Linh hoạt công cụ tài khóa

Nợ công là nguồn lực bổ sung, bù đắp cho bội chi ngân sách nhà nước. Vì vậy, trong bối cảnh nền kinh tế bị bào mòn do dịch Covid-19 như hiện nay, một trong những điều kiện để có thể thúc đẩy "cỗ xe tam mã" vận hành tốt, giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi, đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2020 và những năm tiếp theo là nới nợ công.

Ðây cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia tài chính, kinh tế đề cập kể từ thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới.

Chính phủ cho biết sẽ xem xét, đề nghị Quốc hội nới chỉ tiêu nợ công năm 2020 thêm khoảng 3 - 4%. Hiện nay, trần nợ công được Quốc hội quyết định áp dụng cho cả giai đoạn 2016 - 2020 là 65% GDP. Nhưng chỉ tiêu nợ công Quốc hội giao hằng năm và thực tế điều hành của Chính phủ đều thấp hơn. Chỉ duy nhất có năm 2016, nợ công tiến đến ngưỡng sát trần (63,7% GDP), những năm sau đều giảm dần và đến năm 2019 chỉ còn 54,7% GDP. Cơ cấu nợ công cũng thay đổi tích cực khi tỷ lệ nợ nước ngoài từ mức 60% giảm xuống còn 40%, giúp nền kinh tế giảm dần sự phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài và giảm sức ép về chênh lệch tỷ giá.

Trong những năm vừa qua, Chính phủ luôn chủ động bố trí đủ nguồn trong dự toán cân đối ngân sách để trả nợ trong mức đã được Quốc hội phê duyệt, theo đúng cam kết với các nhà đầu tư, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng uy tín của Chính phủ và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so thu ngân sách nhà nước được duy trì ở mức hợp lý. Do đó, nới nợ công vào thời điểm này vẫn bảo đảm dưới mức trần 65% GDP và không phải là con số thách thức cho công tác điều hành, trong khi có thể tạo ra nhiều dư địa cho tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Với quy mô nền kinh tế hơn 200 tỷ USD, nếu tăng mức nợ công năm nay lên 3 - 4%, tức là khoảng 59% GDP, chúng ta có thêm nhiều tỷ USD cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư công, tạo tính lan tỏa cho tăng trưởng các ngành kinh tế khác.

Nhờ quyết tâm sớm khống chế được dịch bệnh và nền tảng vĩ mô ổn định, Việt Nam có cơ hội lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, có thể thực hiện mục tiêu kép. Chính phủ đã giao các bộ, ngành chức năng nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế dài hơi, không chỉ cho năm nay mà cả những năm tiếp theo. Trong đó, xác định những vấn đề, ngành, nghề trọng tâm cần hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong ngắn hạn, trung hạn. Muốn đạt được mục tiêu này, công tác chỉ đạo điều hành thời gian tới cần có quyết sách mới, chủ động và linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt hai mục tiêu: Kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.

BÍCH NGÂN