Vốn và công nghệ trong liên kết sáu nhà

NDO -

Sáng 13-10, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 5, chủ đề: “Vốn và công nghệ trong liên kết sáu nhà”, với sự tham gia của hàng trăm nhà lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên gia và đại diện các bộ, ngành T.Ư và doanh nghiệp, nông dân tiêu biểu trên cả nước.

Vốn và công nghệ trong liên kết sáu nhà

Diễn đàn được tổ chức thành sáu phiên đối thoại, có hơn 50 tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp, tập trung làm rõ vai trò, thực trạng nhu cầu và năng lực, cũng như đề xuất nhiều mô hình và giải pháp cải thiện việc cung cấp, quản lý hiệu quả vốn, công nghệ trong liên kết sáu nhà, gồm: Nhà nước, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà nông, nhà băng (ngân hàng), nhà khoa học và nhà phân phối trong chuỗi liên kết nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân.

Từ đó, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng, tránh tình trạng "được mùa, mất giá", nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Đặc biệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đòi hỏi nghiên cứu và triển khai sát hợp thực tế địa phương và yêu cầu công nghệ các mô hình sản xuất mới, với các chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp.

Chỉ thông qua chuỗi, các sản phẩm mới được hình thành và bảo vệ theo quy trình, kiểm soát tốt về chất lượng, bảo đảm yêu cầu xuất xứ và chứng chỉ sản phẩm sạch, từ đó bảo đảm chất lượng và tìm được đầu ra ổn định.

Việc sản xuất theo chuỗi giúp các hộ nông dân vượt qua những hạn chế và rủi ro về vốn, công nghệ, có đầu ra nông sản, giảm bớt tình trạng tự phát và trồng - chặt, “giải cứu” do được mùa rớt giá; đồng thời, giúp cho doanh nghiệp có nguồn cung ổn định “đầu vào”, phát triển hiệu quả công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ổn định, loại bỏ được tình trạng thương lái can thiệp phá vỡ hợp đồng kế hoạch sản xuất.

Hơn nữa, bảo đảm được chất lượng và văn minh thương mại, khắc phục tình trạng bán hàng kiểu đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu không áp phích, poster giới thiệu… cũng là những động lực mới, mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới cho trái cây, các nông sản chủ lực và cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự tham gia của các doanh nghiệp Việt trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so các nền kinh tế của quy mô tương tự trong khu vực Đông-Nam Á.

Cụ thể, mới chỉ 36% doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi, tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. Thực trạng trên cho thấy chuỗi cung ứng ở nền kinh tế Việt Nam bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. Các doanh nghiệp trong nước gần như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu mà các doanh nghiệp FDI đang sản xuất tại Việt Nam.

Theo báo cáo “Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016” của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới, môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông-Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar. Việt Nam có điểm số thấp về quản lý giống cây trồng, máy móc nông nghiệp và vận tải.

Ngành nông nghiệp Việt Nam (bao gồm các lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản) đang tạo ra khoảng 14% GDP (trong chín tháng năm 2020 là 14,05% GDP). Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà-phê, sắn đứng thứ hai, cao-su đứng thứ 4, thủy hải sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7 thế giới và rất nhiều mặt hàng khác nữa.

Đặc biệt, nhờ ứng dụng CNC mà xuất khẩu rau quả ba năm gần đây đã vượt cả xuất khẩu gạo, cũng như dầu mỏ và kéo dài thêm danh mục xuất khẩu nông sản chủ lực có triển vọng của nước ta…

Năm 2019, nhờ làm tốt công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp ước đạt 41,3 tỷ USD; xuất siêu 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so năm 2018.

Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tám nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD; trong đó, có bốn mặt hàng đạt hơn ba tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều). Cả nước đã thành lập mới được sáu liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.300 HTX nông nghiệp.

Đáng chú ý, trong đó, có gần 73% tổng số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%). Tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.

Cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so năm 2018. Các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực...

Đặc biệt, Sóc Trăng với hai giống lúa ST24 và ST25 (trong đó, ST25 được giải "Gạo ngon nhất thế giới" tại Hội nghị thương mại gạo thế giới tổ chức tại Philippines từ ngày 10 đến 13-11-2019) đang mở ra một cơ hội rất lớn cho gạo chất lượng cao của Việt Nam nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Năm 2020, dù sẽ không nhiều thuận lợi cho ngành nông nghiệp, song theo Bộ NN-PTNT, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,91% đến 3%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 41,5 tỷ USD.

Trên thực tế, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu chín tháng, các mặt hàng nông sản vẫn tiếp tục giảm so cùng kỳ năm trước do giá xuất khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng nông sản đều biến động giảm: rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11%; hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, giảm 4% (lượng tăng 10,6%); cà-phê đạt 2,2 tỷ USD, giảm 1% (lượng giảm 1,4%); cao-su đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4% (lượng tăng 2,4%); hạt tiêu đạt 489 triệu USD, giảm 17,6% (lượng giảm 5,9%). 

Riêng mặt hàng gạo đạt 2,5 tỷ USD, tăng 12% (lượng giảm 0,6%). Trong  tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước chín tháng năm 2020, nhóm hàng nông, lâm sản đạt 14,63 tỷ USD, giảm 4,7% và chiếm 7,2% (giảm 0,7%). Nhóm hàng thủy sản đạt 6,03 tỷ USD, giảm 3% và chiếm 3% (giảm 0,2%)…

 Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, lúa đông xuân và hè thu được mùa, được giá; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; đàn lợn đang dần khôi phục; xuất khẩu tôm bước đầu khởi sắc.

