Thấp thỏm… giá điện

NDO -

NDĐT - Thời gian qua, điện mặt trời (ĐMT), điện gió đã và đang thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần tăng cường nguồn cung cấp điện cho hệ thống, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Tuy nhiên thực tế hiện nay, giá điện đang được xem là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư (NĐT) “nằm im” ngóng, chờ và kết quả dòng tiền đổ vào lĩnh vực này chậm hơn so dự kiến.

Bộ Công thương đề xuất xin gia hạn thời gian hưởng giá ưu đãi điện gió, đến hết ngày 31-12-2023.
Bộ Công thương đề xuất xin gia hạn thời gian hưởng giá ưu đãi điện gió, đến hết ngày 31-12-2023.

Thiếu điện... chờ điện gió, ĐMT bù đắp!

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 3-2 tính toán, nếu nhu cầu phụ tải giai đoạn 2021-2025 tiếp tục tăng trưởng với tốc độ đã được dự báo trong quy hoạch điện VII điều chỉnh (tăng 8,6%/năm), thì nhu cầu phụ tải đến năm 2025 sẽ đạt hơn 394 tỷ kWh.

Khi đó, việc đáp ứng nhu cầu điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, có khả năng xảy ra thiếu điện nếu không triển khai ngay một số giải pháp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, ĐMT, tăng cường mua điện từ các nước trong khu vực... Theo dự báo đến năm 2023 có thể thiếu tới hơn 13 tỷ kWh, trong khi hiện nay đã phải chạy dầu phát điện gần 11 tỷ kWh.

Để bảo đảm đủ điện, quy hoạch điện VII điều chỉnh đã quy hoạch công suất hệ thống điện quốc gia phải đạt 60.000 kWh vào 2020, trong đó tỷ trọng NLTT gồm thủy điện nhỏ, điện gió, ĐMT, điện sinh khối là 9,9%. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây ngày 8-5 của Bộ Công thương cho thấy, tổng công suất nguồn điện của hệ thống năm 2020 chỉ đạt khoảng 56.000 MW, thấp hơn khoảng 4.000 MW so con số được duyệt trong quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Trong khi đó, tiến độ dự án nguồn điện theo quy hoạch VII (điều chỉnh) đều phát đi cảnh báo, các nguồn nhiệt điện bị chậm tiến độ một đến hai năm, thậm chí một số dự án bị chậm đến bốn đến năm năm.

Cũng trong nội dung báo cáo của Bộ Công thương đánh giá, trong các năm từ 2020-2023, công suất nguồn nhiệt điện thiếu hụt liên tục. Đến hết năm 2023, công suất nhiệt điện thiếu so với quy hoạch lên tới 12.690 MW. Tình trạng thiếu hụt công suất được cải thiện trong hai năm 2024 và 2025. Dù vậy, đến hết 2025, tổng công suất nhiệt điện thiếu hụt trong giai đoạn 2020-2025 vẫn còn khoảng 7.250 MW.

Lúc này, ĐMT, điện gió đang được trông đợi và kỳ vọng sẽ có thể bù vào phần nào khoảng trống do các dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ để lại. Chính vì thế, trong thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách khuyến khích về giá để thu hút đầu tư vào ĐMT, điện gió đã bước đầu được kích hoạt và phát huy tác dụng.

Trở lại câu chuyện thu hút đầu tư vào ĐMT cho thấy, chỉ cần có chính sách khuyến khích, cụ thể là giá điện, thì sẽ thu hút được nguồn lực tư nhân đầu tư vào hệ thống nguồn điện khá lớn. Nhìn lại thời gian ba năm về trước, “sức nóng” của các dự án ĐMT bắt đầu “tăng nhiệt” từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam.

Theo đó mức giá bán ĐMT khoảng 2.100 đồng/kWh (áp dụng trong 20 năm). Theo tính toán sơ bộ, hiện có khoảng 100 nghìn tỷ đồng của tư nhân đã “rót” vào ĐMT, trong khi nếu như năm 2018 chỉ có ba nhà máy đóng điện thành công, thì chỉ trong vòng hơn một năm, có tới gần 90 nhà máy ĐMT hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy ĐMT lên tới gần 4.500 MW (trong khi công suất nguồn điện cả nước là gần 55.000 MW).

