Lằn ranh vô hình

Ở tuổi 22, Marcus Hutchins trở thành người hùng giải cứu internet thế giới khỏi mã độc tống tiền nguy hiểm bậc nhất. Nhưng chàng trai ấy lại sớm trở thành tội phạm mạng trong một vụ án mà vị thẩm phán phải thốt lên “có một không hai”.

Lằn ranh vô hình

10 USD cứu thế giới

Khoảng giữa năm 2017, cả thế giới chấn động vì cuộc tiến công của loại virus máy tính có tên là WannaCry, chuyên khai thác lỗ hổng trên hệ điều hành. WannaCry sẽ mã hóa toàn bộ dữ liệu quan trọng trên máy tính rồi yêu cầu người dùng thanh toán 300 USD để chuộc lại, với tốc độ lây lan nhanh bậc nhất lịch sử. Hơn 200 nghìn máy tính của các cá nhân hoặc các tập đoàn thuộc 99 quốc gia đã bị vô hiệu hóa, với thiệt hại ước tính lên đến tám tỷ USD.

Nguy hại hơn, virus này làm tê liệt hệ thống máy tính y tế ở Anh quốc, khiến việc khám, chữa bệnh đình trệ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của nhiều bệnh nhân nguy kịch.

Tin tức về loại virus máy tính có tính “sát thương” cao nhanh chóng đến tai Marcus Hutchins (người Anh) - một chuyên gia an ninh mạng 22 tuổi. Hutchins tận dụng mối quan hệ trên diễn đàn tin tặc để xin một mẫu virus WannaCry về nghiên cứu và phát hiện ra rằng virus này sẽ cố gắng truy cập một trang web có tên miền dài loằng ngoằng trước khi khóa dữ liệu nạn nhân.

Sau khi kiểm tra thấy tên miền không tồn tại, Hutchins đăng ký chính tên miền này với giá 10 USD, hy vọng kiểm soát con virus. Nhưng cậu cũng không ngờ rằng, cậu đã tìm thấy “gót chân A-sin” của virus, khiến nó bị vô hiệu hóa và cứu sống hàng trăm nghìn máy tính có nguy cơ. Trong tuần sau đó, cậu và các đồng nghiệp ở Kryptos Logic làm việc 20 giờ/ngày để ngăn chặn cha đẻ của con virus phá hoại tên miền mà cậu đã mua, đẩy lùi hoàn toàn đợt tiến công internet nguy hiểm này.

Là người hùng nhưng Marcus Hutchins giấu thân phận, chỉ nhận là chủ một trang blog về tin học, một phần vì sợ bị tác giả virus trả thù, mặt khác cũng bởi cậu ngại ngùng với truyền thông. Nhưng danh tính của Hutchins sớm được người bạn thân tiết lộ, để có mặt trên trang nhất của những tờ báo hàng đầu nước Anh.

Hàng xóm, họ hàng của Hutchins tròn mắt khi biết cậu là “người hùng” của internet thế giới. Nhưng với cha mẹ cậu, thành công ấy là tất yếu.

Tài không đợi tuổi

Marcus Hutchins vốn là một cậu bé sống khép kín, với niềm đam mê duy nhất là chiếc máy tính cũ chạy hệ điều hành Windows 95 ở nhà. Mặc bố mẹ la mắng, Hutchins ưa thích cài đặt những phần mềm lạ và nhìn chúng… phá hủy hệ điều hành.

Trong một lần mày mò trên internet, Hutchins tình cờ lạc vào trang web dạy lập trình và yêu những dòng mã ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dù nhận thức còn non nớt nhưng Hutchins đã sớm nhận ra lập trình là thế giới màu nhiệm mà cậu có thể tự do làm mọi thứ.

Sau hàng giờ tự học lập trình ở nhà, Hutchins đem kiến thức mới mẻ áp dụng vào trò nghịch ngợm ở trường. Cậu dùng phần mềm soạn thảo văn bản để viết một đoạn mã phá hệ thống bảo vệ trên máy tính của lớp học, rồi cài đặt những trò chơi điện tử mà mình ưa thích. Đoạn mã này thậm chí còn vô hiệu hóa chế độ theo dõi màn hình học sinh để giúp cậu thoải mái chơi game, lướt web mà không chịu sự giám sát nào.

