Xuất khẩu lách qua “khe cửa hẹp”

NDO -

NDĐT - Dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và diễn biến phức tạp đã và đang tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Tuy nhiên, các bộ ngành và doanh nghiệp vẫn nỗ lực chắt chiu từng cơ hội để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 7-8% năm nay như đã đề ra.

Ngày 16-4-2020, Vinamilk đã hoàn tất các công đoạn sản xuất để xuất khẩu lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc, trong khi nước này vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiệm ngặt.
Ngày 16-4-2020, Vinamilk đã hoàn tất các công đoạn sản xuất để xuất khẩu lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc, trong khi nước này vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiệm ngặt.

Những cách làm hay
Tháng tư vừa qua, tin vui đến với hoạt động xuất khẩu giữa những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch khi container sữa đặc đầu tiên của Vinamilk với thương hiệu Ông Thọ đã xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc. Đáng ghi nhận là toàn bộ quá trình trên được triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc và diễn biến phức tạp tại Việt Nam với các biện pháp mạnh mẽ về giãn cách xã hội và kiểm tra nghiêm ngặt hàng hóa xuất nhập khẩu của cả hai nước.

Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk không giấu vui mừng chia sẻ, tuy Vinamilk vừa phải sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch và cách ly xã hội, vừa phải bảo đảm cung ứng đầy đủ sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước nhưng công ty vẫn tập trung nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch sản xuất bảo đảm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu nói chung và thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng nói riêng.

Chuyển hướng sang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh, thay vì sản phẩm tươi là hướng đi của Công ty CP Vĩnh Hoàn để đối phó với khó khăn do dịch bệnh. Cá tra fillet đông lạnh được nhận định là mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở nhiều thị trường nên có nhu cầu lớn cả trong và sau dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ở giai đoạn hiện tại, Vĩnh Hoàn còn chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho quý 2 và 3 để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tránh việc giá cá tăng mạnh khi có đột biến về đơn hàng, sau khi dịch bệnh được khống chế ở các thị trường chính của công ty.

Bên cạnh xuất khẩu theo phương thức truyền thống, Vĩnh Hoàn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử. Đây được coi là giải pháp khôn ngoan trong bối cảnh hiện nay vì vừa giúp tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp quảng bá hàng hóa đến các đối tác khi các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống khó có thể thực hiện được do dịch bệnh.

Song song với chuyển hướng sản phẩm, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn chuyển hướng thị trường. Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang chia sẻ, thay vì tập trung vào các thị trường truyền thống, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủy sản Trường Giang đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là tranh thủ các thị trường đã có những chuyển biến mới trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh tốt như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhờ đó, trong tháng 3 và tháng 4, sản lượng xuất khẩu của công ty đã tăng thêm khoảng 15% so với hồi tháng 2.

Đó là một số các doanh nghiệp đã “lách” qua “khe cửa hẹp” để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng doanh thu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, Covid-19 là đại dịch toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nét khi nhiều thị trường chính của nước ta như Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ… có chính sách phong tỏa biên giới do dịch bệnh và giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, dịch bệnh là cơ hội để tái cơ cấu, tìm ra các cách làm mới, hiệu quả hơn để duy trì hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, thế mạnh của nước ta là nông thủy sản, mặt hàng được nhận định là vẫn có nhu cầu trong dịch bệnh và thậm chí, nhu cầu sẽ tăng cao khi dịch bệnh được khống chế. Do đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm 4,3%, song mức giảm này không quá lớn nếu so với nhiều ngành hàng khác. Chưa kể, theo nhận định của Bộ Công thương, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp và người nông dân đã kịp thời thay đổi mô hình sản xuất, kịp thời thích ứng với kinh doanh trong tình hình mới.

Xuất khẩu lách qua “khe cửa hẹp” ảnh 1

Hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp
Đầu năm nay, khi chưa có đại dịch, Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu năm nay sẽ đạt 300 tỷ USD. Đây được đánh giá là mục tiêu lớn và phải rất nỗ lực mới đạt được. Do đó, ngay từ đầu năm 2020, các bộ ngành đã phối hợp với các địa phương đã triển khai rất nhiều biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, Bộ Công thương đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính liên tục tổ chức các buổi làm việc với các địa phương khu vực cửa khẩu để đẩy mạnh thông quan hàng hóa, giảm ùn ứ tại khu vực này. Đồng thời, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động giao thương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Đơn cử, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Vietnam Airlines đã phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Singapore hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách duy trì các chuyến bay chở hàng từ Singapore đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và ngược lại nhằm bảo đảm thông thương hàng hóa, vật tư giữa hai nước. Đặc biệt, đối với các đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Singapore, Vietnam Airlines sẽ dành ưu đãi mức giá vận chuyển thấp hơn mức giá của thị trường.

Hiện, Bộ Công thương tiếp tục tập trung vào các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc ở khu vực biên giới, đặc biệt là biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Bởi xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là tại tỉnh Lạng Sơn vẫn đang tương đối chậm và lượng xe tồn đọng ở cửa khẩu còn tương đối lớn. Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị cho sự hồi phục của các thị trường thì hoạt động xúc tiến thương mại cũng là giải pháp quan trọng được Bộ Công thương đặt ra. Trong đó, tập trung khai thác tốt việc xúc tiến qua thương mại điện tử.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh thêm: “Với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sắp có hiệu lực như EVFTA hay FTA Việt Nam-Cuba, Bộ Công thương đã, đang và sẽ tích cực tuyên truyền về lợi ích cũng như cách tận dụng các lợi ích này, đặc biệt là thông qua quy tắc xuất xứ. Bộ Công thương cũng tiếp tục làm việc với các hiệp hội để rà soát các kiến nghị cho các doanh nghiệp để vượt qua các khó khăn này, từ đó kiến nghị Chính phủ có các giải pháp rốt ráo”.

Các doanh nghiệp cũng được khuyến cáo cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định về bao gói, nhãn mác... để chuyển hướng mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu tối đa rủi ro cho hoạt động xuất khẩu.