Triết gia trên đảo vắng

Khi cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới bị đảo lộn bởi lệnh cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, thì mọi chuyện trên hòn đảo nhỏ Budelli (Italia) xinh đẹp ở Địa Trung Hải lại không mấy xáo trộn. Bởi vì ở đó, Mauro Morandi, cư dân duy nhất trên đảo, đã tự tách mình khỏi thế giới hơn 30 năm qua.

Triết gia trên đảo vắng

“Robinson Crusoe” thời hiện đại

Mauro Morandi từng là một giáo viên dạy thể dục mang trong mình sở thích “xê dịch”. Trong một chuyến du ngoạn trên biển năm 1989, động cơ tàu bị hỏng, và ông buộc phải neo đậu ngoài khơi một hòn đảo nhỏ mang tên Budelli ở Địa Trung Hải. Lang thang trên đảo, Morandi tình cờ biết được rằng người trông coi hòn đảo đang chuẩn bị nghỉ hưu. Nước biển trong vắt, những rặng san hô kỳ ảo, hoàng hôn đầy mầu sắc phía chân trời hay một cảm giác ma mị nào đó đã khiến Morandi đưa ra quyết định lớn nhất của cuộc đời một cách nhanh chóng. Ông bán thuyền của mình mà không mảy may suy nghĩ, và ứng tuyển vào vị trí tiếp quản hòn đảo.

Từ khi đặt chân lên Budelli, Mauro Morandi, nay còn được gọi là “Robinson Crusoe của Italia”, chưa từng rời khỏi nơi này trong suốt 31 năm. Ông yêu từng bụi cây, ngọn cỏ trên đảo, yêu việc trò chuyện với những tảng đá, hay những chú chim nhỏ ríu rít bay vào bếp mỗi sáng. Thức giấc trong căn nhà bằng đá cũ kỹ, tiến sát tới cửa sổ để hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, phóng tầm mắt ra xa về phía bãi biển hoang vắng…, Morandi luôn cảm thấy tràn đầy sức sống ở tuổi 81. Morandi bảo, ông không cảm thấy cô đơn, bởi “được Mẹ Thiên nhiên ôm trọn vào lòng mỗi ngày”.

Mọi thứ diễn ra bên ngoài dường như không làm Morandi bận tâm. Tuy vậy, ông vẫn cập nhật tin tức thế giới. Italia, trong đó có Modena, thành phố nằm ở phía bắc của đất nước hình chiếc ủng, là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Modena thân thương chính là nơi gia đình và bạn bè Morandi đang sống và chống chọi dịch bệnh. “Robinson Crusoe” bước dọc bãi biển, hướng mắt về phía chân trời xa và chợt nhận ra bản thân may mắn xiết bao khi được sống ở nơi an toàn nhất Trái đất. Không điều gì gây nguy hại ông trên hòn đảo này. Thậm chí nhiều tuần rồi, Morandi không còn thấy bóng dáng của bất kỳ tàu thuyền nào qua lại, kể từ khi dịch bùng phát.

Triết gia trên đảo vắng ảnh 1


Hãy nghĩ về cuộc đời

Morandi cũng có chút buồn, bởi những năm qua, ông dần quen với việc chào đón các du khách, kết bạn với họ. Các chuyến thăm đảo của du khách chấm dứt, đồng nghĩa với việc sẽ còn lâu nữa Morandi mới nhận được thực phẩm và đồ tiếp tế từ đất liền.

Hằng ngày, Morandi giữ thói quen lang thang dọc bãi biển, kiếm củi, nấu ăn. Morandi yêu sự tĩnh lặng của mùa đông, khi sóng ngừng rì rào và bãi biển không bóng người, yêu những buổi hoàng hôn đỏ tím nơi chân trời. “Robinson Crusoe” có thêm đam mê mới là chụp ảnh. Ở tuổi mà nếu giống bao người trong đất liền, có lẽ Morandi đang vui vầy với con cháu, xem ti-vi hay đọc báo cả ngày, ông lại tự mày mò học chụp ảnh, chỉnh sửa rồi đăng lên trang mạng Instagram. Vẻ đẹp của Budelli ngày này qua ngày khác vẫn luôn khiến Morandi kinh ngạc. Ông muốn cho cả thế giới thấy thiên nhiên đẹp biết dường nào với những buổi hoàng hôn, bãi cát trải dài mà… không dấu chân người.

