Nhà khoa học trẻ khoác áo lính

Là một tiến sĩ trẻ thuộc “thế hệ 8x”, Thiếu tá Phạm Xuân Hoàn từng tham gia xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ thành công hàng loạt đề tài khoa học cấp Nhà nước, trong đó có dự án “Nghiên cứu giải pháp tôn tạo và chống xói lở đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa”.

Nhà khoa học trẻ khoác áo lính

Liên tiếp trong ba năm từ 2014 đến 2016, anh đều vinh dự nhận danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 3-2017 vừa qua, Phạm Xuân Hoàn tiếp tục được vinh danh là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

Năm 2001, thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự, chàng trai sinh năm 1983 Phạm Xuân Hoàn (trong ảnh) được nhà trường cử theo học Công nghệ thông tin tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Nhờ những thành tích xuất sắc trong ba năm học tập, năm 2003, Hoàn được lựa chọn đi tu nghiệp chuyên ngành Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên bằng phương pháp hàng không vũ trụ tại TP Mát-xcơ-va (LB Nga).

Chín năm học tập ở xứ sở bạch dương đã trở thành nền tảng vững chắc để Phạm Xuân Hoàn toàn tâm toàn ý với con đường nghiên cứu khoa học quân sự. Năm 2012, anh nhận nhiệm vụ tại Phòng Kỹ thuật bản đồ viễn thám, thuộc Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam). Trong thời gian công tác tại đây, dù là một cán bộ trẻ, anh vẫn chứng tỏ tài năng của mình khi tham gia xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng công nghệ cao.

Tiêu biểu trong số đó có đề tài khoa học cấp Nhà nước “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 để xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và thông tin địa lý quân sự nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và bảo đảm địa hình ngoài lãnh thổ”; đề tài cấp Nhà nước của Cục Bản đồ “Nghiên cứu kết hợp ảnh viễn thám quang học và ra-đa thành lập bản đồ chuyên đề quân sự hỗ trợ đánh giá địa hình lãnh thổ Việt Nam và vùng phụ cận phục vụ mục đích quốc phòng”...

Trong số những thành công trên con đường nghiên cứu khoa học, Thiếu tá Phạm Xuân Hoàn cho biết, anh tâm đắc nhất với dự án “Nghiên cứu giải pháp tôn tạo vàa chống xói lở đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa”. Đồng chí kể rằng, nhiều lần đoàn công tác phải chờ đợi hàng tuần mới có thể lên các đảo. Để có thể khảo sát địa hình chung quanh đảo, anh và đồng nghiệp phải lội ra sát mép nước sâu để đặt thiết bị. Có những ngày, nhóm cán bộ triển khai thiết bị rồi lại phải thu vào cả chục lần mà vẫn chưa làm được vì biển động mạnh... “Những khó khăn ấy khiến tôi thấu hiểu sự kiên cường, dũng cảm của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Đồng thời, càng khiến tôi thêm gắng sức hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, góp phần nhỏ vào công cuộc gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, nhà khoa học khoác áo lính chia sẻ.

Không chỉ đi đầu trong nghiên cứu khoa học, Thiếu tá Phạm Xuân Hoàn còn tham gia viết sách chuyên ngành về địa hình quân sự, đóng góp xây dựng đổi mới bộ giáo trình giảng dạy đối tượng trung cấp địa hình quân sự; tham gia hướng dẫn chuyển giao công nghệ, bảo đảm tư liệu địa hình cho các trang thiết bị vũ khí mới... Với vốn tiếng Anh và tiếng Nga thành thạo, đồng chí thường xuyên được tín nhiệm, giao nhiệm vụ phụ trách các đoàn công tác của Quân đội nhân dân Việt Nam tại nước ngoài. Điển hình như năm 2014, anh là Trưởng đoàn Chuyển giao công nghệ địa hình tiên tiến, làm việc trực tiếp với Cục Công binh, thuộc Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cu-ba. Năm 2015, anh có bài tham luận tại Hội nghị Địa không gian khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tại Xin-ga-po...

Tự hào là một nhà khoa học khoác áo lính, Phạm Xuân Hoàn chia sẻ: “Tôi mong rằng, những nghiên cứu của tôi và các đồng nghiệp có thể trở thành những sản phẩm giúp ích trực tiếp cho người dân. Được đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước chính là niềm vui lớn nhất của một quân nhân!”.