Lo thừa gà, thiếu lợn

NDO -

NDĐT – Dịch bệnh tả lợn châu Phi trong thời gian qua đã và đang tạo mối lo kép cho ngành chăn nuôi, đó là thiếu nguồn cung thịt lợn, nhưng lại thừa thịt gà.

Lo thừa gà, thiếu lợn

Khuyến cáo dư cung, giá gà xuống thấp
Ngày 29-10, Bộ Công thương đưa ra khuyến cáo các hộ, cơ sở chăn nuôi gà cân nhắc việc tăng đàn ồ ạt, tự phát, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.

Về nguồn cung từ nhập khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong chín tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước tiên tiến, có chất lượng cao như Hoa Kỳ, Brazil và Hàn Quốc. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...).

Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai là địa phương chăn nuôi trọng điểm của cả nước, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã chuyển sang chăn nuôi gà. Tính đến hết tháng 9 năm 2019, tổng đàn gà của riêng tỉnh Đồng Nai đạt hơn 24,8 triệu con, đã tăng 16,8% so với thời điểm tháng 4/2019. Trên bình diện cả nước, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân là do khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn. Vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát. Việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà tại khu vực này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà. Đây là những nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ giảm sâu trong thời gian tháng 8 và tháng 9/2019.

Theo Bộ Công thương, tại thời điểm ngày 22-10-2019, giá thịt gà công nghiệp tại các tỉnh Đông Nam Bộ - nơi tập trung các trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn của cả nước ở mức 25.000 - 25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9 (16.000 - 18.000 đồng/kg) - là giai đoạn các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây giá sụt giảm mạnh. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, giá các loại thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt.

Giá thịt gà nhập khẩu trong giai đoạn tháng 8 đến đầu tháng 9 luôn cao hơn giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước tại khu vực Đông Nam Bộ. Giá nhập khẩu bình quân thịt gà tháng 8 là 910 USD/tấn, tương đương 21.500 đồng/kg, tháng 9 là 857 USD/tấn, tương đương 20.000 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...), trong khi vào thời điểm giữa tháng 9, giá thịt gà công nghiệp tại Đông Nam Bộ là 16.000 - 18.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt gà trong nước vẫn không tăng dù có dịch tả lợn châu Phi, do sự chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt lợn sang thịt gà vẫn hạn chế, nhập khẩu thịt gà chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp.

Bộ Công thương nhận định, trong thời gian từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.

Trước tình hình này, Bộ Công thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.

Sẵn kịch bản ổn định cung cầu thịt lợn
Tại họp báo ngày 15-10, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Dự kiến do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến số lượng lợn giảm đi nên giá lợn sẽ tiếp tục còn tăng cao”.

Tuy nhiên, về tình hình cung ứng thịt lợn dịp cuối năm, ông Nguyễn Văn Long khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu thịt. Vì tổng đàn lợn của 56 tỉnh, thành phố hiện vẫn còn hơn 22 triệu con; 2,7 triệu con nái và 110 con cụ kỵ ông bà.

Theo ông Nguyễn Văn Long , với số lợn của 56 tỉnh, thành phố cộng với số lợn của bảy tỉnh, thành phố chưa gửi số liệu về, thì hiện chúng ta có khoảng 24-25 triệu con. Như vậy chúng ta vẫn có thể chủ động được nguồn thịt lợn trong ba đến bốn tháng cuối năm. Đặc biệt, nếu vẫn tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn sinh học ở các tỉnh đang chăn nuôi an toàn sinh học thì thịt lợn vẫn sẽ chiếm hơn 70% trong tổng thể sản lượng thịt.

Trước tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, ngày 15-10, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan liên quan có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài chính, Công thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).

Ổn định giá thịt lợn từ nay đến cuối năm
Giá lợn tăng cao, nông sản xuất khẩu gặp khó