Và hiện tại tái sinh từ ký ức

Có một quả đào trong chiếc rổ mong manh/Có một âu trái cây/ Năm mươi năm/ Đường dài làm sao, từ khung cửa đến chiếc bàn…”. Khi một nữ thi nhân khác của nước Mỹ - Fiona Sampson - chọn những câu ấy để minh chứng lòng ngưỡng mộ của mình dành cho tân chủ nhân giải Nobel Văn học, thì những hình ảnh ẩn dụ ấy hẳn phải biểu đạt nhiều đường nét khái quát nhất cho tư tưởng của Louise Glueck - người vừa được vinh danh.

Và hiện tại tái sinh từ ký ức

Bắt đầu là những nỗi đau

Nếu cuộc đời không chất chứa nhiều nỗi đắng cay đến thế, cũng chưa chắc văn chương của Louise Glueck đã giàu sức lay động đến như vậy. Ủy ban Nobel ca ngợi bà khi xướng tên, bởi “âm điệu đầy chất thơ không thể nhầm lẫn, cùng vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu của cá nhân trở nên một điều phổ quát”. Nhưng cách đây tám năm, Dwight Gamer - một nhà phê bình văn học danh tiếng của nước Mỹ - đã từng viết trên tờ The New York Times về tập thơ Ararat mà Louise Glueck cho ra đời năm 1990: “Tập thơ Mỹ tàn bạo và giàu nỗi đau nhất được xuất bản trong vòng 25 năm qua”.

Louise Glueck (sinh ngày 22-4-1943, tại New York, Mỹ trong một gia đình nhập cư gốc Do Thái) có lẽ hiếm khi thật sự cảm nhận được hạnh phúc, kể từ khi thời thơ ấu còn chưa kết thúc. Cô bé mơ mộng được truyền tình yêu văn học và thi ca từ cả bố lẫn mẹ ấy, cô bé đọc thuộc cả thần thoại Hy Lạp lẫn những sử thi cổ điển từ rất sớm ấy, cô bé tập làm thơ từ khi mới biết đọc ấy… đột nhiên mắc bệnh biếng ăn tâm thần. Nó ám ảnh Louise suốt những năm cuối tuổi thiếu niên, sang tuổi thanh niên. Nó khiến cô tự tách mình khỏi mẹ, và luôn liên tưởng đến cái chết của người chị ruột - người đã mất trước khi cô ra đời.

Bởi căn bệnh ấy, năm cuối trung học, Louise Glueck buộc phải được điều trị bằng phân tâm học, và bị buộc thôi học để tập trung chữa trị. Đến năm 1961, bà mới tốt nghiệp. Nhờ nó, bà nhận ra rằng “một ngày nào đó tôi sẽ chết, nhưng những cảm nhận rõ ràng và trực tiếp hơn là tôi không muốn chết”. Vì nó, Louise Glueck không thể đăng ký vào đại học như một sinh viên toàn thời gian (full-time) chính quy, mà vẫn cố gắng trị liệu, trong khi “tình trạng cảm xúc của tôi, sự cứng nhắc cực độ của tôi trong hành vi và sự phụ thuộc điên cuồng vào nghỉ lễ đã khiến các hình thức giáo dục khác không thể thực hiện được” - như bà từng bộc bạch.

Thay thế trường đại học, Louise đi theo những lớp học về thơ. Bà không có bằng cấp gì, và phải kiếm sống bằng công việc thư ký. Bà kết hôn lần đầu năm 1967, rồi ly hôn nhanh chóng. Phải sáu năm sau, bà mới tìm lại được cảm giác yêu đương, để làm mẹ lần đầu. Năm 1980, khi đã bắt đầu bước lên đỉnh cao văn nghiệp, một trận hỏa hoạn thiêu trụi tất cả mọi tài sản của Louise Glueck. Năm 1985, cha bà qua đời, và bà bắt đầu viết tập Ararat

Luôn có gì đó được tạo nên bởi những nỗi đau…” - Louise đã viết câu mở đầu cho một bài thơ của mình - Love Poem (Yêu thơ) - như thế.

