Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines

NDO -

"Nếu không có biện pháp mạnh và kịp thời, Vietnam Airlines có thể lỗ 20 nghìn tỷ đồng” – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành chia sẻ.

(Ảnh minh họa: VNA)
(Ảnh minh họa: VNA)

Tọa đàm “Chủ sở hữu Nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19, trường hợp VNA” do Tổ tư vấn tổ chức vừa qua.

VNA đã trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12 nghìn tỷ đồng

Cập nhật tình hình hoạt động của VNA, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho biết, từ chỗ chỉ khai thác 3 chuyến bay/ngày trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, đến nay, VNA đã khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa, bổ sung thêm 18 đường bay mới và đưa vào khai thác toàn bộ 106 máy bay hiện có.

Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng vận chuyển khách mới chỉ đạt 84% doanh thu chỉ bằng 46% do các hãng hàng không đều bán vé giá rất thấp để kích cầu.

VNA dự báo thị trường nội địa đang phục hồi rất nhanh, có thể quay về mức tăng trưởng tốt như trước đây vào năm 2021 nhưng thị trường quốc tế sẽ phục hồi chậm hơn từ 1 đến 2 năm, tùy thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh của các nước.

“Doanh thu một đường bay châu Âu gấp hơn 10 lần nội địa nên sản lượng gốc của VNA vẫn giảm 53% so với cùng kỳ vì chưa thể bay quốc tế. Dự kiến năm 2020, doanh thu cả hàng hóa và hành khách từ 100 nghìn tỷ đồng giảm xuống còn 50 nghìn tỷ đồng, nếu không có biện pháp mạnh và kịp thời, VNA có thể lỗ 20 nghìn tỷ đồng” – ông Dương Trí Thành chia sẻ.

“Trước tình thế này, VNA đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp giảm chi phí cố định, qua đó, dòng tiền thâm hụt dự kiến giảm xuống khoảng 16 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn cao hơn vốn điều lệ, khiến DN có thể rơi vào tình trạng suy kiệt từ tháng 8-2020. Để bù đắp thanh khoản, VNA đã trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khoảng 12.000 tỷ đồng”, ông Thành nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn, nhiều quốc gia trên thế giới đều xác định hàng không là “điểm chốt” đầu tiên để Chính phủ phải đổ tiền vực dậy để qua đó cứu cả nền kinh tế, vì theo tính toán của Hiệp hội hàng không thế giới (IATA), một việc làm tại hãng hàng không tạo ra 24 việc làm trong các ngành nghề liên quan khác.

Tính đến tháng 5-2020, tổng gói hỗ trợ về tài chính của các chính phủ trên thế giới cho các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không quốc gia, đã lên tới 123 tỷ USD thông qua vai trò quản lý nhà nước như: Trợ cấp trả lương lao động, khuyến khích bay; miễn giảm thuế, phí; điều tiết về tần suất/hãng khai thác, ban hành giá sàn.

Đồng thời hỗ trợ với vai trò chủ sở hữu như: Cho vay trực tiếp từ ngân sách quốc gia, tăng vốn chủ sở hữu thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm, thực hiện quốc hữu hóa, tăng nắm quyền điều hành trên cơ sở đầu tư thêm vốn trực tiếp vào DN.

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ đã kịp thời ban hành một số chính sách hỗ trợ chung cho các DN hàng không về thuế, phí… Nhưng ở vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn góp tại VNA, các giải pháp mới được xem xét khởi động, chưa có những kết quả cụ thể. 

“Dư luận có thể đặt câu hỏi cứu VNA, còn các hãng hàng không khác thì sao? Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, các chính phủ vừa đóng vai trò là quản lý nhà nước, định hình sân chơi công bằng, minh bạch cho tất cả loại hình DN cùng phát triển vừa đảm nhận chức năng chủ sở hữu đối với các khoản đầu tư tại các DN cổ phần.” – TS Nguyễn Đình Cung giải thích.

“Vừa qua, Chính phủ đã có các giải pháp hỗ trợ chung cho các hãng hàng không Việt Nam thông qua vai trò là người quản lý nhà nước, còn việc Chính phủ hỗ trợ thanh khoản cho VNA là hành động với vai trò của nhà đầu tư, là trách nhiệm của chủ sở hữu. Không nên nhầm lẫn giữa hai vai trò này.” – TS Cung nhấn mạnh.

“Hơn nữa, đến nay, VNA là hãng duy nhất có số liệu đầy đủ và minh bạch về tác động của dịch Covid-19, trong đó nêu cụ thể về phương án đối phó, kết quả đạt được và đề xuất những vấn đề ngoài tầm trách nhiệm của DN”, ông Cung nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhà nước không đủ nguồn lực để cứu tất cả nên phải chọn hỗ trợ những DN trọng điểm để qua đó cứu cả ngành, cả nền kinh tế.