Cũng giống như ĐMT, điện gió cũng thu hút được quan tâm của nhiều NĐT có tiềm năng, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định nâng giá mua điện gió từ mức 1.770 đồng một kWh (tại Quyết định 37 năm 2011) lên 1.928 đồng/kWh theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh).

Số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, khi giá điện gió chưa được nâng lên thì mới chỉ có chín dự án đi vào vận hành (công suất khiêm tốn là 353 MW). Nhưng khi giá mua điện tăng lên hơn 2.000 đồng/số, đã có 31 dự án (tổng công suất là 1.645 MW) được ký Hợp đồng mua bán điện (đang được đầu tư xây dựng, nhưng chưa vận hành thương mại). Ngoài ra, còn hàng trăm dự án với hàng nghìn MW vẫn đang chạy đua “xếp hàng” chờ để được bổ sung vào quy hoạch.

Theo đại diện Bộ Công thương cho biết, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt quy hoạch là khoảng 4.800 MW. Do đó, Bộ Công thương đề xuất, cần bổ sung thêm khoảng 7.000 MW điện gió để tăng cường nguồn cung cấp điện cho toàn hệ thống.

Thấp thỏm… giá điện ảnh 1

Hiện, có khoảng 100 nghìn tỷ đồng của tư nhân đã “rót” vào điện mặt trời.

Cần có cơ chế, chính sách ổn định

Những dẫn chứng trên cho thấy, chỉ cần có một cơ chế giá tốt, NĐT sẽ quan tâm đến đầu tư nguồn điện. Nhưng với giá mua ĐMT, điện gió là bao nhiêu thì cơ quan chức năng phải cân nhắc, tính toán thận trọng và kỹ lưỡng bởi nếu tỷ trọng ĐMT, điện gió tăng giá đột ngột và “neo” ở mức cao, điều đó sẽ tác động tới giá bán điện cho người tiêu dùng.

Mặt khác, giá ĐMT và điện gió thời gian qua cũng đã, đang để lại nhiều bài học đắt giá. Khi giá ĐMT ưu đãi 2.100 đồng/kWh “hết hạn” vào ngày 30-6-2019, nhiều NĐT đã không thể “chạy” kịp đưa dự án vào vận hành. Dẫn đến nhiều dự án dở dang, nằm đắp chiếu chờ giá điện mới. Đặc biệt khi giá điện mới được ban hành với mức giá thấp hơn rất nhiều, chỉ 1.644 đồng/kWh, nhiều NĐT đã bỏ vốn vào các dự án ở những tỉnh, thành có bức xạ thấp như Thanh Hóa, Hà Tĩnh… “đứng ngồi không yên”, và nguy cơ thua lỗ, phá sản cận kề. Theo đánh giá của chuyên gia năng lượng, dường như “cơn sốt” đầu tư vào ĐMT theo đó cũng nguội dần với thời gian!

Trong khi với điện gió, câu chuyện đang lặp lại tương tự ĐMT bởi với mức giá ưu đãi gần 2.000 đồng/kWh chỉ dành cho những dự án vận hành trước 1-11-2021, cho nên nhiều dự án đang phải chạy đua với thời gian để kịp hưởng giá cao. Thế nhưng, việc đầu tư điện gió khó khăn hơn ĐMT rất nhiều, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều dự án đứng trước khả năng chậm tiến độ. Trước tình hình này Bộ Công thương đề xuất xin Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn thời gian hưởng giá ưu đãi điện gió đến hết ngày 31-12-2023. Và sau năm 2023 các dự án điện gió sẽ tiến hành đấu thầu, đấu giá cạnh tranh…

Tuy nhiên, ngoài câu chuyện về cơ chế giá, những khó khăn trong thi công, các luật liên quan, thì vấn đề nhiều doanh nghiệp lo ngại là lưới điện liệu có thể theo kịp số lượng lớn công suất của các dự án đưa lên lưới hay không...

Điều đó cho thấy, không chỉ có cơ chế giá tốt để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng mà các chính sách đối với năng lượng cần có sự ổn định, nhất quán, tránh tình trạng “sau một đêm mọi thứ bỗng thay đổi” khiến NĐT trở tay không kịp. Mặt khác cần phải có những kiến nghị bằng con số rõ ràng hơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không truyền tải được công suất, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực đầu tư.