Tính chung chín tháng năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung, của toàn nền kinh tế; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Theo VCCI, hiện hàng trăm tập đoàn lớn và công ty liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trên diện tích hàng trăm nghìn ha. Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư cho ứng dụng CNC vào nông nghiệp từ các doanh nghiệp (DN), địa phương, cũng như được thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội, nhiệm vụ KH-CN cấp bộ, cấp nhà nước, đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp cao hàng nghìn tỷ đồng đã được Thủ tướng đồng ý cho NHNN chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng, triển khai… Các địa phương cũng đang tích cực hướng đến nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy vậy, mới chỉ khoảng gần 4.500 doanh nghiệp (chiếm 1,01% trong tổng số DN) trên cả nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Số dự án FDI vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 2,9% tổng dự án và chiếm khoảng 1% vốn… 

Cả nước mới có hơn 20 DN nông nghiệp ứng dụng CNC được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã đi vào hoạt động. Bởi vậy, nếu các doanh nghiệp và hộ nông nghiệp trong nước không chủ động và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, khắc phục những hạn chế về vốn, công nghệ và khả năng tham gia chuỗi liên kết sản xuất thì sẽ khó cải thiện năng lực cạnh tranh tỏng hội nhập, nhất là trong khuôn khổ các FTA thế hệ mới…

Việt Nam hiện đang đối diện với những hạn chế cả về nhận thức, cơ sở pháp lý và mô hình hiệu quả cụ thể trong liên kết chuỗi giữa nông dân - doanh nghiệp, đặc biệt là bốn điểm nghẽn trong chuỗi đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nhận thức về nông nghiệp công nghệ cao và thị trường khoa học công nghệ còn nhiều bất cập; quy hoạch không gian và yêu cầu tích hợp trong quy hoạch phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều tồn tại, hạn chế; chưa có không gian đủ lớn hoặc tiềm lực đầu tư lớn trên diện tích nhỏ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thị trường tiêu thụ, hệ thống tiêu thụ chưa đủ mạnh và ổn định, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho nông sản công nghệ cao chưa rõ ràng. 

Thực tế cho thấy, trong khi nông dân còn bị động thì không ít hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể. Giá nông sản trong những năm vừa qua biến động liên tục nên các doanh nghiệp thu mua chưa mạnh dạn áp dụng chính sách bảo hiểm về giá.

Có thể nói, các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao; do đó các bên dễ vi phạm hợp đồng và  nông dân thường gặp bất lợi… Thực tế cũng cho thấy, hộ nông dân thường liên kết không thành công vì những hạn chế về quy mô, năng lực, trình độ...

Để hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và bền vững ở Việt Nam, cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở cung - cầu của thị trường; các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân và giữa người dân nhằm hình thành mối liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phảm…

Tập hợp, tổ chức lại và tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp và tập đoàn lớn tham gia tổ chức lại sản xuất trong cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi; thành lập các doanh nghiệp và trang trại vệ tinh theo hình thức gia công hoặc hợp đồng liên kết trong chuỗi kinh doanh hoàn chỉnh, từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi và phân phối thuộc các khâu khác nhau để cùng chia sẻ lợi nhuận. 

Đồng thời, cần hệ thống pháp lý có chế tài đủ mạnh bảo vệ nhà đầu tư, nhà sản xuất, ràng buộc trách nhiệm về truy xuất nguồn gốc nông sản; phải nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, trong đó tập trung đào tạo, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp và nông dân làm trung tâm trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Đặc biệt, cần tích cực triển khai Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn” ban hành theo Quyết định số 644/QĐ-TTg.

Theo đó, tập trung hình thành và phát triển một số chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp điển hình; nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp: tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ tư vấn chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cho các ban quản lý khu, cụm công nông nghiệp về kỹ năng cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh; tư vấn lập kế hoạch kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết.

Liên kết và phát triển doanh nghiệp trong các khu, cụm, vườn ươm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng; xúc tiến phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, trong đó có hoạt động lựa chọn một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ở các địa phương để tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị (hỗ trợ các địa phương xây dựng các bản tin hằng ngày trên sóng phát thanh của đài phát thanh địa phương (huyện, xã); hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại trong nước; nâng cao khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong chuỗi giá trị (nâng cao năng lực quản lý tổ chức cho các hiệp hội, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cho các tổ chức cung cấp dịch vụ…).

Đồng thời, cần có đột phá trong đầu tư nâng cao năng lực một số viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ ở các vùng, nhằm hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hướng vào các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng, có giá trị cao về kinh tế, đối tượng chính là rau, hoa, quả, chăn nuôi, thủy sản,... phù hợp chủ trương tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các hệ thống các văn bản, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC và hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; tập trung chỉ đạo, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC cho các đối tượng vật nuôi, cây trồng chủ lực, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Nghiên cứu, nhập khẩu và chuyển giao các CNC trong nông nghiệp được ưu tiên đầu tư phát triển. Thực hiện các ưu đãi thuế, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ; phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý CNC trong nông nghiệp; khuyến khích đột phá về tích tụ ruộng đất thông qua “dồn điền đổi thửa” và góp, cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nâng mức hạn điền …; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC…

Bên cạnh đó, cùng với việc các cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để nông dân và doanh nghiệp thấy được lợi ích mang lại, từ đó có trách nhiệm thực hiện, thì người nông dân cũng phải chủ động trang bị cho mình kiến thức về sản xuất, thị trường, pháp luật để chủ động bảo vệ quyền lợi trong quá trình liên kết.

Đồng thời, nông dân cũng cần bỏ tâm lý “ăn xổi”, cần có tầm nhìn xa và giữ uy tín, sẵn sàng cùng chịu những rủi ro với đối tượng liên kết…