Mọi nỗ lực hạn chế thời gian Hutchins sử dụng máy tính của bố mẹ cậu đều trở nên vô nghĩa, khi tất cả mật khẩu máy tính dễ dàng bị cậu bé mới 10 tuổi bẻ khóa.

Bước vào tuổi dậy thì, Marcus Hutchins tham gia một diễn đàn hacker với mục đích chứng tỏ bản thân. Công cụ lấy cắp mật khẩu mà Hutchins giới thiệu khiến tất cả thành viên kinh ngạc vì không ai nghĩ “nhóc con” 13 tuổi lại có kỹ năng tốt đến thế, và cậu được giới tin tặc xem là thần đồng. Cậu bắt đầu nhận hàng nghìn USD từ các thành viên giấu mặt sau những dự án hợp tác viết phần mềm mà không biết rằng: mình đang bước một chân vào thế giới tội phạm.

Trả giá

Tháng 8-2017, Hutchins nôn nao chờ máy bay về nhà sau một tuần được mời dự diễn đàn về an ninh mạng ở Mỹ nhờ chiến tích tiêu diệt WannaCry. Nhưng khi thấy bóng những người đàn ông đeo kính đen thấp thoáng ở nhà chờ, Hutchins biết rằng nỗi lo lắng hàng năm trời nay đã thành hiện thực. Cậu bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ với 10 cáo buộc tội phạm mạng, thời gian ngồi tù có thể lên đến hàng chục năm.

Lằn ranh vô hình ảnh 1

Quay về thời điểm tám năm trước, Hutchins - 16 tuổi, đã nhận lời cộng tác với một người đàn ông bí ẩn tên Vinny nhằm xây dựng một hệ thống kiểm soát máy tính người dùng - một dạng tội phạm mạng nhưng Hutchins nghĩ đơn giản rằng việc này “không gây hại cho ai”. Trong một lần bất cẩn, cậu đã để lộ thông tin cá nhân cho Vinny và bị tên này hăm dọa, ép buộc cậu tham gia viết một phần của hệ thống đánh cắp tiền trong các ngân hàng trên thế giới.

Hutchins sống bất an nhiều năm sau vì luôn lo sợ hành vi của mình bị phát giác. Thời gian đó, chàng thanh niên này chuộc lỗi bằng cách chia sẻ kinh nghiệm chống virus, chống tin tặc trên blog cộng đồng và trở thành người hùng internet. Nhưng lưới trời lồng lộng, Hutchins phải chịu trách nhiệm về hệ thống chiếm đoạt tài khoản ngân hàng mà mình xây dựng, trong một phiên tòa khiến thẩm phán Stadtmueller trăn trở nhiều đêm.

Stadtmueller nhận định: Marcus Hutchins là một thiên tài hiếm có và đóng góp của cậu nhiều hơn hậu quả mà lỗi lầm cậu ấy gây ra. Vị thẩm phán tin rằng, câu chuyện của Hutchins là “bài học mà mọi tài năng trẻ phải nhớ lấy”. Trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia an ninh mạng và người hâm mộ cậu cũng kêu gọi một bản án khoan hồng với người từng là anh hùng.

Và với mong mỏi rằng Hutchins sẽ tiếp tục đóng góp cho xã hội, tòa tuyên án thời gian ngồi tù chính là thời gian tạm giam và cậu sẽ được về gia đình, chịu quản chế một năm.

Sau này, khi được một phóng viên hỏi rằng, phải chăng quá khứ từng làm tin tặc xấu xa đã giúp cậu có kiến thức để tiêu diệt virus WannaCry, Hutchins nhanh chóng gạt phắt đi. Anh nhắn nhủ giới trẻ: Hành động tội lỗi không thể bao biện bằng mục đích tốt đẹp, và tin tưởng: “Chỉ hạt giống lương thiện mới nảy mầm xanh cho đời”.