Kinh tế Lào, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt

NDO -

NDĐT - Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho biết, những cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, làm ăn tại Lào trong thời gian tới là các lĩnh vực về năng lượng, nông nghiệp, kết nối giao thông và dịch vụ.

Kinh tế Lào, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt

Phát biểu trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Thực trạng, triển vọng kinh tế Lào và những tác động đến doanh nghiệp Việt Nam tại Lào” được Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (Viet-Lao BACI) tổ chức ngày 11-10 tại Thủ đô Vientiane.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cũng nhấn mạnh những yếu tố cơ chế, chính sách, quy hoạch sử dụng đất chưa hoàn thiện, mặt bằng lãi suất còn cao so với các nước trong khu vực, hạn chế lao động nước ngoài, quy định về vốn đăng ký kinh doanh cao, các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa đầy đủ, cụ thể.

Trình bày bài tham luận có nội dung “Tình hình chung trong quan hệ hợp tác Kinh tế Lào-Việt Nam kể từ đầu năm 2019 đến nay”, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamphoi Keokinnaly cũng đồng tình với Đại sứ Nguyễn Bá Hùng khi cho rằng, môi trường đầu tư và kinh doanh tại Lào hiện nay đang còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamphoi Keokinnaly cũng cho biết, Chính phủ Lào đã và đang đề ra một loạt chính sách nhằm tiếp tục thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế như điều chỉnh một số quy định dưới luật thuộc phạm vi Bộ luật Khuyến khích đầu tư (bản sửa đổi), ban hành một số chính sách về khuyến khích công nghệ và đổi mới, phát triển tài nguyên con người và đầu tư vào đặc khu kinh tế.

Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, Thứ trưởng Khamphoi Keokinnaly đánh giá đa số các công ty và dự án hợp tác chung đang hoạt động ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Lào, đặc biệt đã tạo được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân Lào và đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước Lào mỗi năm.

Theo đó, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào nêu tên một số doanh nghiệp Việt điển hình như Công ty Star Telecom - Công ty viễn thông liên doanh giữa Việt Nam và Lào, Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietBank), Sacombank, VietinBank Lào, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Crowne Plaza.

Nhằm tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào, đầu tháng 10-2019, Thủ tướng Lào Thongloun Sisulith đã có các cuộc gặp với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chưa có đầu tư vào Lào.

Theo số liệu của phía Lào đưa ra, từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào Lào 413 dự án, trị giá 4,1 tỷ USD, xếp thứ ba trong 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Riêng 8 tháng đầu năm nay, giá trị thương mại hai chiều Lào -Việt nam đạt hơn 748 triệu USD, tăng 14.07% so cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng chính mà hai nước nhập khẩu lẫn nhau là ngô, quặng, sản phẩm gỗ, điện, kim loại, nhiên liệu, hàng may mặc, giấy, sắt, máy móc cơ khí, phụ tùng.