Thị trường Tết tại Hà Nội

Nguồn cung dồi dào, không lo sốt giá

Chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, TP Hà Nội đã chuẩn bị nguồn hàng Tết lên tới 39.400 tỷ đồng. Với nguồn cung dồi dào, hệ thống phân phối rộng khắp, các chương trình kích cầu, khuyến mại đa dạng, người dân có thể yên tâm mua sắm Tết mà không phải lo khan hàng, sốt giá.

Gian hàng quà Tết trong Trung tâm Thương mại Aeon Long Biên.
Gian hàng quà Tết trong Trung tâm Thương mại Aeon Long Biên.

Nguồn cung dồi dào

Những ngày này, nông dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang khẩn trương chăm sóc, thu hoạch các loại rau an toàn có giá trị cao như cải thảo, súp lơ, cà chua... Theo đại diện Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rau Văn Đức, với diện tích hơn 220 ha trồng rau an toàn, mỗi ngày đơn vị có khả năng cung cấp từ 40 đến 50 tấn rau các loại. Đợt rét đậm, rét hại diễn ra vào cuối tháng 12-2020, đầu tháng 1-2021 khiến nhiều loại rau, nhất là rau ăn lá sinh trưởng chậm. Nhưng đến nay, trời nắng ấm các loại rau “bật” rất nhanh. Sản lượng tăng cao, có thể đạt từ 50 đến 60 tấn/ngày. 

Tại vựa rau Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, bên cạnh loại rau chủ lực là cải củ trắng xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, nhiều loại rau có giá trị kinh tế cao như cải ngồng, súp-lơ cũng đang vào vụ thu hoạch. Đại diện HTX Tráng Việt cho biết, nhờ áp dụng công nghệ tưới nước tự động; đầu tư nhà màng, nhà lưới kết hợp với thổ nhưỡng phù hợp, kinh nghiệm sản xuất, các loại rau của Tráng Việt có chất lượng tốt, an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu tập thể. Nhiều hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội đã liên kết, phân phối các sản phẩm của HTX. Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp đến, nông dân đã chủ động kế hoạch sản xuất từ nhiều tháng trước, cho nên sản lượng rau có thể đạt từ 500 đến 600 tấn/ngày.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, vụ đông năm nay, TP Hà Nội đã mở rộng diện tích cây trồng lên 45.000 ha, tăng gần 13.000 ha so với vụ trước. Hiện nay các loại nông sản đang bước vào thu hoạch để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán; đồng thời nông dân gieo trồng vụ xuân với diện tích hơn 112.000 ha. Sản lượng rau, củ đạt hơn 67.300 tấn/tháng, đáp ứng hơn 65% nhu cầu... Đàn vật nuôi được chăm sóc, theo dõi dịch bệnh chặt chẽ và phát triển tốt. Hiện nay, đàn trâu, bò trên địa bàn thành phố có hơn 158 nghìn con, đàn gia cầm gần 40 triệu con, đàn lợn hơn 1,4 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng hơn 10.671 tấn/tháng, vượt nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, còn sản lượng thịt lợn, trâu, bò đáp ứng từ 70% đến 85% nhu cầu.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để bảo đảm nguồn nông sản phục vụ Tết Nguyên đán, TP Hà Nội đã chủ động liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp các sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Đến nay, nguồn hàng nông sản, thực phẩm sạch phong phú về chủng loại, chất lượng tốt được cung ứng đúng kế hoạch. Đồng thời ngành nông nghiệp phối hợp các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nông sản, từ rau, củ, quả đến các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào thành phố, bảo đảm ổn định thị trường, nhất là mặt hàng thịt lợn, phục vụ đủ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp Tết và lễ hội đầu năm 2021. 

Tại các chợ, siêu thị, đại lý, cửa hàng, tuyến phố kinh doanh… trên khắp địa bàn Thủ đô, hàng hóa Tết đã ngập tràn. Cửa hàng, cửa hiệu nào cũng đầy ắp các giỏ quà Tết, đồ trang trí nhà cửa, quà tặng, bánh mứt kẹo... Dọc các tuyến phố như Cổ Linh, Âu Cơ, Hoàng Hoa Thám, Kim Ngưu..., các nhà vườn tấp nập người mua bán, tham quan các loại hoa, cây cảnh chơi Tết như lan, đào, quất, cúc, mai... Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt 39.400 tỷ đồng. Các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đang khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 gần 22% so với dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, ngoài 12 nhóm mặt hàng thiết yếu đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm hàng khô, các loại quả, hạt khô, quần áo... Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, 80% là hàng sản xuất trong nước. Lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu  trong dịp Tết của đơn vị đạt khoảng 200 tỷ đồng. Giám đốc Vùng Hà Nội của Tập đoàn Central Group Lê Mạnh Phong thông tin, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán của siêu thị trên địa bàn Hà Nội tăng 30% so với kế hoạch Tết 2020. 

Tổ chức phân phối, kiểm soát thị trường

Bên cạnh khai thác các nguồn hàng sản xuất trong nước, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chủ động khai thác nguồn hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như góp phần bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho biết, doanh nghiệp đã chủ động nhập khẩu và dự trữ một lượng khá lớn thịt lợn, thịt bò, thịt gà nhập khẩu từ Mỹ để bảo đảm cân bằng nguồn cung trong nước. Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce cho biết, đơn vị đã nhập khẩu ba công-ten-nơ thịt bò từ Mỹ, hơn 40 tấn thịt lợn, 15 tấn thịt gà...

Các chương trình kích cầu tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán cũng được các doanh nghiệp phân phối lên kế hoạch chi tiết với các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm... Cùng với các hình thức bán hàng trực tiếp tại điểm bán, các đơn vị phân phối còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tại nhà... nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Công tác tổ chức bán hàng được triển khai song song với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, cũng như phòng, chống dịch Covid-19. Giám đốc Vùng Hà Nội của Tập đoàn Central Group Lê Mạnh Phong nhấn mạnh: “Hệ thống siêu thị Big C đang chạy chương trình bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thịt lợn, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 2”.

Nhu cầu mua sắm Tết tăng cao cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, hàng lậu, hàng cấm vẫn được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trong địa bàn Hà Nội. Các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa thành nhiều đợt để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường. Một số cơ sở trong nước đã mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu, sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường, trà trộn với hàng thật... Các lực lượng trong Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội đang tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát chặt thị trường, giúp người dân yên tâm mua sắm Tết.