Đời sống - kinh tế

Hàng không sắp cạn tiền dù kinh tế khởi sắc

Các hãng hàng không toàn cầu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tiền mặt vì không thể tạo ra doanh thu nhưng mỗi phút vẫn “đốt” 300 nghìn USD để cầm cự, chờ thị trường phục hồi. Có thể nói dịch Covid-19 đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không thế giới vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 100 năm thành lập.

Hồi chuông cảnh báo thứ hai của IATA

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa gióng thêm hồi chuông cảnh báo khi các chương trình hỗ trợ ban đầu của Chính phủ cho các hãng hàng không đang dần cạn kiệt, nhưng cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đối với ngành hàng không quốc tế vượt xa mọi dự báo.

Theo IATA, bất chấp việc khai thác lại đang được khởi động, ngành hàng không sẽ “đốt” khoảng 77 tỷ USD tiền mặt trong nửa cuối năm 2020, tương đương với gần 13 tỷ USD/tháng hoặc 300 nghìn USD/phút. Mức thiệt hại có thể giảm nhẹ hơn vào năm 2021 nhưng cũng khiến các hãng hàng không phải chi tiêu trung bình từ 5 đến 6 tỷ USD/tháng.

Trước tình trạng này, IATA kêu gọi các chính phủ tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không trong mùa đông tới bằng các biện pháp cứu trợ bổ sung, bao gồm hỗ trợ tài chính mà không tăng thêm nợ vào bảng nợ vốn đã rất cao.

Tổng Giám đốc IATA, ông A.Giuy-ni-ắc (Alexandre de Juniac) lo ngại, nếu các chương trình hỗ trợ không được thay thế hoặc mở rộng, hậu quả đối với ngành công nghiệp vận tải hàng không sẽ rất thảm khốc. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, các chính phủ trên thế giới đã chi tổng cộng khoảng 160 tỷ USD hỗ trợ cho ngành này dưới các hình thức viện trợ trực tiếp, trợ cấp tiền lương, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), giảm thuế nhiên liệu bay và thuế dịch vụ liên quan. Chương trình hỗ trợ nhắm đến hãng hàng không quốc gia như: Lufthansa (Đức) nhận được gói cứu trợ trị giá 10,2 tỷ USD từ quỹ bình ổn kinh tế và bảo lãnh Chính phủ; gói hỗ trợ trị giá 15 tỷ euro từ các chính phủ Pháp, Hà Lan và Ủy ban châu Âu cũng đã đến tay Air France và KLM… Ở khu vực châu Á, Singapore Airlines được chính phủ bảo lãnh bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi ước tính khoảng 10,5 tỷ USD, Chính phủ Thái-lan đồng ý với kế hoạch tái cấu trúc Thai Airways trong khi Chính phủ Ô-xtrây-li-a cam kết sẽ gia hạn gói cứu trợ tài chính cho các hãng hàng không nội địa thêm bốn tháng, sau khi đã chi 150 triệu AUD cho gói cứu trợ đầu tiên vào tháng 4.

Mặc dù đã sử dụng tất cả các biện pháp để cắt giảm hơn 50% chi phí nhưng riêng trong quý II-2020, hàng không thế giới đã mất 51 tỷ USD tiền mặt vì doanh thu sụt giảm tới 80% so cùng kỳ. Ngay cả mùa cao điểm hè vừa qua, các hãng cũng không thể có tích lũy tài chính từ gia tăng sản lượng vận chuyển như thông lệ hằng năm, do vận tải hành khách và hàng hóa chưa phục hồi. Những báo cáo cập nhật hằng tuần của IATA cho thấy, tương lai của ngành hàng không thế giới tiếp tục xấu đi và dự kiến khó chuyển biến khả quan cho đến năm 2022.

Các hãng hàng không Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, dù có lợi thế về tốc độ tăng trưởng vận tải cao duy trì liên tục nhiều năm qua và quy mô thị trường nội địa. Trong một báo cáo đưa ra giữa năm 2020, IATA đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức lỗ tới 29 tỷ USD. Riêng các hãng hàng không Việt Nam mất khoảng bốn tỷ USD doanh thu. Số liệu về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, trong toàn ngành vận tải, sản lượng vận chuyển hành khách giảm 29,6%, vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so cùng kỳ năm 2019 nhưng ở ngành hàng không, mức sụt giảm sản lượng vận tải hành khách lên đến 45,5%, còn sản lượng vận tải hàng hóa giảm 39,4%.

DN hàng không cũng nằm trong tốp đầu về cắt giảm lao động với mức sụt giảm lao động 30,4%, gần gấp hai lần so với mức sụt giảm của các ngành cắt giảm nhiều việc làm như hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; ăn uống; xây dựng… DN quy mô lớn, chi phí cố định nhiều thì tổn thất do dịch Covid-19 gây ra càng lớn. 

Cần quyết sách nhanh cho hàng không trong nước

Cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) mới đây bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ vì báo cáo tài chính bán niên ghi nhận lỗ sau thuế gần 6.700 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Nợ vay/vốn chủ sở hữu cuối năm nay của VNA có thể dâng lên mức hơn 14 lần cho dù hãng đã thực hiện tất cả các biện pháp cắt giảm chi phí. Là DN nhà nước nắm hơn 86% cổ phần, khả năng hoạt động liên tục của VNA phụ thuộc sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ, cũng như việc được gia hạn thanh toán các khoản vay phải trả từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp và diễn biến của dịch bệnh. 

Trong thực tế, các chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không Việt Nam đã được ban hành và có hiệu lực từ tháng 3 nhưng chưa phát huy nhiều tác dụng do thời gian thực hiện ngắn và quy mô quá nhỏ so với mức thiệt hại chưa từng có.

Đơn cử, chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa và quy định mức giá tối thiểu 0 đồng đối với tám dịch vụ hàng không chỉ được áp dụng từ ngày 1-3 đến hết 30-9-2020. Chính sách giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng chỉ áp dụng từ ngày 1-8 tới hết 31-12-2020…

TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, so với các nước, chính sách hỗ trợ của chúng ta quá ít, quá ngắn và quá chậm. Kinh tế Việt Nam tuy có khởi sắc từ quý III nhưng dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến khó lường. Nếu các hãng hàng không nội địa phục hồi và kinh doanh có lãi trong thời gian tới nhờ vào khả năng kiềm chế dịch bệnh tốt cũng chỉ có tác dụng bù đắp một phần số lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng phát sinh từ đầu năm.

Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã đệ trình một gói hỗ trợ chung để cứu thanh khoản, giúp các hãng hàng không duy trì sản xuất, kinh doanh, không để chủ nợ gây khó khăn.

Đối với VNA, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng cho VNA, bao gồm cho vay cấp bù lãi suất 4.000 tỷ đồng thông qua ngân hàng thương mại và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ đồng. Trong đó đề xuất phương án cụ thể báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để tháo gỡ hai nội dung chính về tính pháp lý trong phát hành cổ phiếu cho số cổ đông hiện hữu và thời hạn tái cấp vốn sau khi tổ chức tín dụng cho vay. Căn cứ vào đó, VNA xây dựng phương án tổng thể như cơ cấu lại tài sản, vốn, mua sắm, thanh lý tài sản, thoái vốn…, làm cơ sở để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia đầu tư vào VNA bảo đảm đúng quy định của pháp luật.