TP Hồ Chí Minh thay đổi tư duy trong đầu tư phát triển hạ tầng (Kỳ 1)

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là đầu mối phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhưng hạ tầng giao thông tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trong nội đô, đường sá trở nên quá tải, thường xuyên ùn tắc, ngập nước; hệ thống giao thông công cộng hoạt động kém hiệu quả, gây bức xúc cho người dân. Trong khi vốn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng còn hạn hẹp, việc thay đổi tư duy nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực này đang được lãnh đạo thành phố nghiên cứu, gấp rút triển khai, thực hiện.

Cầu Thủ Thiêm kết nối giữa quận 2 và quận 1 đã giúp giải tỏa giao thông cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Cầu Thủ Thiêm kết nối giữa quận 2 và quận 1 đã giúp giải tỏa giao thông cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Bài 1: Nhận diện những “nút thắt”

Thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch lạc hậu, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư còn hạn chế,… được đánh giá là những “nút thắt” khiến việc đầu tư hệ thống hạ tầng tại TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Chưa đáp ứng nhu cầu phát triển

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn thành phố có 59 dự án đầu tư công quy mô lớn đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2020 với tổng mức đầu tư khoảng 46.498 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, 14 dự án thuộc chương trình giảm ngập nước, hai dự án ngành văn hóa - xã hội, sáu dự án ngành y tế,… Ðến năm 2020, thành phố dự kiến hoàn thành các dự án quan trọng như: giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng; bốn dự án cấp nước sạch; hai dự án thủy lợi, phòng, chống lụt bão; một dự án xây dựng nhà ở xã hội, tái định cư; năm dự án bồi thường giải phóng mặt bằng,…

Các dự án đã hoàn thành không chỉ làm thay đổi bộ mặt đô thị, kết nối giao thông, thu hút đầu tư mà còn giải quyết được nhiều bức xúc của người dân. Minh chứng rõ nhất là dự án đầu tư nút giao thông Mỹ Thủy (giai đoạn 1) ở quận 2 được hoàn thành trong năm 2018. Dự án đã góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm thông suốt các trục đường chính Nguyễn Thị Ðịnh - Ðồng Văn Cống và đường vành đai 2. Hay dự án đường huyết mạch Phạm Văn Đồng dài 14 km đi qua bốn quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, khi hoàn thành đã kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh chung quanh và các tỉnh liền kề. Đồng thời, góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía đông của thành phố, nhất là các tuyến đường Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh,...

Tuy những dự án giao thông trọng điểm nêu trên đã góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố nhưng vẫn chưa đáng kể so với nhu cầu của người dân nhằm giải quyết các bức xúc tồn tại trong nhiều năm như, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, ngập lụt,… Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, tỷ lệ đất dành cho giao thông của thành phố chỉ đạt khoảng 9%, trong khi theo quy hoạch phải đạt 20 đến 26% đối với đô thị trung tâm, 18 đến 23% đối với đô thị vệ tinh, 16 đến 20% cho các thị trấn; tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị yêu cầu phải đạt 3 đến 4%, nhưng thực tế chỉ đạt dưới 1%.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành sáu tuyến đường bộ cao tốc, tổng chiều dài 310 km nhưng đến nay mới chỉ hoàn thiện hai tuyến với tổng chiều dài 113 km; hệ thống ba tuyến đường vành đai chưa tuyến đường nào hoàn chỉnh. Điển hình như dự án giao thông trọng điểm vành đai 2 dài 64 km, được khởi công từ năm 2007 với kỳ vọng khi hoàn thành sẽ giảm được lượng phương tiện giao thông khổng lồ đi qua trung tâm thành phố. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai, đến nay tuyến đường mới hoàn thành hơn 51 km, còn gần 13 km với ba trong số bốn đoạn đang chờ tìm chủ đầu tư, một đoạn đã có chủ đầu tư nhưng tiến độ thi công rất chậm. Công tác giải phóng mặt bằng có đoạn còn khoảng 2 km tắc nhiều năm không thể thực hiện.

Thành phố cũng lập dự án triển khai tám tuyến metro, nhưng chỉ có duy nhất tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang chật vật xây dựng. Dự án tuyến số 1 đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, 2, 9 và Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Dĩ An (Bình Dương), có quy mô xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6 km; đoạn đường sắt đi trên cao dài 17,1 km và 11 ga trên cao, ba ga ngầm và một đề-pô; cung cấp và lắp đặt hệ thống đầu máy, toa xe, cơ điện, thông tin tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động,... Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất chúng tôi vừa cập nhật, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ký Quyết định 4856/QĐ-UBND điều chỉnh dự án, theo đó, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 43.757 tỷ đồng, giảm khoảng 3.600 tỷ đồng so lần điều chỉnh thứ hai vào năm 2011. Đáng chú ý, thời gian thực hiện của dự án được “chốt lại” hai mốc quan trọng: thời điểm hoàn thành công trình, đưa vào khai thác là quý IV-2021; thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng vào năm 2026. Trước đó, năm 2015, dự án đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng năm 2019 và đưa vào khai thác vận hành đầu năm 2020.