Trái lại với mùa hè nắng ấm, mùa đông Địa Trung Hải vô cùng khắc nghiệt. Hằng năm, trong vài tháng của mùa đông, Morandi chỉ có thể đóng cửa ở trong nhà, hoặc ra hiên hít thở không khí. “Thật là nực cười nếu ai đó không thể ở yên trong nhà hai tuần?” - Morandi trả lời phỏng vấn báo chí qua điện thoại khi được hỏi về lệnh cách ly của người dân trong đất liền. Morandi cho rằng, phần lớn mọi người không muốn ở nhà một mình, bởi nỗi sợ cô đơn, sợ bị cộng đồng bỏ rơi. Vậy, tại sao mọi người không suy nghĩ tích cực hơn: Xem khoảng thời gian cách ly chính là cơ hội để tự ngẫm lại cuộc đời? Hãy coi đó là khoảng lặng để chiêm nghiệm mọi thứ đã qua và điều chỉnh cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, theo Mauro Morandi, phần lớn mọi người sẽ không tận dụng được cơ hội này, bởi quá nhiều người đã “chìm đắm quá lâu trong tiện nghi và lối sống quay cuồng”. Với Morandi, hành trình kỳ diệu nhất chính là hành trình khám phá bản thân, dù là đang trong phòng khách hay ngồi dưới tán cây ở Budelli.

Không bao giờ rời xa

Budelli nổi tiếng bởi vẻ đẹp của Spiaggia Rosa hay còn gọi là Bãi biển hồng, được tạo nên bởi xác san hô, vỏ sò và sinh vật biển. Budelli, đáng buồn, cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự tàn phá bởi bàn tay con người. Gió đổi hướng cùng thủy triều dâng làm bay dần “màu cổ tích” của hòn đảo. Những năm 90 của thế kỷ trước, Spiaggia Rosa được chính phủ Italia xác nhận là nơi có giá trị tự nhiên cao và đóng cửa phần lớn các bãi biển để bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh, chỉ dành lại một số khu vực nhất định cho du khách. Morandi thu gom các chai lọ và rác thải nhựa bị sóng biển đánh dạt vào bờ, treo chúng lên một cái cây trước nhà, tự sám hối trước Mẹ Thiên nhiên vì sự ích kỷ của con người. Người ẩn sĩ già thầm cảm ơn cuộc đời đã cho ông sống ở nơi như vậy.

Budelli nhiều lần đổi chủ sở hữu. Do khó khăn tài chính, năm 2006, Công ty bất động sản Morili Gallura, có trụ sở tại Milan, ngừng trả lương cho Morandi, nhưng ông vẫn quyết định bám trụ trên đảo. Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa nhiều bên, năm 2016, tòa án quyết định hòn đảo này trở thành một phần của Công viên quốc gia Maddalena Archipelago, thuộc quyền quản lý của Chính phủ Italia. Morandi nhận được lệnh rời khỏi đảo. 18 nghìn chữ ký lập tức được người dân thu thập, buộc chính quyền phải trì hoãn việc trục xuất Morandi vô thời hạn.

“Robinson Crusoe” của Italia nói sẽ không bao giờ rời Budelli. Nơi đây có mọi thứ ông cần: một hệ thống điện mặt trời và nước mưa tích trữ để đun nấu, căn bếp nhỏ để sưởi ấm và một tủ đủ sách để đọc. Vị triết gia bất đắc dĩ đó hy vọng được trút hơi thở cuối cùng nơi đây. Ông tin, mọi sinh vật cuối cùng rồi cũng sẽ đoàn tụ với đất mẹ. Loài người nhỏ bé chúng ta chỉ là một phần trong dòng chảy vô tận ấy. Kể cả trước và sau sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2…