Yêu cầu bức thiết về kiểm toán môi trường

NDO -

Theo Phòng Thương mại quốc tế (ICC), kiểm toán môi trường (KTMT) là công cụ quản lý nhằm đưa ra những đánh giá mang tính hệ thống, được ghi chép, mang tính chất thời kỳ và khách quan về việc trang bị, quản lý và tổ chức các vấn đề môi trường có được thực hiện tốt hay không. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

KTMT nhằm mục đích bảo vệ môi trường bằng cách làm đơn giản quá trình thực hiện và đánh giá mức độ tuân thủ các chính sách về môi trường của doanh nghiệp (DN), bao gồm các yêu cầu tuân thủ và các chuẩn mực phải thực hiện.

Theo Tổ chức Kiểm định các Tổ chức Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI), KTMT không khác biệt đáng kể so với kiểm toán thông thường được thực hiện bởi các tổ chức kiểm toán tối cao (SAI). KTMT có thể bao gồm tất cả các loại kiểm toán: kiểm toán tài chính, tuân thủ và hoạt động. Đối với kiểm toán hoạt động, nguyên tắc 3E vẫn được bảo đảm thực hiện.

Mục tiêu cụ thể của KTMT được xác định theo từng loại hình kiểm toán: Đối với kiểm toán tuân thủ, KTMT kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, các quy định về bảo vệ môi trường; đối với kiểm toán báo cáo tài chính, KTMT kiểm tra và xác nhận các báo cáo tài chính, các khoản kinh phí cho hoạt động môi trường; đối với kiểm toán hoạt động, KTMT đánh giá tính chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và kinh tế của các chính sách, chương trình, dự án phục vụ cho việc bảo vệ môi trường.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 của Việt Nam, KTMT là công cụ quản lý sắc bén, hiệu quả, giúp các DN nhận thức rõ những vấn đề môi trường đang xảy ra là rất nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp ngăn ngừa và cải thiện môi trường một cách hiệu quả.

Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, KTMT là một nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

 Thực hiện tuyên bố Hà Nội tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và đặc biệt với cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam có trách nhiệm đi đầu trong việc định hướng phát triển KTMT lên tầm cao mới.

Ở Việt Nam, trước năm 2015, hoạt động KTMT chủ yếu được KTNN lồng ghép trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, chương trình mục tiêu hoặc dự án đầu tư.

Từ năm 2008, KTNN đã quyết định thành lập Nhóm công tác về KTMT, đưa nội dung về KTMT vào kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Từ năm 2015 trở lại đây, KTNN đã từng bước thực hiện các cuộc KTMT dưới hình thức kiểm toán hoạt động, như về kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải các khu công nghiệp (KCN), quản lý môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tỉnh Bình Thuận; quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội; về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và Quỹ Bảo vệ môi trường; về việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải; về các biện pháp giảm sử dụng túi ni lông và quản lý nhập khẩu phế liệu…

Kể từ năm 2017, khi Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc”, KTNN đã tiến hành các cuộc kiểm toán hoạt động và KTMT có chủ đề liên quan đến một hoặc nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.

Qua đó, KTNN đã đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, chỉ rõ lỗ hổng trong hệ thống pháp luật để kiến nghị kịp thời với các cơ quan liên quan sửa đổi, ban hành mới hàng chục văn bản pháp luật liên quan Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước.

Năm 2021, KTNN sẽ thực hiện cuộc kiểm toán “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững” với sáu cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) các nước. Đây là chủ đề kiểm toán đang được dư luận quan tâm.

Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách sống còn không chỉ riêng của một quốc gia, mà là của toàn nhân loại. Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường, như ô nhiễm không khí,  đất và nguồn nước; áp lực biến đổi khí hậu và suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học…

Đại dịch Covid-19 đang đặt ra những yêu cầu mới về nhận thức và tổ chức KTMT. KTNN với mục tiêu trở thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia cần phải tham gia vào KTMT…

Theo tinh thần đó, cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ KTMT cho KTNN vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020, theo đó Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần bổ sung một điều về KTMT do KTNN thực hiện tại Chương XIV về “Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo môi trường”. Điều này là hết sức bức thiết cả về pháp lý và thực tiễn, bởi lẽ:

Thứ nhất, về pháp lý: Môi trường là tài sản công (theo Luật Kiểm toán nhà nước, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn ở vùng biển, vùng tài nguyên thiên nhiên khác...) và nguồn lực tài chính chi cho bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ tiếp tục chủ yếu là tài chính công; đây chính là đối tượng kiểm toán của KTNN. Nói cách khác, việc bổ sung nhiệm vụ kiểm toán môi trường (KTMT) vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là phù hợp theo Hiến pháp và Luật KTNN hiện hành. 

Theo đó, KTNN là cơ quan hiến định độc lập, có trách nhiệm KTMT để phục vụ Quốc hội giám sát công tác quản lý và BVMT của các cơ quan quản lý chức năng, giúp Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Hơn nữa, việc bổ sung nhiệm vụ KTNN thực hiện kiểm toán công tác quản lý và BVMT đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác liên quan trong công tác BVMT phải gồm ba nội dung:

Kiểm toán tài chính, là kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán trong công tác quản lý và BVMT và các chương trình, hoạt động có liên quan công tác quản lý và BVMT.

Kiểm toán tuân thủ: là kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.

Kiểm toán hoạt động: Kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý và BVMT và các chương trình, hoạt động liên quan công tác quản lý và BVMT. Căn cứ vào yêu cầu của từng cuộc kiểm toán, Tổng KTNN quyết định nội dung kiểm toán của từng cuộc kiểm toán theo Luật KTNN.

Ngoài ra, việc ban hành khung pháp lý thực hiện KTMT trên cơ sở các hướng dẫn, cẩm nang có sẵn của INTOSAI/ASOSAI là cần thiết.

Thứ hai, về thực tiễn: trên thế giới, cơ chế vận hành kiểm toán môi trường thường được thực hiện theo hai hình thức: KTMT do cơ quan nhà nước có chức năng về môi trường thực hiện và KTMT do cơ quan KTNN thực hiện.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, KTMT do Cơ quan Kiểm toán tối cao thực hiện. Đặc biệt, KTMT là một hoạt động kiểm toán không thể thiếu của các cơ quan KTNN trên thế giới.

Theo khảo sát của Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI), hầu hết các cơ quan KTNN thuộc tổ chức này đều có chức năng pháp lý về thực hiện KTMT, trong đó kiểm toán hoạt động chiếm 93%, kiểm toán tuân thủ chiếm 88% và kiểm toán tài chính chiếm 87%.

Trong khi đó, ở Việt Nam, mặc dù kết quả KTMT gắn với SDGs của KTNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng khích lệ; tuy nhiên, công tác tổ chức, triển khai thực hiện các cuộc KTMT vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định cả về chất lượng kiểm toán và về hiệu quả cảnh báo, kiến nghị ngăn chặn, phòng chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, đời sống của người dân trong một chiến lược chung, hướng tới mục tiêu tổng thể của SDGs nói riêng, cũng như trong mối quan hệ tổng thể với SDGs với các nước khác trong khu vực và phạm vi toàn cầu…

Với tinh thần đó, có thể khẳng định, việc đưa hoạt động KTMT của Kiểm toán Nhà nước vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới của Quốc hội khóa XIV là bức thiết cả về pháp lý và thực tiễn; điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng thuận lợi cho KTNN thực hiện tốt hơn vai trò đã được Hiến định, trực tiếp và gián tiếp góp phần cải thiện năng lực, hiệu lực và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường theo tinh thần “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong thế kỷ 21.