Người mở đường bất tử

“Có người từng hỏi tôi, nước Mỹ nên có bao nhiêu Thẩm phán Tối cao là nữ, một hay hai người? Con số tôi đưa ra là chín, bởi Tòa án Tối cao luôn có chín Thẩm phán”. Ruth Bader Ginsburg (RBG) từng nói thế, và đã dành cả cuộc đời  cống hiến cho mục tiêu đó, cho đến ngày bà ra đi, 18-9-2020.

Người mở đường bất tử

Giá như sống mãi

Vanessa Cantley đang ở trường cùng con trai vào thời điểm cô biết tin nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời ở tuổi 87. Đó là lần đầu tiên trong đời, Cantley khóc vì một người xa lạ. Với cá nhân Cantley, bà Ginsburg xứng đáng sống lâu hơn tuổi 87 để tiếp tục cống hiến cho những hoài bão vẫn còn dang dở.

Bất cứ ai đấu tranh cho bình đẳng giới đều coi Ginsburg là một hình mẫu tiêu biểu. Từng là một trong chín nữ sinh hiếm hoi theo học tại trường luật có đến 500 sinh viên, Ginsburg chứng minh phụ nữ không hề thua kém nam giới bằng việc vượt qua 499 bạn học để tốt nghiệp với tư cách thủ khoa. Đến ngày làm “thầy cãi”, bà liên tục tiếp nhận và thắng những vụ kiện tưởng chừng không thể thành công.

Không chọn theo ngành này vì công việc ổn định hay thu nhập tốt, Ginsburg theo đuổi một sứ mệnh cao cả hơn. Ngay từ những ngày còn là cô nữ sinh trên ghế nhà trường, Ginsburg tỏ ra đặc biệt quan tâm đến những vụ kiện bình đẳng giới. Bà muốn thông qua pháp luật để dần xóa bỏ những quan niệm cố hữu lỗi thời về phân biệt giới tính trong xã hội.

Suốt 27 năm giữ cương vị Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, Ginsburg nhiều lần góp tiếng nói quyết định trong việc thông qua các dự thảo luật về nữ quyền. Nhờ có bà, Viện Quân sự Virginia đã bắt đầu tuyển học viên nữ thay vì chỉ nhận nam giới như trước kia. Với cựu Tổng thống Barack Obama, bà còn là “cứu tinh” bởi quyết định thông qua đạo luật về chăm sóc sức khỏe toàn dân, di sản lớn nhất ông để lại trong tám năm cầm quyền.

Phá vỡ những lằn ranh

Ít ai biết, đến tận thập niên 80 của thế kỷ trước, luật pháp Mỹ vẫn còn vô số điều luật ở cấp độ bang và liên bang cho thấy sự phân biệt đối xử rõ ràng với phụ nữ. Phái yếu bị giới hạn bởi cả trăm quy định ngăn họ tìm kiếm việc làm và hưởng những quyền lẽ ra họ được nhận. Toàn bộ những điều luật thiển cận đó được Ginsburg thay đổi trong một thập niên bằng những vụ kiện liên tiếp. 

Cuộc bỏ phiếu ở Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1996 yêu cầu Viện Quân sự Virginia phải tiếp nhận học viên nữ là một trong những thí dụ cụ thể nhất. Bà viện dẫn những nghiên cứu về nguyện vọng của phụ nữ muốn theo đuổi binh nghiệp rồi chỉ ra Viện Quân sự không thể ngăn cấm những học viên phái yếu đáp ứng đủ những yêu cầu khắt khe mà nhà trường đưa ra. Không thể đánh trượt những người đủ khả năng, chỉ vì họ là… phụ nữ.

Từ ngày còn là một luật sư, cho đến khi trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao, bà Ginsburg luôn giữ vững tư tưởng: Phụ nữ có thể làm mọi việc mà nam giới làm được, vì thế hãy tạo điều kiện cho họ được cạnh tranh bình đẳng. Thật khó tin khi biết người mang tư tưởng kiên định đó lại là một người phụ nữ hay thẹn thùng và có giọng nói nhỏ nhẹ ngoài đời thực.

“Bình thường Thẩm phán Ginsburg khá ít nói, nhưng trong công việc, bà lập tức trở thành người hoàn toàn khác”, một đồng nghiệp nhận định. Trước những dự luật đầy tranh cãi được soạn ra, bà chưa bao giờ bị dao động trước các luồng phản ứng trái chiều. Dường như tinh thần thép đó được Ginsburg hun đúc từ ngày còn là cô nữ sinh vừa trải qua nỗi đau mất người thân, lại cùng lúc không thể tìm được công việc phù hợp với năng lực chỉ bởi giới tính.

Tốt nghiệp Đại học Cornell danh tiếng, bằng một suất học bổng toàn phần, Ginsburg bắt đầu đi làm với vị trí là một nhân viên đánh máy chữ. Công việc chẳng liên quan gì đến chuyên ngành luật, nhưng ở thời điểm đó không một ai muốn nhận một nữ luật sư nên Ginsburg đành phải làm để kiếm kế sinh nhai. Đến ngày mang thai đứa con đầu lòng thì bà cũng mất luôn công việc đó.

Chịu đựng những định kiến như vậy suốt nhiều năm, Ginsburg không muốn bà cũng như bất kỳ phụ nữ nào phải chịu cảnh tương tự nữa. Bà trở lại ghế nhà trường, đánh bại mọi học viên cùng khóa khi vừa làm vợ, vừa làm mẹ. Liên tục vượt qua giới hạn là cách Ginsburg sử dụng để thay đổi tư duy cố hữu của cánh mày râu. Vì thế họ dần đứng về phía bà trong mỗi dự luật mới, bởi họ tin vào tầm nhìn sáng suốt của bà.

Nhìn về tương lai

Người mở đường bất tử -0
 

Cái tên Ruth Bader Ginsburg từng có thời điểm được nhắc đến nhiều không khác gì những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng thế giới. Là vị Thẩm phán hiếm hoi cởi mở với truyền thông, Ginsburg thu hút tất cả mọi người bằng những câu trả lời thông minh ít ai ngờ tới.

27 năm làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ trong bốn đời Tổng thống Mỹ, khó tìm được ai sánh ngang với bà cả về tài năng lẫn nhân cách. Thế nên ngày biết tin “thủ lĩnh” của mình đã qua đời, nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ da mầu chết lặng: Liệu còn ai trân trọng, đấu tranh cho chúng ta nữa không?

Song, những người lạc quan lại có suy nghĩ khác. Từng sống và chứng kiến sự thay đổi của nhận thức xã hội về phụ nữ, họ thầm cảm ơn Ginsburg đã cho họ một cơ hội chứng tỏ khả năng. Một nghiên cứu đã chỉ ra: Kể từ ngày bà làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, tỷ lệ sinh viên nữ theo học ngành luật tăng đều theo từng năm. Luật, quân sự, và nhiều lĩnh vực khác nữa, đã không còn là lãnh địa của riêng nam giới. Một con đường đã mở rộng, nhờ “RBG”.