Những thương hiệu nâng tầm vóc Việt Nam

NDO -

NDĐT - Cộng đồng hơn 750 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam ngày càng có thêm những doanh nghiệp có sứ mệnh đặc biệt, tạo động lực thu hút và lan tỏa sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn thể cộng đồng. Thương hiệu của các doanh nghiệp này đã trở thành niềm tự hào quốc gia và có giá trị nâng tầm vóc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường thế giới.

Những thương hiệu nâng tầm vóc Việt Nam

Dù hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ, nông nghiệp hay công nghiệp-xây dựng, các doanh nghiệp này đều có nét chung là có tầm nhìn chiến lược dài hạn, bản lĩnh kinh doanh thương trường cao, coi trọng xây dựng thương hiệu và gìn giữ hình ảnh, coi trọng áp dụng công nghệ cao và các phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại, nhằm đạt tới không chỉ hiệu quả kinh doanh của mình, mà còn góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vì một đất nước Việt Nam thịnh vượng, văn minh.

Viettel - đầu đàn trong công nghệ viễn thông
Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel là thương hiệu viễn thông lớn nhất Việt Nam, đang sở hữu danh hiệu 'Tập đoàn số 1 Việt Nam về viễn thông và công nghệ thông tin, doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả nhất Việt Nam”, đã lọt vào TOP 5 thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất ASEAN và TOP 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới, với giá trị thương hiệu vượt ngưỡng một tỷ USD.

Những thương hiệu nâng tầm vóc Việt Nam ảnh 1

Vietttel đứng đầu Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2019 do Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance vừa công bố. Đây là Bảng xếp hạng có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá). Ở lần xếp hạng này, tổng giá trị của 50 thương hiệu dẫn đầu đạt 18,9 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; riêng thương hiệu Viettel được định giá hơn 2,3 tỷ USD.

Hiện Tập đoàn đã có năm Viện Nghiên cứu lưỡng dụng, hai công ty về điện tử và cơ khí, hai trung tâm về không gian mạng và an ninh mạng với 5.000 lao động và ngân sách cho nghiên cứu phát triển lên tới 4.000 - 4.500 tỷ đồng/năm.

Chỉ riêng hai ngành công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp vũ khí công nghệ cao, Viettel đã có doanh thu 12.000 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm của Viettel trong lĩnh vực này đã được trang bị trong quân đội, và được đánh giá có tính năng tương đương với sản phẩm của NATO, phù hợp khả năng tác chiến của quân đội.

Đối với lĩnh vực dân sự, Viettel đã nghiên cứu và sản xuất thành công và đưa vào mạng lưới viễn thông của tập đoàn tại Việt Nam cùng các thị trường đã đầu tư những thành phần quan trọng nhất của hạ tầng mạng viễn thông. Cụ thể, Viettel đã tự xây dựng được hệ thống tính cước trực tuyến (vOCS 3.0), Tổng đài thoại (vMSC), Tổng đài chuyển mạch gói 4G (vEPC), Tổng đài IP cung cấp đa dịch vụ (vIMS), Hệ thống quản lý thuê bao (vHSS),…Trong đó, đáng chú ý, hệ thống tính cước thời gian thực của Viettel (được triển khai tại sáu quốc gia, quản lý 140 triệu thuê bao) có khả năng quản lý 24 triệu thuê bao/site, gấp đôi so với các hệ thống khác trên thế giới. Việc triển khai thành công hệ thống vOCS đã đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia sản xuất OCS lớn nhất toàn cầu vì trên thế giới hiện chỉ có khoảng 20 nhà cung cấp có khả năng xây dựng hệ thống tính cước thời gian thực, trong đó ba nhà cung cấp lớn nhất là Amdocs, Ericsson và Huawei.

Về thiết bị truy nhập, đầu cuối, Viettel đã tự nghiên cứu, xây dựng thành công trạm phát sóng Marco cell 4G (eNodeB), Trạm phát sóng Small cell 4G, Thiết bị truy nhập quang (Site router),… Đây được xem là một bước đột phá mới của Viettel. Thống kê cho thấy, hiện trên thế giới chỉ có năm nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông.