“Từ vai trò của VNA có thể thấy được nếu hãng hàng không quốc gia phục hồi thì ngành du lịch và nền kinh tế đều phục hồi trông thấy. Hơn nữa, Chính phủ cứu VNA còn vì trách nhiệm chủ sở hữu vốn nhà nước, không phải cơ chế ‘xin-cho’. Giải pháp trong tình thế này không chỉ áp dụng riêng cho VNA mà là cách tiếp cận để đối phó với tình huống trong nền kinh tế hiện đại”, ông Thiên nói.

Thẩm quyền quyết định và nguồn vốn ứng cứu

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn cho biết, Chính phủ đã giao các bộ ngành nghiên cứu bốn nhóm giải pháp lớn tháo gỡ khó khăn cho VNA.

Đó là các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay bắc cầu, trong đó cho phép Ngân hàng nhà nước trích lập dự phòng rủi ro xử lý khoản nợ tái cấp vốn theo quyết định; cấp bảo lãnh tín dụng để các TCTD cho VNA vay vượt hạn mức; đề xuất Quốc hội cho phép phát hành cổ phiếu tăng vốn; nội bộ VNA giảm phần trích khấu hao, phân bổ bảo dưỡng và chưa nộp khoản thu cổ phần hóa còn lại về các quỹ.

“Các phương án này đều đã thực hiện ở một số trường hợp nguy cấp và phát huy tác dụng”, ông Kiên nói.

Bàn về các giải pháp trên, ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết có rất nhiều nút thắt cần tháo gỡ để SCIC đầu tư vào VNA.

Cụ thể, nếu là đầu tư tài chính thông thường, thời gian thực hiện cần sáu đến chín tháng, không đáp ứng được tính cấp bách.

Nếu VNA tăng vốn theo phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, phải xin chủ trương của Quốc hội vì theo quy định của Luật Chứng khoán, DN phát hành phải có lãi theo báo cáo tài chính quý gần nhất.

Quan trọng hơn, đến thời điểm này chưa dự báo được điểm phục hồi của thị trường hàng không nói chung và VNA nói riêng nên SCIC đầu tư vào VNA không thể bảo đảm nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn như quy định tại Luật số 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN… 

Đó là chưa kể, VNA cũng không thuộc danh mục ngành nghề nhà nước đầu tư vốn. Từ thực tế này, vị đại diện SCIC cho biết DN có thể tham dự với tư cách nhà đầu tư Chính phủ nhưng cần có cơ chế đặc thù để miễn trừ trách nhiệm trong điều kiện không bảo đảm được nguyên tắc bảo toàn vốn. 

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn Vũ Bằng đưa ra phương án khả thi: VNA phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu có những điểm vướng mắc pháp lý nhưng còn một cách khác là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho SCIC theo sự ủy quyền của nhà nước.

“Như vậy không bị vướng yêu cầu DN phải có lãi và chỉ cần xin ý kiến Đại hội cổ đông. Hoặc VNA cũng có thể phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi cho SCIC, được Nhà nước chỉ định” – ông Vũ Bằng giải thích.

“Trường hợp VNA phục hồi tốt, nhà nước có thể chuyển trước hạn, nếu tại thời điểm chuyển đổi, giá cổ phiếu thấp khiến khoản đầu tư của nhà nước bị lỗ thì có thể chuyển thành khoản vay với lãi suất thấp…Nhà nước cũng có thể bán quyền mua chuyển đổi mà vẫn giữ về tỷ lệ sở hữu tại VNA” – ông Vũ Bằng nói.

Còn theo TS Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc hỗ trợ thanh khoản trong ngắn hạn cho VNA hay hỗ trợ đầu tư dài hạn là vấn đề rất khó vì phải giải quyết dưới góc độ tài chính.

Phải làm rõ các vấn đề kỹ thuật tài chính để từ đó xác định thẩm quyền của người ra quyết định cũng như nguồn lực để thực hiện cho các phương án được ban hành.

“Tình trạng cấp bách của VNA đã rõ nhưng để có đủ luận cứ ra quyết định hỗ trợ VNA, cần dự báo cho được bảng cân đối tài chính DN, cân đối thu-chi, đưa ra các thời điểm phục hồi thị trường, tính toán điểm hòa vốn… nhằm đảm bảo mọi giải pháp đều phải rất khả thi” - TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Các ý kiến phân tích đều thống nhất quan điểm nguồn lực của Chính phủ có hạn, không thể hỗ trợ dàn trải nên việc lựa chọn ưu tiên trong danh sách giải cứu là cần thiết, trong đó VNA là “điểm chốt” đầu tiên.

Tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA) cần thực hiện theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và triển khai nhanh, không chỉ theo các khung pháp lý và quy định sẵn có. Các giải pháp phải vừa đảm bảo tính khả thi, vừa không tạo áp lực cân đối thu-chi trong tương lai cho DN.