Thủ tướng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn vướng mắc

NDO -

NDĐT - Sáng 10-12, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2019. Cùng dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư đảng, Chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, các địa phương cùng 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho nông dân cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm nông sản trưng bày tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm nông sản trưng bày tại hội nghị.

Tại buổi đối thoại, có hơn 2.000 câu hỏi của nông dân cả nước tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản; vấn đề vốn, đất đai và biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường, nông thôn mới, các vấn đề xã hội ở nông thôn. Tại buổi đối thoại, nhiều vướng mắc khó khăn của nông dân được giải đáp, tháo gỡ, hướng đến sự phát triển bền vững.

Nhiều khó khăn của nông dân được tháo gỡ

Nông dân Trần Công Danh ở TP Cần Thơ đề nghị, Chính phủ cần có thông tin chính xác về thị trường nông sản để tiêu thụ nông sản ổn định, tránh điệp khúc được mùa mất giá, tăng cường liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn cho biết, xác định ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ là giải pháp căn cơ phát triển nhanh nền nông nghiệp; giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ cao đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Trung tâm tin học, hằng tháng đều có tập hợp đánh giá về thị trường.

Tất nhiên, trong yêu cầu thích ứng với thay đổi rất nhanh của thị trường, như vậy là chưa đủ. Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 1, năm 2020, triển khai ngay việc ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào xác định quan hệ cung cầu và công bố rộng rãi hơn, nhanh hơn trên trang web của Bộ NN-PTNT.

Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để tiêu thụ nông sản ổn định, cần tính đến tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, ổn định quy mô, bảo đảm phát triển thị trường. Ngoài ra, thời gian tới, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh. Một số chính sách về đất đai cần đẩy mạnh, tạo ra nguồn lực lớn hơn, giúp công nghiệp chế biến được nâng cao cạnh tranh, bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo vệ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh hàng hóa ngoại nhập. Chưa dừng lại ở đó, nông dân phải đổi mới, tiếp cận thị trường, chủ động tái cơ cấu.

Nông dân Nguyễn Trí Công ở Đồng Nai, đại diện cho những hộ chăn nuôi hỏi, Chính phủ có giải pháp đột phá hỗ trợ người chăn nuôi trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh hiện nay?

Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu rõ, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn, làm mất cân đối cung cầu. Từ đó, các địa phương đã triển khai hỗ trợ người dân từ ngân sách. Thời gian qua, chính sách của Chính phủ đã có nhiều khoản tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ người dân không có khả năng trả nợ, nếu sự việc xảy ra với quy mô lớn thì có thể tính đến việc xóa nợ. Về phía ngân hàng, đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh khoanh nợ, kéo dài các khoản nợ tạo điều kiện cho người dân, trong đó có người dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất.

Thông tin thêm về chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 về cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn thịt (khoảng 70% giá thành sản xuất); hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn giống; 500.000 đồng/con lợn giống cụ kỵ, ông bà. Hiện tại, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp các bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2010-2020 và nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021-2030.

Nhiều ý kiến nông dân quan tâm vấn đề phát triển giao thông vùng ĐBSCL và dành nguồn lực đầu tư ra sao để vùng phát triển bền vững?

Vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Vừa qua Chính phủ đã bố trí 2.186 tỷ đồng, phần tiền này đang được UBND tỉnh Tiền Giang và các nhà đầu tư tiến hành giải ngân. Các nhà tín dụng cũng cam kết hỗ trợ 1.000 tỷ đồng, dự kiến tuyến đường này sẽ được làm suốt trong thời gian Tết Nguyên đán.

Cuối năm 2020, từ Trung Lương đi Mỹ Thuận, các phương tiện có thể đi trên đường đá, trên một số đoạn nhựa. Các đoạn khác đang tập trung triển khai, nếu hoàn thành thì tuyến Quốc lộ 1 đi qua Tiền Giang sẽ giảm áp lực rất nhiều vì có cao tốc mới.

