Kinh tế Vĩnh Phúc: Khó khăn trong tăng trưởng

NDO -

Tự hào sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, kinh tế Vĩnh Phúc không chỉ thoát khỏi là một tỉnh thuần nông, mà còn vươn lên gia nhập danh sách các địa phương có đóng góp ngân sách cho T.Ư. Đặc biệt, ở thời kỳ hoàng kim, kinh tế Vĩnh Phúc luôn đạt mức tăng trưởng 16%-18%/năm, nhưng năm 2020, kinh tế Vĩnh Phúc đã sụt giảm mạnh, đối ngược với “hào quang” tăng trưởng nhiều năm qua.

Một góc Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Một góc Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Tăng trưởng sụt giảm

Là địa phương đầu tiên của cả nước chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với 12 ca lây nhiễm, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt triển khai hàng loạt các biện pháp, trong đó, tiến hành cách ly cả một đơn vị hành chính - xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên - nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sự tác động của nó có lẽ nằm ngoài tất cả các dự báo, kế hoạch của các chuyên gia kinh tế.

Năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn của kinh tế Vĩnh Phúc khi mà tăng trưởng năm 2020 chỉ ở mức 2,21% so năm 2019, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, đứng gần áp chót trong các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng. Một số nội dung quan trọng như thu ngân sách, thu hút đầu tư, đầu tư công… bộc lộ nhiều vấn đề nan giải.

Báo cáo sáu tháng đầu năm 2020 còn cho thấy, sự ảm đạm của kinh tế Vĩnh Phúc khi là một trong 12 địa phương của cả nước tăng trưởng âm (-2,7%). Trong ba ngành sản xuất, duy nhất nông - lâm - nghiệp và thủy sản tăng 1,02% so cùng kỳ năm 2019, còn lại ngành công nghiệp ‑ xây dựng, trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc giảm 5,24%, riêng công nghiệp giảm tới 6,59%, các ngành dịch vụ giảm hơn 4%...

Các số liệu thống kê những tháng cuối năm tuy có được cải thiện, nhưng không đủ sức kéo cả nền kinh tế vực dậy, do đó, Vĩnh Phúc là một trong tám địa phương không đạt dự toán thu ngân sách – một trong những chỉ số tự hào của tỉnh trong nhiều năm qua – chỉ đạt 85,8% kế hoạch và bằng 81,2% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, dấu hiệu bất ổn của kinh tế Vĩnh Phúc, sự thiếu bền vững cũng đã được dự đoán trước, thậm chí  đưa vào trong các báo cáo kinh tế xã hội và cả trong văn kiện đại hội nhưng tỉnh chưa quan tâm hoặc những chính sách được thực thi không hiệu quả, thiếu quyết tâm đã đem đến nhiều vấn đề cho nền kinh tế.

Trong nhiều năm qua, FDI luôn được coi như “quả đấm thép” giúp tỉnh vượt trội về công nghiệp, từ một tỉnh thuần nông, thu ngân sách năm 1997 chỉ đạt 100 tỷ đồng, tới nay Vĩnh Phúc đã có đóng góp về ngân sách T.Ư. Tất cả đều đến từ hai “người khổng lồ” là Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam, khi đóng góp tới khoảng 80% số thu ngân sách, chiếm phần lớn dữ liệu đầu vào về kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng của tỉnh.

Chính sự phụ thuộc này đã tạo ra sự phát triển không bền vững. Một trong số nhân tố dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Vĩnh Phúc là sản xuất công nghiệp ô-tô và xe máy, hai ngành này được coi là một trong những hàn thử biểu quan trọng nhất trong nhiều năm qua bởi sự đóng góp phần lớn vào ngân sách.

Tuy nhiên, động lực tăng trưởng này luôn trồi sụt do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, sự cạnh tranh của các thương hiệu ô-tô xe máy khác, cùng các chính sách vĩ mô thay đổi… khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất. Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng hai ngành này năm 2019 giảm 3,31% và 5,45%; năm 2020 lần lượt là 2,4 và 11,5%. Và khó lường hơn khi những yếu tố khách quan là thiên tai, dịch bệnh như đã từng xảy ra vào năm 2012 đã có tác động tiêu cực ngay đến kinh tế Vĩnh Phúc.

Năm 2012, Vĩnh Phúc có tốc độ tăng trưởng thấp nhất sau nhiều năm, chỉ đạt 2,52%, trong khi mục tiêu tăng là 11,5-12%, thu ngân sách chỉ đạt 12.696 tỷ đồng, giảm 24,1%. Các chỉ tiêu kinh tế đề ra đều giảm hoặc không đạt so kế hoạch. Những năm sau có được cải thiện, tuy vậy, vấn đề đổi mới với kinh tế Vĩnh Phúc không phải là tìm cách lấy lại đà tăng trưởng cao đã giúp tỉnh xác lập chỗ đứng trong bản đồ kinh tế Việt Nam mà tìm lối đi khác cho nền kinh tế, song đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Bên cạnh đó, là một tỉnh có số thu ngân sách lớn, nhưng có một điều nghịch lý là người dân Vĩnh Phúc chưa được thụ hưởng nhiều từ thành quả phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Vĩnh Phúc khá thấp so bình quân chung cả nước, ngay cả tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người cũng không đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (năm 2015) đề ra.