Các dự án đường sắt, đường sắt trên cao, đường sắt một ray, đường trên cao,... đều chưa được xây dựng. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cả trên trời và dưới đất nhưng việc mở rộng ì ạch cả chục năm nay mà chưa thể triển khai, lợi thế sông nước rất lớn nhưng giao thông thủy vẫn chỉ dừng lại ở... “tiềm năng”.

Vì sao chậm trễ?

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, tính đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh cần hơn 40 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 15 đến 20%. Nếu tính tổng cộng 65 dự án dự kiến khởi công giai đoạn 2021 - 2025, thành phố cần tới gần 500 nghìn tỷ đồng. Ngoài thiếu vốn khiến việc đầu tư hạ tầng giao thông ì ạch, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh còn nhận định: Chính sách thu hút đầu tư, tư duy triển khai các dự án đầu tư công; tư duy giải phóng mặt bằng,… hạn chế, chưa bắt kịp thực tiễn là những lý do chính cản trở sự phát triển của thành phố. Đơn cử việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và dài hạn, kế hoạch này được thực hiện trên cơ sở tổng hợp đề xuất từ các cơ quan quản lý chuyên ngành kết hợp cân đối nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển của thành phố. Trên cơ sở phê duyệt của HĐND thành phố, sẽ cho triển khai công tác đầu tư xây dựng.

Cách làm này có ưu điểm là tổng hợp được toàn diện các dự án trên tất cả các lĩnh vực, phản ánh đúng nhu cầu và sự cần thiết phải đầu tư. Nhược điểm là chưa đánh giá kỹ hiệu quả về mặt tài chính cũng như cân đối thu chi khi dự án đi vào triển khai thực hiện. Do đó, dẫn đến hệ quả nhiều dự án khi hoàn thành đầu tư xây dựng, việc vận hành còn tốn kém, lãng phí, chưa phát huy hiệu quả. Bản thân dự án cũng không cân đối được thu chi khiến ngân sách phải tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng.

Bên cạnh đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc đề xuất triển khai nhiều dự án hiện nay chưa cân nhắc kỹ đến tính khả thi của việc huy động vốn xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp, người dân, nhất là trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát triển hạ tầng. Điều này dẫn đến gánh nặng cho ngân sách, nguồn lực bị dàn trải. Bộ máy nhà nước phải tiếp tục tham gia các khâu, từ việc lập thủ tục đầu tư đến thi công và vận hành. Trong khi đó, nếu để doanh nghiệp và người dân tham gia, thành phố chỉ phải xây dựng chính sách đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính và giám sát việc thực hiện. Như vậy, hiệu quả sẽ tăng lên trong khi nguồn lực công (vốn và con người) có thể sử dụng đầu tư vào các việc khác. Đối với nhiều dự án lớn, đặc thù như trung tâm tài chính, trung tâm hội nghị - triển lãm, trung tâm thể dục thể thao,… việc lựa chọn các nhà đầu tư tư nhân, thậm chí nhà đầu tư nước ngoài để họ triển khai từ đầu có khả năng đem lại hiệu quả cao hơn vì họ có kinh nghiệm trong việc lựa chọn ý tưởng đầu tư, có nguồn lực tài chính mạnh và mạng lưới đối tác, khách hàng nhằm bảo đảm hiệu quả trong thi công, vận hành.

Ngoài những bất cập trong việc đề xuất và kế hoạch triển khai các dự án đầu tư công, hiện nay việc giải phóng mặt bằng cũng là trở ngại lớn nhất khi thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm để phát triển thành phố. Đây chính là nút thắt khiến hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, đội vốn đầu tư; thậm chí không đạt mục tiêu đầu tư, kết nối giao thông để giải quyết nạn ùn tắc, ô nhiễm môi trường,... Điển hình, khi quận Thủ Đức triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 2 giai đoạn 3, hàng chục hộ dân chỉ có khoảng 30 m2 đất, nếu đủ điều kiện thì họ được nhận bồi thường vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, căn hộ chung cư ở Thủ Đức giá rẻ nhất cũng 13 triệu đồng/m2, số tiền đền bù so tiền mua căn hộ không đáng kể, nếu mua sẽ đeo đẳng món nợ không biết bao giờ trả xong. Người dân cho rằng, nếu không có dự án thì họ không bàn giao mặt bằng. Như vậy, muốn có được mặt bằng để thực hiện dự án, Nhà nước buộc phải cưỡng chế, sẽ gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân,…

(Còn nữa)