước không được mạnh, nên để đối chọi với doanh nghiệp nước ngoài là cả một vấn đề. Nếu các doanh nghiệp trong nước không tận dụng được cơ hội này thì sẽ có một luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sản xuất hàng hóa để tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại hoặc họ sẽ mua bán, sáp nhập, thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam theo quy luật cá lớn nuốt cá bé. Các doanh nghiệp nước ngoài biết rằng doanh nghiệp Việt Nam không thể đua với họ về vốn, cha ông ta cũng đã có câu: “buôn tài không bằng dài vốn”. Vốn mỏng mà tham gia cuộc đua đường trường với các doanh nghiệp nước ngoài thì kết cục doanh nghiệp nước ta sẽ thua cuộc. Tôi nghĩ phải bỏ ra một lượng vốn nhất định mới có thể gia nhập cuộc chơi.

Trong khi đó, nhiều doanh nhân cho hay, mức lãi trên doanh thu trung bình của họ chỉ khoảng 3%, nhưng chi phí ngoài luồng có thể lên tới 10%, do vậy kiểu gì lợi nhuận cũng âm. Doanh nghiệp phải chi phí quá nhiều, nhưng tất cả đều tính vào giá thành sản phẩm, đáng lẽ sản phẩm bán 10 đồng nhưng phải bán tới 15 đồng, nên không thể cạnh tranh được. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phá sản.

Các doanh nghiệp dù nhỏ hay to đều không trông đợi sự hỗ trợ nguồn tiền của Nhà nước, không “cào cấu” ngân sách mà họ cần hệ thống cơ chế thông thoáng. Muốn vậy những người trong bộ máy công quyền cũng phải rất am hiểu về kinh doanh. Có những trường hợp, người làm kinh doanh và những người trong bộ máy công quyền “bất đồng ngôn ngữ”, nên cần phải cùng một ngôn ngữ để có tiếng nói chung. Tôi làm về xuất nhập khẩu, thấy môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng nói chung vẫn còn lùng bùng lắm. Cải cách thể chế phải làm sao theo kịp được yêu cầu của hội nhập và phát triển. Chúng ta đã biết, ai chấp nhận sự thay đổi thì tồn tại, ai nắm bắt được thay đổi sẽ thành công. Không thể lên tầm cao mới từ nền móng cũ được.

Nhân dịp Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về một doanh nhân chân chính và làm sao để xã hội hình thành một lực lượng doanh nhân chân chính gánh vác sứ mạnh phát triển nền kinh tế nước nhà?

Đánh giá thế nào là doanh nhân chân chính cũng không đơn giản. Đôi khi người ta dễ nhầm tưởng doanh nhân làm từ thiện nhiều là doanh nhân chân chính, nhưng nếu họ có lợi nhuận 1.000 tỷ đồng từ chênh lệch địa tô rồi bỏ ra 100 tỷ đồng để làm từ thiện thì thực ra vẫn là “mỡ nó rán nó”. Tôi nghĩ doanh nhân phải tạo ra những giá trị thực sự cho xã hội, từ trí tuệ và sự sáng tạo, chứ không chỉ “làm giàu từ đất mẹ”, nghĩa là khai thác chênh lệch địa tô và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Phải làm sao hình thành được văn hóa kinh doanh đàng hoàng, minh bạch, tuân thủ pháp luật chứ không phải dựa vào “kỹ xảo”. Nếu hình thành được tầng lớp doanh nhân như vậy, xã hội sẽ khác hẳn, giới trẻ có những tấm gương tốt để noi theo.

Nguồn cảm hứng để đất nước phát triển phải là từ nhân dân, chúng ta thắng các cuộc chiến tranh cũng nhờ thực hiện chiến tranh nhân dân. Thời bình, cần tạo ra một môi trường để người dân có thể tham gia làm ăn kinh doanh thuận lợi, công bằng. Nếu dựa vào nguồn lực nhân dân, phát huy được nguồn lực nhân dân thì chắc chắn kinh tế sẽ phát triển. Muốn thế, phải tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính, kiến tạo. Nếu các dự án cứ vào sân sau, “sân trước”, muốn có dự án phải “bôi trơn” thì sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh méo mó và dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm, tạo ra những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, sẽ hình thành nên một lớp doanh nhân “dặt dẹo” nhưng kiếm tiền nhanh, kiếm tiền dễ, nên cách tiêu  cũng khác.

Doanh nhân có thể đi theo đường này, đường kia, nhưng quan trọng là Nhà nước và xã hội cổ súy cho con đường nào. Mình phải bảo vệ, cổ súy cho con đường làm ăn tử tế, tuân thủ pháp luật, tạo ra giá trị thật sự cho xã hội. Phải đi theo giá trị chân chính, không thể để giá trị đảo lộn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!