Hưng Yên quyết tâm giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

NDO -

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã giành được thắng lợi kép, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, kinh tế tăng trưởng khá cao, đứng trong tốp đầu của cả nước; quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội đã đề ra.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất lắp ráp điều hòa của CTCP Daikin Việt Nam, KCN Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất lắp ráp điều hòa của CTCP Daikin Việt Nam, KCN Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên.

Theo Cục Thông kê tỉnh Hưng Yên, sáu tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 6,83% so cùng kỳ năm 2019. Điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm của tỉnh Hưng Yên đến từ khu vực sản xuất công nghiệp - xây dựng, đóng góp tới 74,89% tăng trưởng, trong đó, riêng công nghiệp đóng góp tới 67,41% tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng GRDP sáu tháng đầu năm 2020 của tỉnh Hưng Yên vẫn tăng trưởng khá do: Sản xuất nông nghiệp, thủy sản phát triển tương đối ổn định, mức tăng hơn 1,8%. Các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu do thị trường nội địa cung cấp, đầu ra tiêu thụ trong nước là chính. Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, 100 số xã công bố hết dịch; giá thịt lợn hơi cao, tạo tâm lý tốt cho người chăn nuôi tái đàn, tổng đàn lợn tăng nhanh; nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì và phát triển theo hướng thâm canh. Nông dân tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao; trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi, trồng được 9.700 ha cây có giá trị kinh tế cao, chủ yếu là cây ăn quả.

Ngành công nghiệp tăng trưởng 8,93%, đóng góp 4,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Trong đó, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 8,76%. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hưng Yên có thêm 530 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 4.520 tỷ đồng; có 110 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; trong khi đó, chỉ có 200 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, 60 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Đến nay, toàn tỉnh có 11.990 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, với số vốn đầu tư đăng ký là 119.665 tỷ đồng. Hưng Yên tiếp tục thu hút 27 dự án trong và ngoài nước đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.200 tỷ đồng và hơn 195 triệu USD; nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.939 dự án (có 1.459 dự án đầu tư trong nước và 480 dự án đầu tư nước ngoài), tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương hơn 10 tỷ USD.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ đánh giá, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" trong sáu tháng đầu năm 2020: Không để dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn tỉnh và tiếp tục duy trì phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực; GRDP tăng trưởng cao nhất trong số các địa phương vùng Thủ đô, đứng thứ 2 trong số các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ tư toàn quốc.

Điểm nổi bật, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020, ba khu công nghiệp (KCN) thuộc Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên: KCN sạch, diện tích 143 ha; KCN số 3, diện tích 159 ha; KCN số 1, diện tích 263 ha; nâng tổng diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được quy hoạch hơn 3.000 ha; có thêm sáu cụm công nghiệp (CCN) được thành lập; hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển. Đây là tiền đề, tạo cơ hội cho tỉnh Hưng Yên đón làn sóng đầu tư quốc tế vào tỉnh, tạo sự phát triển bứt về kinh tế trong những năm tới.

 Dịch Covid-19 vẫn còn là ẩn họa khó lường. Tình hình kinh tế - xã hội phát triển khó khăn, kinh tế thế giới suy giảm, với tinh thần và quyết tâm giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Hưng Yên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo: Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã nêu trong Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 2-12-2019 của Tỉnh ủy Hưng Yên, nghị quyết của HĐND tỉnh, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; nhất là tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Thông báo số 188/TB-VPCP ngày 23-5-2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, ngày 24-4-2020. Tiếp tục chú trọng công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và sát thực tế tình hình của tỉnh, tạo điều kiện và tranh thủ tối đa để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội.

Rà soát và tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các chương trình, đề án về lĩnh vực nông nghiệp để đạt mục tiêu đã đề ra cho năm 2020; tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn đổi mới mô hình tổ chức sản xuất; tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại tổng hợp và an toàn, xây dựng thương hiệu hàng hóa, phát triển hệ thống cung ứng kết nối hiệu quả với thị trường vùng Thủ đô; trước mắt, trong những tháng tới tăng cường nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nhãn và một số sản phẩm cây, con khác.

Tiếp tục rà soát, xử lý vi phạm xây dựng trái phép trên đất canh tác, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hành lang lưới điện cao áp, không để phát sinh vi phạm mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; các huyện chưa được công nhận huyện nông thôn mới khẩn trương rà soát, tập trung cao độ thực hiện các nội dung, bảo đảm hoàn thành 100% cấp huyện đạt nông thôn mới, Hưng Yên trở thành tỉnh nông thôn mới năm 2020.

Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi thiết thực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng các KCN, CCN, tăng cường thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp và đổi mới công nghệ và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đóng góp  tích cực vào ngân sách nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng đang thực hiện. Triển khai thực hiện theo các bước để đầu tư xây dựng hạ tầng ba khu công nghiệp tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Lý Thường Kiệt, chuẩn bị mặt bằng chủ động tiếp nhận làn sóng dịch chuyển nhà máy và công nghệ tiên tiến từ quốc gia phát triển đến đầu tư xây dựng nhà máy ở nước ta.

Quản lý chặt chẽ chi ngân sách, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường đôn đốc thu, kiên quyết chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Có biện pháp linh hoạt và hiệu quả, bảo đảm thu ngân sách đạt mục tiêu đề ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay. Tăng cường các biện pháp quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. Tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển trong bối cảnh phòng ngừa dịch Covid-19.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, tập trung xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bảo vệ môi trường ở đô thị, nông thôn và các khu vực có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động.