ĐBSCL cần có một cảng lớn để có thể xuất nhập hàng hóa, nếu đi qua TP Hồ Chí Minh, qua các cảng nhỏ thì chi phí rất cao. Vấn đề này, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng thêm hệ thống cảng biển nước sâu cho tàu tải trọng lên đến 100 nghìn tấn ở cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Nếu có cảng này, hàng hóa lưu thông, nhất là khu vực ĐBSCL sẽ giảm được chi phí vận tải rất lớn, tạo ra sức cạnh tranh cho khu vực ĐBSCL, song song đó là đầu tư hệ thống đường bộ, đường cao tốc, hình thành tuyến trục ngang, trục dọc kết nối vùng.

Về nguồn lực đầu tư phát triển bền vững vùng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới là cần quy hoạch lại ĐBSCL, tổ chức lại không gian hợp lý, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nếu không quy hoạch lại trong quá trình phát triển sẽ bị cạnh tranh, mâu thuẫn,…

Dự kiến quý 4, năm 2020, Bộ KH-ĐT sẽ trình Chính phủ để có quy hoạch tốt nhất này cho ĐBSCL. Ngoài ra, ĐBSCL cần phải có liên kết vùng. Thời gian tới, bộ sẽ trình thủ tướng cơ chế điều phối liền kết vùng này. Tuy nhiên, ngoài sự chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương sẽ phải tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chặt chẽ.

Về nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông để sản xuất, thời gian tới, bộ sẽ đầu tư thêm trong giai đoạn tới hai tỷ USD (tương đương 45.000 tỷ đồng), trong đó, giai đoạn 2021- 2025, sẽ đầu tư một tỷ USD. Số tiền trên dùng để đầu tư giao thông, hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước. Về sạt lở, bộ sẽ tập trung rà soát lại toàn bộ, xác định rõ các điểm sạt lở nghiêm trọng cấp bách cần giải quyết, sau đó sẽ trình Thủ tướng phương án sử dụng ngân sách dự phòng năm 2019, giải quyết ngay thiệt hại cho người dân.

Cũng về vấn đề sạt lở, ngoài phía T.Ư, chính quyền địa phương, người dân phải có sự giám sát chặt, có biện pháp hạn chế tình trạng này xảy ra. Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các địa phương phải có sự hỗ trợ, không trông chờ vào ngân sách T.Ư.

Nông dân đổi mới để phát triển bền vững

Về phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 120 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ, Chính phủ đã có Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13-4-2019 về ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành NN-PTNT đã chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai bốn lĩnh vực then chốt, đó là: xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu của vùng.

Mục tiêu đến năm 2020, ĐBSCL sẽ thành vùng có trình độ phát triển khá so cả nước; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; mạng lưới kết nối hạ tầng, kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn hiện đại.

Quan điểm của Đảng, Chính phủ đối với phát triển ĐBSCL là kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.

Chính vì vậy, phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh gắn xây dựng chuỗi giá trị cao. Bên cạnh đó, phát triển tuân thủ quy luật tự nhiên trên tinh thần “thuận thiên”; xây dựng kịch bản, giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, các tình huống bất lợi.

Chủ trương phát triển ĐBSCL là lấy con nguời làm trung tâm, giảm khoảng cách giàu - nghèo; chú trọng chất lượng hơn số lượng. Xác định biến đổi khí hậu, nước biến dâng là xu thế tất yếu, phải thích nghi, biến thách thức thành thời cơ.

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân nước ta. Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp thu, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân, giao các bộ, ngành tiếp tục thực hiện.

Cuối cùng, Thủ tướng mong muốn và nhắn nhủ với nông dân, để nông dân nước ta giàu, nông nghiệp thịnh, đất nước phát triển bền vững, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, nông dân cần tự đổi mới để hội nhập. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có.

Thủ tướng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn vướng mắc ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân.