Bên ngoài Trái đất, dưới đáy đại dương

NDO -

Đó là người phụ nữ đầu tiên trên hành tinh này từng bay vào vũ trụ và lặn xuống nơi sâu nhất đại dương. Đằng sau thành tựu ngoạn mục ấy của Kathy Sullivan là cả một hành trình đầy nỗ lực, trong lòng một nước Mỹ đầy định kiến hồi giữa thế kỷ trước.

Bên ngoài Trái đất, dưới đáy đại dương

Ước ao thuở bé
 
 Thời ấu thơ, Kathy Sullivan là một cô bé nghịch ngợm, đam mê khám phá mọi thứ nơi mình sinh sống. Cha cô, một kỹ sư hàng không, luôn khuyến khích con gái đặt câu hỏi về thế giới chung quanh và cung cấp cho cô những kiến thức nền tảng nhất về khoa học. Và những cuộc tranh luận chủ đề học thuật với người mẹ là nơi Sullivan sớm rèn luyện khả năng phản biện và suy nghĩ độc lập từ khi còn bé.
 
 Mỗi lúc rảnh rỗi, Sullivan thường ngấu nghiến những tờ báo, tạp chí hay chương trình TV chủ đề khám phá thế giới. Đó cũng là thời điểm mà Jacques Cousteau tiên phong khám phá đáy đại dương và nhóm bảy phi hành gia Mercury Seven trở thành những người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Hai sự kiện ấy đã gieo vào cô bé Sullivan niềm khát khao: Đến và khám phá nơi chưa có dấu chân người.
 
 “Những con người lịch sử ấy đều là đàn ông”, Sullivan hồi tưởng. Bên cạnh khát khao khám phá, cô bé cũng âm ỉ nuôi giấc mơ đưa nữ giới lên vị trí ngang hàng nam giới trong hành trình tìm hiểu Trái đất.
 
 Cô theo học ngoại ngữ trước tiên, “vì ngôn ngữ là công cụ tốt để khám phá thế giới”. Nhưng rồi cô bỏ ngang để theo học Khoa học Trái đất - lĩnh vực mà nam giới thống trị vào những năm 70 của thế kỷ trước. Sự xuất hiện của một nữ nhi ở ngành học toàn đàn ông ban đầu đã khiến nhiều nam sinh cười cợt. Nhưng rồi bằng tài năng và thái độ cống hiến, Sullivan đã buộc các giáo sư và bạn học nhìn nhận cô đơn giản là một sinh viên đầy hoài bão, cũng như một nhà khoa học có năng lực trong tương lai.
 
 Bóng hồng ngoài không gian
 
 Năm lên sáu, Kathy Sullivan từng cùng cha ngồi hàng giờ trước sân để chờ phút giây vệ tinh Sputnik của Liên Xô (trước đây) đi vào quỹ đạo. Hơn 20 năm sau, khi đang là Tiến sĩ địa chất, Kathy nộp đơn xin vào Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), bởi “Tôi muốn bay vào không gian để nhìn ngắm Trái đất bằng chính đôi mắt mình, không qua lời kể của bất kỳ ai”.
 
 Sullivan nằm trong số sáu người được chọn trở thành phi hành gia và bước vào quá trình huấn luyện khắc nghiệt. Cô yêu cầu NASA điều chỉnh trang phục phi hành gia và các quy định để phù hợp với nữ giới. Trước đó, cơ quan này đinh ninh “nữ phi hành gia thì cũng như nam phi hành gia cỡ nhỏ mà thôi”.
 
 Ngày 11-10-1984, Kathy Sullivan trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bước đi trong không gian để thực hiện nhiệm vụ bên ngoài tàu vũ trụ. Chiếc găng tay Kathy dùng khi ấy hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Vũ trụ Mỹ, như biểu tượng lịch sử của ngành hàng không - vũ trụ và của nữ giới.
 
 Năm 1990, Kathy tiếp tục được lựa chọn tham gia nhiệm vụ triển khai kính viễn vọng Huble ra ngoài không gian, giúp nhân loại hiểu biết sâu hơn về vũ trụ - thành tựu khoa học đột phá bậc nhất thế kỷ 20. Kathy là chỉ huy trên tàu con thoi Atlantis trở lại không gian hai năm sau đó để đặt phòng thí nghiệm khoa học ứng dụng bên ngoài Trái đất. Tổng cộng, Kathy Sullivan đã có hơn 500 giờ trong không gian cho đến khi nghỉ hưu sớm.
 
 “Thật ra thời gian đi lại ngoài không gian ngắn thôi, nhưng tôi mừng vì góp phần giúp nữ giới tin rằng họ có thể bay vào vũ trụ giống như tôi”, Sullivan hào hứng. Kể từ chuyến du hành lịch sử ấy, nhiều nữ phi hành gia xuất hiện và thậm chí nắm giữ vai trò quan trọng ở NASA. Vào năm ngoái, phi hành đoàn toàn nữ lần đầu có chuyến thám hiểm không gian - cột mốc mà Sullivan là người đặt nền móng.
 
 Sau khi rời khỏi NASA năm 1993, Kathy Sullivan trở thành nhà khoa học hàng đầu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), sử dụng các kiến thức về Trái đất để dự báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
 
 Không giới hạn
 
 Ở tuổi 68, Kathy Sullivan nhận lời mời thám hiểm đáy đại dương của nhà khoa học/doanh nhân Vescovo. Cả hai thám hiểm “Challenger Deep” - điểm sâu nhất ở Đại Tây Dương (sâu 11 km), nơi không có ánh sáng và ẩn chứa những hiểm nguy từ các loài sinh vật mà con người chưa từng biết đến.

Bên ngoài Trái đất, dưới đáy đại dương -0

 Hành trình kéo dài bốn giờ diễn ra hồi tháng 6, đưa Kathy Sullivan trở thành người phụ nữ đầu tiên thám hiểm ở độ sâu này, cũng là người đầu tiên đặt chân vào cả vũ trụ lẫn đáy đại dương.
 
 “Tôi ngồi ăn ở độ sâu 11 km dưới mặt nước biển, không thể tin được. Cảm giác như ở trong một khối cầu ma thuật, ngắm nhìn những sinh vật kỳ lạ”, bà mô tả. Ngay khi trở về tàu mẹ, Kathy Sullivan liền nối máy đến Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), chia sẻ trải nghiệm có một không hai với một nhóm phi hành gia đang làm nhiệm vụ.
 
 Kathy Sullivan tâm sự, quan niệm nhà khoa học “tháp ngà” nhốt mình trong phòng thí nghiệm đã thật sự lỗi thời. Khoa học hiện đại cần những nhân tố sáng tạo và dám thách thức các “biên giới kiến thức”. Bà cũng nhắn nhủ: Khám phá thế giới không nhất thiết phải “lên trời xuống biển”, mà đôi khi những chủ đề giản dị quanh ta vẫn là câu hỏi cần lời giải.
 
 Khi BBC hỏi “Chừng nào bà sẽ dừng đam mê khám phá của mình?”, Kathy Sullivan lập tức trả lời: “Cho đến ngày họ đặt tôi vào chiếc hộp gỗ nhỏ mang tên quan tài”…