Kể từ khi đặt viên gạch đầu tiên tại thị trường Campuchia năm 2006, đến nay, Viettel đang phục vụ khoảng 100 triệu khách hàng ở thị trường hơn 260 triệu dân của 11 quốc gia cả châu Á, Phi và Mỹ, trong đó bảy nước đã đi vào kinh doanh, giữ vị trí số 1 về thị phần tại năm nước, tám quốc gia mà Viettel đầu tư đã kinh doanh có lãi, hai nước đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và một nước mới có giấy phép đầu tư, với tổng doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 25%/năm.

Mục tiêu của Tập đoàn là đầu tư vào từ 22-25 nước trên thế giới, với tốc độ một năm đầu tư vào một đến hai nước; doanh thu tăng trưởng từ 20-25% và các thị trường sau 3-5 năm sẽ hồi vốn. Đặc biệt, phấn đấu tại các thị trường đầu tư, Viettel phải trở thành thương hiệu lớn trong TOP 3. Giai đoạn phát triển thứ tư trong chu kỳ 12 năm, từ 2018 - 2030, Viettel đề ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%, đến năm 2030, doanh thu của Tập đoàn Viettel có thể đạt tới 85 tỷ USD và lọt top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới về công nghiệp quốc phòng; top 20 về điện tử viễn thông và top 50 về công nghiệp an ninh mạng.

Riêng với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tập đoàn sẽ đẩy mạnh đầu tư cho các công nghệ lưỡng dụng đặc thù, vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao ít quốc gia trên thế giới có thể sở hữu công nghệ cũng như năng lực sản xuất như UAV, tàu ngầm mini, radar…Tỷ lệ cơ cấu doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25% (xuất khẩu chiếm tỷ trọng trên 50%), lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những thành tích mà Viettel đạt là “xuất sắc vượt bậc, toàn diện”, trở thành một doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt trong ngành viễn thông, công nghệ thông tin, là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất; là một thí dụ điển hình về doanh nghiệp nhà nước nếu có mục tiêu cao, khát vọng quốc gia, hệ thống quản trị tốt, cán bộ được lựa chọn đúng, đặt trong môi trường cạnh tranh, cơ chế động lực tốt thì sẽ phát huy hiệu quả tốt. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp như Viettel. Viettel phải bảo vệ thương hiệu như bảo vệ tài sản quốc gia.

Vinamilk – Thương hiệu sữa hàng đầu
Vinamilk là thương hiệu số 1 Việt Nam trong xếp hạng Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2016 do Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance công bố. Năm 2017, Vinamilk là công ty dẫn đầu danh sách “40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam” được công bố bởi Forbes Việt Nam, với giá trị thương hiệu đạt hơn 1,7 tỷ USD, chiếm hơn 30% trên tổng giá trị 5,4 tỷ USD của cả 40 thương hiệu. Cùng năm này, Vinamilk đã đạt doanh thu 51.041 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4.200 tỷ đồng. Sản phẩm sữa Vinamilk hiện đã có mặt tại trên 43 nước, từ Trung Đông tới các thị trường khó tính EU và Bắc Mỹ, xuất khẩu tăng dần qua từng năm. Trên thị trường chứng khoán, Vinamilk hiện là Công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất đạt 9 tỷ USD, tương đương 200.000 tỷ đồng. Công suất nhà máy liên tục mở rộng và sản lượng tiêu thụ tăng nhanh, kéo theo doanh thu năm sau lúc nào cũng cao hơn năm trước. Hiện nay, Vinamilk vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường sữa nước của toàn quốc, với hơn 50% thị phần (theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen).

Những thương hiệu nâng tầm vóc Việt Nam ảnh 2

Cả về công nghệ sản xuất và chế biến, cũng như chất lượng, giá cả và phong cách phục vụ, có thể khẳng định Vinamilk không thua bất cứ một doanh nghiệp nào trên thế giới.

