Người viết lại định nghĩa về chiến thắng

Lập kỷ lục bắn cung chuẩn xác ở cự ly xa nhất (284 m) có lẽ vẫn chưa phải là kỳ tích lớn nhất với Matt Stutzman (ảnh bên). Ðiều đặc biệt nhất ở vận động viên - cung thủ hàng đầu thế giới ấy chính là, việc sinh ra không có tay chẳng thể ngăn cản anh thực hiện ước mơ của đời mình.

Người viết lại định nghĩa về chiến thắng

Quyết định điên khùng

Năm 2009, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, chàng trai thất nghiệp Matt Stutzman đang loay hoay tìm cách nuôi sống gia đình. Ngẫm đến cảnh người vợ phải làm hai công việc cùng lúc để kiếm thêm thu nhập, Matt đã quyết định tự học bắn cung để đi săn. Chí ít, ba đứa con ở nhà sẽ không bị đói.

Săn thú nói thì đơn giản, nhưng với người bị khuyết tật bẩm sinh như Matt, sao anh dùng được cung khi không có cả hai tay? “Không biết nữa, tôi đã ra ngoài, mua một cây cung rẻ nhất, tập luyện và bắn được một con nai. Tôi đặt ra mục tiêu và may mắn đã hoàn thành nó”, Matt nhớ lại kỷ niệm năm xưa.

Với ba con nai săn được, quyết định tưởng như ngớ ngẩn kia chẳng những giúp nuôi sống cả gia đình mà còn thúc đẩy sự tự tin của chàng trai sinh năm 1982 tới mức, Matt bắt đầu tham gia các cuộc tranh tài ở địa phương. Anh thậm chí còn được một nhà sản xuất cung tài trợ thi đấu.

Mọi thứ diễn ra tưởng như suôn sẻ, tới ngày Matt nghe được lý do của công ty kia. “Họ tài trợ vì tôi không có tay. Ðiều này thu hút sự chú ý của mọi người đến sản phẩm, chứ không phải vì tôi bắn cung giỏi”. Như được thức tỉnh một cách mạnh mẽ, Matt quyết tâm thể hiện bằng được khả năng của mình. “Tôi không muốn sống như một anh chàng kiếm được tiền vì khuyết tật. Tôi sẽ chứng minh rằng tôi xứng đáng nhận tài trợ vì tôi giỏi chứ không phải vì sự khác biệt”.

Người viết lại định nghĩa về chiến thắng -0
 

Cung thủ bằng chân

Lúc đầu, Matt mất hai tuần liền nghiên cứu cây cung nhằm tìm ra phương án tối ưu để sử dụng nó. Anh dùng chân phải thay cánh tay, rồi lấy miệng kéo dây cung. Ðiểm cốt yếu nằm ở chỗ luyện tập cách cân bằng giữa chân, cung, miệng, cơ cổ và đôi mắt để nhắm bắn mục tiêu.

Matt dành đều đặn tám giờ mỗi ngày để hoàn thiện tư thế bắn và chỉ nghỉ ngơi duy nhất một buổi trong tuần. Phi thường hơn cả, anh không dùng cây cung được chỉnh sửa cho người khuyết tật mà chỉ sử dụng một sợi dây hỗ trợ đeo quanh ngực để cố định cơ thể. “Ðầu tiên, tôi phải điều chỉnh dây đeo để bảo đảm nó nằm đúng vị trí. Khi rút cung ra sau, tôi đẩy chân ra khỏi ngực, đưa vai phải lên. Mặt sẽ phải cúi xuống một chút để nhắm… và sau đó tôi bắn”. Quá trình này diễn ra thành thục tới mức Matt không khác nào một vận động viên bình thường đang bắn cung.

Tháng 1-2010 là thời điểm Matt quyết tâm trở thành xạ thủ giỏi nhất thế giới. Chỉ 365 ngày sau, anh đã chiếm được một suất trong Ðội tuyển bắn cung quốc gia. Ðến năm 2012, Matt Stutzman đã giành được Huy chương bạc tại Thế vận hội Paralympic ở London (Anh).