Mức độ chênh lệnh giữa thu nhập bình quân đầu người và GRDP đầu người khá cao, ngoài ra khi so sánh với các tỉnh, thành phố công nghiệp phát triển khác trong cả nước, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc cũng thua kém, đang bị tụt lại và có khoảng cách ngày càng lớn so với các địa phương phát triển.

Bài toán thu hẹp khoảng cách giữa thu nhập bình quân đầu người và GRDP bình quân đầu người; đồng thời, thu hẹp khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người so các địa phương khác đang là thách thức lớn đối với Vĩnh Phúc, cần giải quyết nếu không muốn trượt dài trên bảng xếp hạng về kinh tế của cả nước.

Kinh tế Vĩnh phúc: Khó khăn trong tăng trưởng -0
 Lắp rắp ô-tô tại Công ty Toyota Việt Nam, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Thu hút đầu tư giảm sút

Những nỗ lực thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc năm 2020 và trong suốt nhiều năm qua vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn cho thấy sự thành công. Tình trạng thiếu những dự án đầu tư “khủng” để bù lại những thiếu hụt trong cân đối ngành nghề không có, trong khi các dự án cũ tiếp tục bị đình trệ. Nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi Vĩnh Phúc, các lĩnh vực từ công nghiệp, điện tử, du lịch, nông nghiệp… đều chứng kiến dòng vốn thoát lui.

Cuối năm 2007, tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đầu tư và khởi công xây dựng khu công nghiệp Bá Thiện cho Dự án sản xuất máy tính xách tay với vốn đăng ký hơn 570 triệu USD giai đoạn I và sẽ nâng lên 1 - 1,5 tỷ USD trong các giai đoạn sau của Tập đoàn Compal.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông đón đầu với mong muốn tạo ra giá trị gia tăng mới nhưng dự án không thể triển khai đúng tiến độ. Sau nhiều năm, trong tổng số 13 dự án đã đăng ký đầu tư chỉ có một dự án đi vào hoạt động một cách cầm chừng. Chính vì thế, trong hai năm 2013, 2014, tỉnh đã phải thu hồi toàn bộ diện tích 325 ha.

Năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc Phúc cũng bãi bỏ quyết định giao chủ đầu tư và thu hồi Giấy chứng đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Chấn Hưng sau gần 20 năm chấp thuận chủ trương đầu tư, trải qua năm đời nhà đầu tư; thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư; đồng thời, bãi bỏ quyết định giao chủ đầu tư dự án và quyết định thành lập Khu công nghiệp (KCN) Tam Dương II - khu B của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Hai dự án này đều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng đã có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của dự án. Ngoài ra, còn một số dự án của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước cũng rút lui hoặc không triển khai được.

Trong năm 2020, thu hút đầu tư FDI và DDI đạt thấp so cùng kỳ, vốn FDI chỉ bằng 57,49%, vốn DDI chỉ bằng 49,54%. Dịch Covid-19 đã làm các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia; trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là thị trường truyền thống đã dừng triển khai tìm kiếm cơ hội mới. Còn các dự án đang thực hiện thì chưa tăng vốn vào thời điểm này.

Sự sụt giảm này cũng là một hồi chuông cảnh báo về mức độ tin cậy của Vĩnh Phúc. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể tóm gọn trong ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, vị trí địa lý là nhân tố, lợi thế chủ yếu để thu hút vốn đầu tư đã giảm do sự cạnh tranh của các địa phương lân cận khi hệ thống giao thông ngày càng thuận tiện.

Thứ hai, chi phí thuê đất và hạ tầng trong các khu công nghiệp cao hơn các tỉnh lân cận tạo ra mâu thuẫn về lợi ích giữa nhà đầu tư và địa phương.

Thứ ba, bộ máy hành chính còn thiếu hiệu quả làm mất đi sức hút đầu tư của tỉnh, bằng chứng qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tụt giảm qua từng năm. Xếp hạng PCI giảm dần: đứng thứ 6 (năm 2015), thứ 9 (năm 2016), thứ 12 (năm 2017), thứ 13 (năm 2018), thứ 17 (năm 2019).

Trong đó, một số chỉ số thành phần giảm mạnh cả về thứ hạng và điểm số như: Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số Tính minh bạch; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; Chỉ số cạnh tranh bình đẳng; Chỉ số Đào tạo lao động…

Kinh tế Vĩnh phúc: Khó khăn trong tăng trưởng -0
 Dây chuyền sản xuất xe máy Piaggio tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Đầu tư công không hoàn thành kế hoạch

Có thể nói, chưa có năm nào câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công trở nên quan trọng như trong năm 2020, vì đây là nguồn vốn góp phần tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Do đó, đầu tư công năm nay có sự khác biệt rất lớn so các năm trước, là nguồn vốn “mồi” để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19. Mặc dù đã đề ra những chương trình hành động cụ thể, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn không đạt kế hoạch đã đề ra.