Điểm nổi bật của Vinamilk là sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại Tetra Pak (Thụy Điển). Dựa trên giải pháp tự động hóa Tetra Plant Master, nhà máy sữa Việt Nam hoạt động kết nối và tích hợp từ nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra thành phẩm; có thể điều khiển mọi hoạt động bên trong nhằm theo dõi và kiểm soát chất lượng liên tục. Tất cả hệ thống thiết bị, máy móc, nhất là các robot LGV2 đều vận hành tự động. Chúng có thể tự thay pin tại các máy sạc pin tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Bên cạnh đó, Vinamilk còn triển khai hệ thống kho thông minh hàng đầu Việt Nam, với 20 ngõ xuất nhập, gồm 17 tầng giá đỡ, sức chứa 27.168 lô hàng, tương đương với 1.630.000 thùng sữa.

Ngoài 13 nhà máy sản xuất sữa trải dài khắp Việt Nam, Vinamilk còn đầu tư xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia (Vinamilk sở hữu 100%), Vinamilk nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand), sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ) và đầu tư công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu của của Vinamilk từ mức xấp xỉ 30 triệu USD vào năm 1998 đã tăng lên gần 260 triệu USD năm 2016.

Vinamilk đã và đang đầu tư hệ thống phát triển nguồn nguyên liệu bằng cả hai cách: chủ động đầu tư trang trại nuôi bò sữa, và liên kết với các hộ nông dân trong cả nước để thu mua sữa. Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong có hệ thống trang trại trải dài khắp các vùng miền đất nước, với quy mô công nghiệp hiện đại nhất tại thời điểm năm 2006. Toàn bộ hệ thống trang trại được xây dựng khép kín, tự động hóa với giống bò được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm đem đến năng suất sữa cao nhất; giúp Vinamilk chủ động được 50% nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Hiện tại, Vinamilk đang sở hữu hệ thống 10 trang trại chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam và đều đạt chứng nhận Global GAP – tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu; Vinamilk có những trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chuẩn quốc tế Thực Hành Nông Nghiệp Tốt Toàn cầu (Global G.A.P.). Trang trại bò sữa organic tại Đà Lạt khánh thành 03/2017 là trang trại bò sữa organic đầu tiên tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn Organic Châu Âu do Tổ chức Control Union (Hà Lan) chứng nhận. Với kế hoạch phát triển các trang trại, tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk đã lên tới 120.000 con, với sản lượng khoảng 800 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày, để sản xuất ra trên 3 triệu ly sữa/ một ngày. Dự kiến, tổng đàn bò sẽ được nâng lên 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến tăng lên gấp đôi.

Vinamilk còn là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam thực hiện mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, tổ chức nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, góp phần trợ cho những gia đình ở vùng khó khăn, tham gia phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng và giúp trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ để có một tương lai tươi sáng hơn.

Trong khuôn khổ Women's Summit 2018 diễn ra ngày 18-10-2018 tại TP Hồ Chí Minh, tạp chí Forbes Việt Nam lần đầu tiên công bố giải thưởng "Thành tựu trọn đời" vinh danh bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc công ty sữa Việt Nam Vinamilk. Nhân dịp này, bà Liên chia sẻ: “Tập thể Vinamilk tự hào có ngành công nghiệp sữa Việt Nam không thua kém gì với khu vực. Chúng ta có hệ thống chăn nuôi bò sữa, đó là quan trọng nhất. Khi tự chủ nguyên liệu thì tự chủ mọi thứ...”

Vingroup - tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh nhất
Ngày 2-9-2017, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Đây là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7, là bước khởi đầu cho việc gia nhập lĩnh vực công nghiệp nặng cùng sáu lĩnh vực cốt lõi trước đó của Vingroup. Nơi đây sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Việc Vingroup quyết định bước sang lĩnh vực sản xuất ô tô và tuyên bố sau hai năm sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên với tỷ lệ nội địa lên đến 60% khiến nhiều người đặt dấu hỏi về khả năng thành công, khi mà ngành công nghiệp ô tô trong nước đã trải qua 20 năm, nhưng vẫn chỉ luẩn quẩn ở việc lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa dưới 10%.

Tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0, Vinfast tiết lộ thông tin chi tiết về tổ hợp sản xuất ô tô hiện đại nhất Việt Nam, với năm nhà máy, gồm: nhà máy dập, nhà máy hàn thân xe, nhà máy sơn, nhà máy sản xuất động cơ và nhà máy lắp ráp hoàn thiện. Các nhà máy này đều được VinFast hợp tác với những tên tuổi hàng đầu như Schuler, Thyssen Krupp, Duerr, Eisenmann, Grob, MAG, Scheuchl,ABB, AVL,…để thiết kế và lắp đặt. Trong đó, nhà máy hàn thân xe, với thiết kế hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhà máy sẽ có khoảng 1.200 robot do ABB sản xuất; mối liên kết giữa robot, con người và máy móc, thiết bị được hoàn chỉnh theo nền tảng 4.0. Nhà máy dập, giám sát quy trình sản xuất theo công nghệ Công ty Schuler. Các dữ liệu, thông số kỹ thuật được thu thập trực tuyến (online) trong quá trình sản xuất, các thiết bị lắp đặt dây chuyền. Mô hình so sánh số thật và số mô phỏng ban đầu để định hình ra việc sản xuất và những vấn đề có thể gặp phải. Chất lượng, kịp thời để bảo đảm số lượng và chất lượng. Ngoài ra, nhà máy dập hoạt động như hộp đen máy bay, là thiết bị quan trọng giúp tra cứu thông tin về những lỗi đã xảy ra và có thể liên tục đổi mới. Nhà máy sơn xe cũng sẽ được trang bị 79 robot, trong đó bộ điều khiển robot có khả năng kiểm tra, dự báo trước chi tiết nào, lúc nào cần sửa nên "chi tiết cần sửa sẽ có mặt trước rồi". Vingroup cũng đầu tư hơn 10 triệu USD thành lập Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên VinFast, dự kiến mỗi năm đào tạo 600 kỹ sư, là nguồn nhân lực tương lai cho cách mạng 4.0. Với tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast theo mô hình sản xuất ô tô công nghiệp cao, ứng dụng công nghệ 4.0, được xây dựng tại đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng có quy mô 335 ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, đi vào vận hành từ tháng 3-2019, Tập đoàn Vingruop là doanh nghiệp được kỳ vọng nhất trong số khoảng 170 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam có vai trò tiên phong và khả năng hiện thực hóa khát vọng Việt Nam sớm có thương hiệu ô tô có thể cạnh tranh sòng phẳng với ô tô nhập khẩu cả về chất lượng, kiểu dáng, tính năng và giá thành.

Trưởng thành từ Technocom (Kharkov – Ukraina), bước vào tuổi 25, Vingroup đã trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành và hùng mạnh nhất Việt Nam, tài sản vốn hóa hàng chục tỷ USD, số lượng nhân sự lên đến dăm bảy vạn người… “Ở nhà Vinhomes, đi xe Vinfast, đi chợ Vinmart, mua sắm Vincom, du lịch Vinpearl, ăn uống VinEco, học tập Vinschool, chăm sóc sức khỏe Vinmec, thanh toán bằng VinID…”.

Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, Vingroup – một tập đoàn tư nhân sinh sau đẻ muộn, nhưng đã nhanh chóng vượt mặt tất cả các ông lớn nhà nước trong ngành xây dựng Việt Nam để trở thành công ty bất động sản lớn nhất cả nước.

Sản phẩm, dịch vụ của Vingroup đã và đang bao phủ hầu hết các mặt của đời sống người Việt và trở thành tiêu chí sống thời thượng của một bộ phận dân cư đô thị trên cả nước…

Nỗ lực và miệt mài từ những bước đi đầu tiên, Vingroup đã làm nên những điều kỳ diệu để tôn vinh thương hiệu Việt. Một thương hiệu được xây dựng bởi chính những người con Việt và thành công bởi chính trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng Việt Nam. Bên cạnh những giá trị về vật chất, những người mang bên mình biểu tượng cánh chim bay ngang mặt trời cũng có quyền tự hào khi đã xây nên được một không gian văn hóa mang bản sắc riêng, đậm tính nhân văn, thắm tình thân ái và vững vàng tinh thần kỷ luật.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup từng nói: “Chúng ta chưa bao giờ lên đỉnh và có lẽ sẽ không bao giờ có đỉnh”. Phải chăng chính tư duy ấy và triết lý “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” là động lực đưa Vingroup tiến tới vị trí số 1 và có thể còn xa hơn nữa.

Những thương hiệu nâng tầm vóc Việt Nam ảnh 3