Hải Phòng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn

TP Hải Phòng đang huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nên sức bật mới cho khu vực ngoại thành của thành phố Cảng.

Hệ thống đường giao thông nông thôn ở xã Lê Lợi, huyện An Dương (TP Hải Phòng) được bê-tông hóa. Ảnh: THANH LÂM
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở xã Lê Lợi, huyện An Dương (TP Hải Phòng) được bê-tông hóa. Ảnh: THANH LÂM

Từ năm 2013 đến nay, thành phố xây dựng hơn 30 nghìn đoạn, tuyến đường giao thông; trong đó, nhân dân đóng góp hơn một nghìn tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động, hiến 4.148.855 m2 đất. Thành phố cũng đã xây mới nhiều công trình trường học, nhà văn hóa, chợ nông thôn, nhà máy nước mi-ni... Cùng với đó, các hạng mục hạ tầng luôn được cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Sự thay đổi về cơ sở hạ tầng và văn hóa xã hội đã tác động tích cực đến đời sống của nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đạt 50,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,6%.

Hải Phòng phấn đấu đến hết năm 2025, có bốn huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 2 đến 2,5 lần so với năm 2020. Thời gian tới, thành phố tiếp tục huy động các nguồn vốn để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây được xác định là những giải pháp đột phá của TP Hải Phòng nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra.

* Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các sở, ngành chức năng đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo. Nhiều đơn vị quan tâm tổ chức hội nghị xúc tiến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các nhà trường chú trọng việc cung cấp thông tin về thị trường lao động cho phụ huynh, học sinh và người lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp cùng UBND xã, đoàn thể và doanh nghiệp, tăng cường hoạt động tư vấn học nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là thanh niên, học sinh trung học phổ thông đã nghỉ học… Qua đó, đã giúp học sinh, sinh viên, người lao động trong tỉnh tìm được ngành nghề học phù hợp. Năm 2019, toàn tỉnh Tiền Giang đã tuyển sinh, đào tạo 12.090 học sinh, sinh viên; trong đó có 1.180 em đạt trình độ cao đẳng nghề, 1.910 em đạt trình độ trung cấp nghề, 9.000 học viên trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới ba tháng.

Thời gian tới, tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, dựa trên định hướng phát triển của nhà trường, nhu cầu của người học và thị trường lao động để sắp xếp hợp lý ngành nghề đào tạo, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Tỉnh cũng hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo định hướng phát triển của nhà trường và yêu cầu của địa phương, đặc biệt là kỹ năng nghề, công nghệ thông tin và ngoại ngữ.