Cuối năm 2015, Matt Stutzman còn xác lập kỷ lục thế giới: Người bắn cung chuẩn xác ở cự ly xa nhất (284 m). Ðáng ngạc nhiên hơn, đây là thành tích vượt qua cả cột mốc của những người bình thường. Ðiều đó khiến anh càng trở nên đáng nể. Sau tất cả, Matt chứng minh bản thân có đủ khả năng, tài năng và việc sinh ra không có tay cũng chẳng thể ngăn cản anh trở thành một trong những cung thủ xuất sắc nhất thế giới.

Không đầu hàng số phận

Gia đình Jean và Leon Stutzman đã nhận nuôi Matt khi anh tròn hai tháng tuổi, cùng với bảy đứa trẻ khác. Thời gian đầu, mọi người cố đưa những cánh tay giả, nhưng Matt đã từ chối sử dụng chúng. Cuối cùng, nhà Stutzman quyết định: “Chúng tôi cố gắng không làm quá bất cứ điều gì vì Matt sẽ không sống trong thế giới tàn tật. Ðể hòa nhập và có cuộc sống như bao người khác, cần học cách thích nghi với môi trường chung quanh và đứa trẻ này đã tìm ra cách riêng của mình”.

Không đầu hàng số phận, cậu bé tóc vàng tập luyện sử dụng chân thay cho hai cánh tay. Anh làm được gần như tất cả mọi việc bằng chân và các bộ phận khác trên cơ thể thay vì cách mọi người vẫn thường sử dụng đôi tay. Từ ăn uống, lái xe tự chế... cho đến việc nhắn tin điện thoại hay viết chữ cũng được Matt nỗ lực hoàn thành. Thậm chí, chữ viết của anh còn đẹp hơn nhiều người bình thường khác.

Nhờ cách giáo dục của nhà Stutzman, cậu bé tóc vàng khi xưa nay đã trở thành người đàn ông tự lập với một gia đình nhỏ cùng ba đứa con. Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến mọi thứ đi vào bế tắc. “Tôi không thể tìm được việc làm. Không ai cho tôi cơ hội dù bản thân có khả năng và sẵn sàng thử bất cứ điều gì. Trong lúc tuyệt vọng, tôi thậm chí đã cố gắng trở thành nhân viên đánh máy. Tôi vô cùng chán nản”, Matt nhớ lại thời điểm cách đây ngót nghét chục năm, trước khi anh chạm tới cây cung để có được sự đột phá như bây giờ.

Nguồn cảm hứng sống

Trong các giải bắn cung mà Matt Stutzman tham dự, không khó để nhận ra người duy nhất ngồi ghế trong lúc tất cả cùng đứng khi thi đấu. Anh tin rằng việc bản thân là tâm điểm của sự chú ý đã trở thành lợi thế đặc biệt của mình. “Cả đời tôi vốn quen việc bị soi mói trong khi hầu hết các đối thủ chưa từng có kinh nghiệm. Họ chắc chắn sẽ lo lắng khi chứng kiến những mũi tên của tôi”.

Ðúng vậy, ai cũng phải thốt lên kinh ngạc khi chứng kiến Matt căng từng dây cung. Thái độ làm việc chăm chỉ kia đã được đền đáp xứng đáng. Dẫu vậy, như Matt chia sẻ, anh đã nhận ra những giá trị lớn hơn. “Tôi bắt đầu bắn cung để trang trải cho gia đình. Tuy nhiên, công việc này đã mang ý nghĩa lớn lao hơn khi nhiều người khuyết tật chia sẻ rằng họ đã quan sát, cố gắng và đã có thể làm được nhiều việc giống tôi. Thật tuyệt vời khi thấy họ phá bỏ được những mặc cảm của bản thân và cũng thật hạnh phúc khi biết được mình đã giúp họ có thêm động lực để hoàn thành những mục tiêu trong cuộc sống”, Matt bày tỏ.

Hiện tại, định nghĩa về chiến thắng của anh cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh những nỗ lực đơn thuần nhằm giành điểm số tối ưu, người có thể thay đổi định kiến của khán giả, khiến họ có niềm tin và nỗ lực gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn… mới là nhà vô địch. Matt khẳng định: “Nếu tôi có thể dùng chân để đánh bại đối thủ với hai cánh tay nguyên vẹn, vậy mọi người có lý do gì để phải lo sợ? Giới hạn rút cục chỉ là đích ngắm mà chúng ta đặt ra trước bản thân mình”.