Vì sao công trình thủy lợi Khuôn Lù không phát huy hiệu quả?

Ðể cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, từ năm 2008, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình đập thủy lợi Khuôn Lù. Tuy nhiên, việc thi công chậm, chất lượng không bảo đảm, dẫn đến công trình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí.

Công trình xây dựng trái phép trên mái thượng lưu đập thủy lợi Khuôn Lù.
Công trình xây dựng trái phép trên mái thượng lưu đập thủy lợi Khuôn Lù.

Các hạng mục công trình đập Khuôn Lù, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được khởi công xây dựng từ tháng 5-2010 (gọi tắt là thủy lợi Khuôn Lù). Tổng giá trị công trình khi ký hợp đồng là hơn 10,2 tỷ đồng (đến năm 2013 công trình được điều chỉnh nâng vốn lên gần 15,6 tỷ đồng). Thủy lợi Khuôn Lù có quy mô: xây dựng mới đập đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước, gần 4 km kênh và công trình trên kênh với mục tiêu bảo đảm tưới cho 45 ha ruộng lúa (hiện trạng khi triển khai dự án có 1,5 ha đất lúa và dự kiến khai hoang đất vườn tạp thành đất lúa là 43,5 ha).

Theo hợp đồng thi công được ký ngày 5-5-2010 giữa chủ đầu tư - Ban quản lý dự án JICA huyện Yên Sơn, với bên nhận thầu là Tổng công ty Ðầu tư phát triển hạ tầng đô thị (có địa chỉ tại số 2 Huỳnh Thúc Kháng, quận Ðống Ða, Hà Nội) thì thời gian thi công là 270 ngày (đến ngày 25-2-2011 hoàn thành), sau đó được gia hạn thi công đến 31-3-2014. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến ngày 20-4-2015, công trình mới hoàn thành, chậm 385 ngày so với thời gian được gia hạn. Sau khi hoàn thành, nhà thầu thi công chậm hoàn thiện hồ sơ hoàn công mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần đôn đốc (đôn đốc trực tiếp, đôn đốc bằng văn bản). Ðến tháng 7-2018, nhà thầu thi công mới nộp hồ sơ để kiểm tra, nghiệm thu; trong quá trình kiểm tra nghiệm thu, UBND huyện Yên Sơn đã yêu cầu đơn vị thi công sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, xuống cấp của công trình nên đến ngày 29-1-2019 mới tổ chức nghiệm thu kỹ thuật và bàn giao công trình cho UBND xã Trung Trực đưa công trình vào sử dụng, nhưng lại không bàn giao biên bản và hồ sơ hoàn công công trình cho UBND xã để quản lý, vận hành.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm thi công công trình này là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (một phần diện tích đất xây dựng công trình đến tháng 12-2013 mới hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng); bên cạnh đó, nhà thầu thi công sau khi được bàn giao mặt bằng đã thi công với tiến độ “rùa”, không bố trí đủ máy móc, thiết bị, nhân lực theo tiến độ, dẫn tới thời gian thi công gói thầu kéo dài. Do vậy, khi công trình hoàn thành thì nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, hư hỏng, nên phải sửa chữa hoàn thiện trước khi nghiệm thu.

Cũng do chậm bàn giao nên công trình không có đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ, đến nay nhiều đoạn kênh đã bị xuống cấp, thậm chí nhiều chỗ bị hư hỏng. Hiện tại công trình chỉ phục vụ tưới cho 1,4 ha lúa vụ xuân và hơn 3,9 ha lúa mùa.

Dẫn chúng tôi đi quanh khu vực hồ thủy lợi Khuôn Lù, ông Trần Văn Hòa, ở thôn 4, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn cho biết, ông được đơn vị thi công thuê thi công mái thượng lưu đập. Ông không biết theo thiết kế thì phải xây như thế nào, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của đơn vị thi công là trải một lớp sỏi ở dưới, sau đó xếp đá hộc lên trên, còn đường đi phía trên thì rải đá cấp phối. Ðến giờ ông chưa được thanh toán hết tiền công và cũng chưa thấy bàn giao cho ai quản lý nên đã tận dụng hồ để thả cá, khi nào có đơn vị quản lý thì tính sau. Ông Hòa cũng cho biết thêm, hằng ngày vẫn đến kiểm tra và mở van xả nước để dẫn nước xuống kênh cho bà con, nhưng theo ông, kênh dẫn nước cao hơn đáy hồ và nhiều đoạn kênh bị trũng, đọng nước, phần cuối kênh lại cao hơn nên khi mực nước trong hồ xuống thấp thì nước từ kênh dẫn lại chảy ngược về hồ.