Theo đó, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đạt 5.814,381 tỷ đồng, bằng 87,8% kế hoạch vốn đầu tư công do Chính phủ giao và bằng 45,6% kế hoạch vốn năm 2020 do địa phương giao, cụ thể: Giải ngân nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 chuyển sang thanh toán năm 2020 đến hết tháng 10-2020 đạt 1.595,818 tỷ đồng – bằng 44,5% so tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2019 chuyển sang thanh toán năm 2020. Giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020 đạt 4.218,562 tỷ đồng – bằng 63,7% kế hoạch vốn giao đầu năm và bằng 46,2% so kế hoạch vốn năm 2020 do địa phương giao.

Nguyên nhân việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp là do công tác quản lý đất đai tại địa phương yếu, kém dẫn đến nhiều vị trí không xác định được nguồn gốc đất, loại đất và quy chủ khó khăn dẫn đến kéo dài công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). 

Lực lượng làm công tác bồi thường GPMB tại các địa phương còn kém về trình độ năng lực, trong khi khối lượng cần bồi thường GPMB hiện nay là rất nhiều. Cán bộ có năng lực tại các ban quản lý chuyên ngành và khu vực còn ít, trong khi số dự án đang triển khai nhiều nên đã ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng hồ sơ dự án (không kiểm soát được dự án, phụ thuộc chính vào tư vấn và nhà thầu…

Trong khi đó, nhận thấy việc giải ngân vốn đầu tư chậm, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc  đã tổ chức yêu cầu các địa phương trong tỉnh ký cam kết hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành Chương trình hành động số 02, trong đó nêu rất rõ về mục tiêu đạt tỷ lệ 100%  kế hoạch đầu tư công. Đề cao vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân. Kết quả giải ngân đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi. Trường hợp không hoàn thành sẽ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, người đứng đầu và nếu kết quả giải ngân dưới 100% sẽ không xét thi thua hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan…

Những biện pháp, phương án, kế hoạch cần thiết đã triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn không đạt như kế hoạch đã đề ra.

2021 và những năm tiếp theo

Bước vào năm 2021 khi đã tổ chức thành công đại hội đảng bộ của tỉnh lần thứ 17, những chỉ tiêu, kế hoạch và nghị quyết đã được thông qua. Đây là cơ sở và  cũng là áp lực để cả hệ thống chính trị phải vận hành. Trong khi chưa thể mong đợi vào môi trường kinh tế toàn cầu khởi sắc bởi dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp thì lấy lại đà tăng trưởng sẽ là cú hích cho một nhiệm kỳ mới.

Trao đổi với về vấn đề này, đồng chí Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 thành công, ngày 19-10-2020, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trao giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án lớn của nhà đầu tư TOTO (Nhật Bản) với tổng giá trị 100 triệu USD tại KCN Thăng Long 3 nhân dịp Thủ tướng Nhật Bản sang thăm Việt Nam.

Tiếp đến, ngày 14-11-2020, trong sáng kiến thiết lập hệ thống Cảng cạn Logistisc Asean, Vĩnh Phúc tiếp tục được Chính phủ lựa chọn là địa phương duy nhất trong khối ASEAN mở màn trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Cảng cạn ICD-Vĩnh Phúc của Tập đoàn YCH HOLDING (Singapore) và Tập đoàn T&T (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư đăng ký 165 triệu USD.

Có thể nói, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng của Vĩnh Phúc thời gian qua là tất yếu và chắc chắn giai đoạn tới không thay đổi, FDI tiếp tục vẫn là động lực tăng trưởng chính của Vĩnh Phúc nhưng cần được chọn lọc với định hướng phát triển công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn.

Cùng với đó, tỉnh sẽ nghiên cứu và ban hành Chiến lược thu hút vốn đầu tư để tận dụng tốt làn sóng chuyển dịch đầu tư từ khu vực Đông Bắc Á vào ASEAN, trong đó có Việt Nam để thu hút các nhà đầu chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao.

Trong đầu tư công thay vì đầu tư dàn trải hàng trăm dự án, Vĩnh Phúc tập trung vốn cho các dự án hạ tầng tạo giá trị mới, như các trục đường chính nhằm mở ra không gian sống, vui chơi, kết nối với Hà Nội và các tỉnh lân cận, qua đó thu hút khách du lịch ở các tỉnh phía bắc; tăng tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch, dịch vụ; đồng thời tạo động lực mới để thu hút các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước vào đầu tư.

“Một trong những đột phát của Vĩnh Phúc những năm tới là hoàn thiện các cơ chế chính sách để tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Đây là hướng đi để Vĩnh Phúc thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thiếu bền vững, chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu”, đồng chí Lê Duy Thành chia sẻ.

Việc tháo gỡ các nút thắt bước đầu đã mang lại tín hiệu khả quan cho nền kinh tế nhưng còn quá sớm để nói về quá trình chuyển đổi thành công. Tuy nhiên qua những chuyển động này, cái đầu tiên thấy được đó chính là quyết tâm đổi mới của tỉnh Vĩnh Phúc, và hy vọng điều này sẽ đem lại bước ngoặt trong những năm tiếp theo.