Trên những cuộc hành trình mơ màng

Tuy nhiên, thứ thi ca mà Louise Glueck “tạo nên từ những nỗi đau” không bi lụy và yếm thế, dù nó mang vẻ đẹp khắc khổ, đôi khi tàn nhẫn. 12 tập thơ của bà đều mang âm hưởng “mơ màng, gợi nhớ đến những ký ức và những cuộc hành trình” (đánh giá của Ủy ban Nobel), để khắc họa khao khát vươn dậy, tái sinh, thực hiện những bước nhảy vọt về phía trước của bản ngã - cái bản ngã mà bà luôn lấy chất tự sự từ nó để làm trung tâm cho mọi tác phẩm. “Tôi chẳng trông chờ được sống sót/Mặt đất nén chặt thân tôi/Tôi chẳng trông chờ lại tỉnh giấc/để thấy đất ẩm trong tôi/Rồi sau biết bao lâu/Vẫn nhớ, lại hồi sinh/trong tiết lập xuân…” (bài Snowdrops - Những giọt tuyết).

Đêm nay, bao nhiêu năm rồi/điều đó mới lại đến với tôi/ Sự huy hoàng của địa cầu/Trên bầu trời đêm, những vì sao chưa bao giờ hoàn mỹ đến vậy/trong bóng đêm của mặt đất”. Sự tương phản đầy ngụ ý trong những câu mở đầu bài Sao đêm (The evening star) ấy là một thí dụ khác, về cách Louise Glueck nhẹ nhàng làm bật lên lời chúc tụng cho những mất mát theo cách nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở. Giản dị và thuần khiết, hầu như không bóng bẩy, chẳng cần quá trau chuốt hoa mỹ, thơ của bà trở thành những dòng thi ca “được trích dẫn nhiều nhất tại nước Mỹ”, ngay cả trong thời đại mạng xã hội đã bùng nổ này. Chúng duyên dáng và hài hòa. Chúng đầy hình ảnh, và cũng đầy những thông điệp.

Bất cứ độc giả nào cũng có thể tiếc cho một tác giả khác, nhưng có lẽ không ai có thể nói rằng Louise Glueck không xứng đáng với giải Nobel Văn học. Fiona Sampson thổ lộ đã đọc thơ Louise Glueck “Từ hai mươi năm qua, nhiều hơn bất cứ nhà thơ nào từng nổi lên và phai mờ, lâu hơn cả quãng thời gian làm thơ của chính mình”, và với người hậu bối ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, Louise Glueck “có một khả năng thiên phú, với sự minh mẫn đầy tính triết học để phát đi những tín hiệu trầm lặng (về cách đào xới và đặt những câu hỏi cho bản ngã cũng như về bản ngã), làm chúng trở nên rõ ràng và hoàn chỉnh, vượt khỏi thế giới thơ của riêng bà”.

“Trong thơ Louise, sự tự lắng nghe chính mình để lại những giấc mơ và cả những ảo giác. Có lẽ không ai nỗ lực nhiều hơn chính Louise trong việc đối đầu với những ảo giác đó” - lời Chủ tịch Ủy ban Nobel Anders Olsson. Bà pha trộn các trải nghiệm đó với những chỉ dấu huyền ảo mang đầy tính thần thoại - được khơi nguồn từ thời thơ ấu. Bà tái sinh các ký ức, và tự tái sinh bằng những ký ức của mình.

Vậy thì, lúc nhận được điện thoại báo rằng mình đã trở thành chủ nhân mới của giải Nobel Văn học, Louise Glueck cảm thấy như thế nào? “Hơn cả, tôi lo lắng về sự thay đổi nhịp sống thường ngày, hay về những người tôi yêu thương. Tất cả dường như gián đoạn, khi chuông điện thoại réo lên bên tai tôi...”. Người thơ ấy, có lẽ, vẫn thích thế giới suy tưởng cô độc và êm đềm của mình trước đây hơn.

Và hiện tại tái sinh từ ký ức -0