Tây Ninh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ

* Nghệ An tìm giải pháp bảo vệ tốt môi trường

Hạ tầng đô thị ở TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ảnh: ĐÌNH CHUNG
Hạ tầng đô thị ở TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ảnh: ĐÌNH CHUNG

Những năm qua, tỉnh Tây Ninh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi kết nối nội tỉnh, phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị và du lịch. Tỉnh tích cực phối hợp với TP Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận bổ sung các quy hoạch về đường bộ cao tốc, trung tâm logistics, đường thủy nội địa, cảng cạn ICD... trên địa bàn để làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Cụ thể như bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch kéo dài tuyến đường thủy nội địa Sài Gòn - Bến Súc đến cầu Bến Củi (theo sông Sài Gòn); bổ sung quy hoạch cảng cạn ICD và cảng thủy nội địa trên địa bàn xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng.

Thời gian tới, Tây Ninh tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính kết nối, liên thông với quy hoạch vùng, tích hợp đồng bộ với quy hoạch trong các lĩnh vực. Tỉnh cũng sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch mới các khu công nghiệp trên địa bàn; dự báo phân bố dân cư, lao động, phát triển các khu, cụm công nghiệp để đưa vào quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc, trong đó có các đô thị dọc tuyến; thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển đô thị không gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vùng “lõi”, đồng thời tạo nguồn thu tái đầu tư phát triển. Xây dựng đề án tạo động lực mới phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát; đẩy nhanh tiến độ dự án đường Đất Sét - Bến Củi, dự án đầu tư logistics và cảng tổng hợp Hưng Thuận. Triển khai thu hút đầu tư cảng đường thủy, trung tâm logistics trên tuyến sông Sài Gòn. Song song đó, tỉnh thúc đẩy thực hiện đầu tư các cảng sông Vàm Cỏ với quy mô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, phấn đấu khởi công trong năm 2021.

* Năm 2021, tỉnh Nghệ An xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ môi trường, lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục, xử lý ô nhiễm; khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong bảo vệ môi trường. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh sẽ chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản về môi trường, quan trắc, giám sát môi trường; gắn công tác thanh tra, kiểm tra với xử lý các vi phạm, cố gắng khắc phục hiện trạng gây ô nhiễm môi trường tại 85% trong tổng số các cơ sở sản xuất hiện đang nằm trong “danh sách đen”. Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các giải pháp, mô hình phát triển gắn với bảo đảm về môi trường. Mức chi cho sự nghiệp môi trường được xác định không dưới 1% tổng chi trong dự toán ngân sách hằng năm của tỉnh và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nhiều địa phương trong tỉnh, nơi có làng nghề đã xuất hiện nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi… Trong khi đó, cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp huyện đa số là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, cho nên việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo xử lý các vấn đề môi trường tại địa phương chưa hiệu quả. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, bất cập, nhiều quy định không phù hợp thực tiễn, khó thực hiện...