Thiên tài Stephen Hawking - một câu chuyện cổ tích

NDO -

NDĐT - Nhà khoa học lỗi lạc người Anh Stephen Hawking đã yên nghỉ ở tuổi 76 nhưng những đóng góp vĩ đại đối với khoa học của ông chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian.

Nhà khoa học lỗi lạc người Anh Stephen Hawking. (Ảnh: Reuters)
Nhà khoa học lỗi lạc người Anh Stephen Hawking. (Ảnh: Reuters)

Stephen William Hawking sinh ngày 8-1-1942, đúng 300 năm sau khi cha đẻ của khoa học hiện đại Galileo Galilei qua đời. Từ năm 21 tuổi, cơ thể ông bắt đầu bị ảnh hưởng bởi căn bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), làm cho hệ thần kinh thoái hóa trầm trọng dẫn đến cơ yếu và teo lại. Những dấu hiệu về bệnh tật xuất hiện vào năm đầu tiên sau khi ông tốt nghiệp đại học. Theo các bác sĩ, căn bệnh này thường gây tử vong trong vòng ba đến năm năm.

Stephen Hawking gây kinh ngạc cho nền y học khi ông sống bình thường với ASL trong hơn 50 năm. Không may, một đợt viêm phổi nặng vào năm 1985 khiến ông cần đến sự hỗ trợ của ống thở và phải giao tiếp thông qua thiết bị tổng hợp âm thanh điện tử với giọng nói đều đều đặc trưng của người máy. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, xuất hiện trên truyền hình và kết hôn hai lần. Dù phải mất vài phút để sắp xếp các câu trả lời thậm chí là đơn giản, ông luôn lạc quan rằng bệnh tật không làm ảnh hưởng tới công việc của mình.

Cống hiến cả cuộc đời cho nghiên cứu khoa học, Stephen Hawking là người tìm ra câu trả lời cho nhiều vấn đề hóc búa nhất của vật lý hiện đại. Ông làm sáng tỏ những bí mật của không gian, thời gian và hố đen trong cuốn “Lược sử thời gian”. Cuốn sách này đã trở thành hiện tượng xuất bản trên thế giới, đưa Stephen Hawking trở thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất kể từ thời của nhà khoa học Albert Einstein.

Công trình đầu tiên giúp ông nổi danh là lý thuyết nghiên cứu về các hố đen. Bác bỏ quan điểm trái ngược, ông chỉ ra rằng các hố đen để lọt ra một khe sáng rất nhỏ cũng như các loại bức xạ khác, hiện được biết đến là “bức xạ Hawking”.

Là một trong những người kế thừa sự nghiệp của nhà khoa học Isaac Newton với chức danh Giáo sư toán học Lucas, tại Đại học Cambridge (Anh), Stephen Hawking tham gia công trình nghiên cứu “thuyết thống nhất”. Học thuyết này có thể giải quyết những mâu thuẫn giữa thuyết tương đối tổng quát của Einstein mô tả các quy luật hấp dẫn kiểm soát chuyển động của các vật thể lớn như các hành tinh, và thuyết cơ học lượng tử.

“Một học thuyết thống nhất hoàn thiện và chắc chắn chỉ là bước đầu tiên: mục đích của chúng ta là hiểu biết toàn bộ về các sự việc diễn ra chung quanh và sự tồn tại của con người”, ông viết trong “Lược sử thời gian”.

Sau “Lược sử thời gian”, ông xuất bản cuốn “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” vào năm 2001, cập nhật những quan niệm về lực hấp dẫn, điểm “kỳ dị trần trụi” của không - thời gian và khả năng về một vũ trụ lớn gấp 11 lần.

Một đóng góp quan trọng khác của Stephen Hawking là về vũ trụ học, nghiên cứu nguồn gốc và quá trình tiến hóa của vũ trụ. Hợp tác với nhà khoa học Jim Hartle của Đại học California (Mỹ), năm 1983 Stephen Hawking đã đưa ra giả định không gian và thời gian có thể không có sự bắt đầu và kết thúc.

Với cuốn sách bán chạy và nỗ lực nghiên cứu khoa học khi cơ thể mắc phải trọng bệnh, Stephen Hawking đã trở thành một trong những gương mặt nổi tiếng nhất trong giới khoa học.

Tuổi trẻ của ông được tái hiện trong bộ phim “Thuyết vạn vật”, diễn viên đảm nhận vai diễn Hawking Eddie Redmayne đã giành giải diễn viên xuất sắc nhất của Academy Award. Một số đồng nghiệp tin tưởng nhà khoa học lỗi lạc sẽ giúp tạo ra niềm hứng khởi mới cho khoa học.

Những thành tựu khoa học và tuổi thọ của Stephen Hawking góp phần chứng minh rằng ngay cả những căn bệnh quái ác nhất cũng không thể ngăn cản con người tiếp tục sống cuộc đời của mình. Ông không những sở hữu một trí tuệ hoàn hảo bị mắc kẹt trong một cơ thể khiếm khuyết mà còn truyền cảm hứng bất tận cho những người bị rối loạn thần kinh vận động trong rất nhiều năm.

* Nhà vật lý học Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76