Quả thật, nếu không được người dân địa phương dẫn đường thì rất khó có thể nhận biết và tìm thấy những đoạn kênh dẫn nước của hồ thủy lợi Khuôn Lù. Có những đoạn kênh cỏ dại mọc cao hơn đầu người, nhiều đoạn bị nứt, vỡ nên không thể dẫn được nước. Người dân khi muốn lấy nước chỉ còn cách đi dọc tuyến kênh tìm những chỗ bị rò rỉ nước, bị vỡ, sau đó dùng đất bịt lại rồi phải nạo vét đất, đá dưới lòng kênh thì mới đưa được nước về đến ruộng. Hiện tại, dọc theo chiều dài tuyến kênh tưới, có một số vị trí bị đất sạt lở vùi lấp không có khả năng dẫn nước, người dân lấn chiếm hành lang tuyến kênh (trồng cây, làm công trình chăn nuôi); trên mái thượng lưu đập có hộ dân còn xây dựng nhà tạm trái phép để nuôi thủy sản trên hồ.

Bà Chu Thị Chuyền, ở thôn 4, xã Trung Trực cho biết, mỗi lần muốn dẫn nước về ruộng phải mang bao tải đi lấy đất, rồi tìm chỗ nào bị rò rỉ để bít lại, có đoạn phải đắp mất cả tiếng mới xong chỗ kênh vỡ nhưng lượng nước chảy về ruộng cũng chẳng đáng là bao. Gia đình bà Trần Thị Thoa, ở thôn 4, xã Trung Trực có khoảng hơn 20 m kênh dẫn nước đi qua diện tích đất của gia đình. Bà Thoa cho biết, đoạn kênh đi qua nhà bà bị trũng, nước thường xuyên chảy tràn ra ngoài và tràn vào khu vực chăn nuôi của gia đình. Sau nhiều lần đổ và đắp đất chung quanh khu vực này để hạn chế tình trạng trên nhưng không hiệu quả, gia đình bà đã phải tự bỏ tiền để xây thêm một hàng gạch lên trên mặt kênh. Còn ông Ðào Văn Sẩm, ở thôn 4, xã Trung Trực có 5 sào ruộng trồng lúa nằm ở điểm cuối của tuyến mương dẫn nước từ hồ thủy lợi Khuôn Lù. Nhưng từ nhiều năm nay, gia đình ông và nhiều hộ dân trong thôn vẫn phải bắc nước từ hệ thống thủy lợi cũ của xã nằm cách khu ruộng gần 2 km, do thủy lợi Khuôn Lù không thể đưa được nước đến khu ruộng phục vụ sản xuất.

Làm việc với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, huyện sẽ tiếp tục quyết liệt đôn đốc nhà thầu thi công công trình hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt quyết toán công trình; yêu cầu nhà thầu thực hiện bảo hành công trình theo đúng quy định; tu sửa, khắc phục các bất cập, hư hỏng trên tuyến kênh, bảo đảm công trình hoạt động đúng theo công suất thiết kế; chỉ đạo UBND xã Trung Trực giao cho Ban quản lý công trình thủy lợi xã có trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác công trình bảo đảm phát huy hiệu quả đầu tư; kiện toàn Ban quản lý công trình thủy lợi xã, đồng thời rà soát xây dựng quy trình, quy chế vận hành công trình hồ thủy lợi theo đúng quy định.

Công trình thủy lợi Khuôn Lù nhằm bảo đảm tưới cho 45 ha lúa, nhưng đến nay không phát huy được hiệu quả, không bảo đảm cung cấp nước sản xuất cho người dân như mục tiêu đã đề ra. Các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần có giải pháp triệt để khắc phục, phát huy hiệu quả công trình, tránh lãng phí; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.