Gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế

Lần đầu tiên, chủ trương hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Có thể thấy, đây là thời điểm chín muồi để bắt đầu gây dựng “sếu đầu đàn” - những doanh nghiệp (DN) lớn, đóng vai trò dẫn dắt lực lượng DN cùng tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ trong 25 năm tới, để Việt Nam vẽ nên một chân dung mới, hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển và rút ngắn khoảng cách với các cường quốc trên thế giới.

Dây chuyền hàn tự động của Nhà máy Thaco Mazda.
Dây chuyền hàn tự động của Nhà máy Thaco Mazda.

Bài 1: Những “cánh chim lẻ loi”

Những DN lớn thường được ví như con “sếu đầu đàn”, hoặc là đầu tàu, kéo theo cộng đồng DN cũng như cả nền kinh tế cùng tiến lên phía trước. Thực tế, không ít DN lớn cả tư nhân và Nhà nước của Việt Nam đã và đang trở thành động lực phát triển chính của một số ngành, lĩnh vực, địa phương. Tuy nhiên, do số lượng các DN còn quá ít, vẫn chưa thể tạo đủ động lực để có sức kéo nền kinh tế phát triển nhanh như kỳ vọng.

Xương rồng và ô-tô

Trước khi được thành lập năm 2003, Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) vốn là vùng đất mênh mông cát trắng, khô cằn, quanh năm đón nắng và gió. Ở đây, chỉ thấy toàn một loài cây xương rồng vì nó mới có thể sống và thích nghi với điều kiện khắc nghiệt như vậy. Thậm chí, xương rồng còn trở thành món ăn cứu đói cho người dân mỗi khi lâm vào cảnh mất mùa, túng thiếu. Nhưng giờ đây, những cánh đồng xương rồng gần như hoàn toàn biến mất khỏi Chu Lai. Thay vào đó là những khu dân cư bám dọc theo các trục đường lớn, những nhà máy, công trình đồ sộ và hơn tất cả là “cánh đồng ô-tô” - bãi chứa hàng nghìn chiếc ô-tô của những thương hiệu nổi tiếng đang chờ để xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Sau gần 20 năm, ô-tô đã thay thế xương rồng “mọc kín” khắp Khu kinh tế mở Chu Lai.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Núi Thành (Quảng Nam), Trương Công Vũ nhìn trẻ hơn nhiều so với số tuổi 35. Có lẽ bởi Vũ may mắn không phải sống cuộc đời lam lũ với những nghề “truyền thống” của quê nhà: Làm ruộng, đánh cá hoặc ly hương vào nam, ra bắc kiếm kế sinh nhai. Vừa tốt nghiệp phổ thông là lúc Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải (THACO) tuyển những nhân sự đầu tiên làm việc ở Khu công nghiệp THACO Chu Lai (nằm trong Khu kinh tế mở), Vũ đăng ký rồi trở thành công nhân cơ khí sau 18 tháng học nghề. Gắn bó 18 năm với THACO ở nhiều vị trí, đến nay, Trương Công Vũ đã trở thành “cây sáng kiến”, Tổ trưởng tổ sản xuất thuộc Tổ hợp Cơ khí xây dựng, 5 năm liền đạt danh hiệu xuất sắc. Nói chuyện với chúng tôi bên lề cuộc hội thảo phổ biến kiến thức về Luật Lao động được tổ chức ngay tại khu công nghiệp, Vũ hồ hởi kể: Năm vừa rồi, tổ em đạt danh hiệu xuất sắc, được thưởng sáu tháng lương. Làm công nhân ở THACO như bọn em được hưởng các chính sách đãi ngộ tốt, thu nhập ổn định, đủ tích cóp xây  dựng nhà cửa khang trang, mua sắm xe cộ, bảo đảm mức sống khá. Em thấy mình may mắn hơn rất nhiều người đồng trang lứa vẫn đang chật vật lăn lộn ngoài kia kiếm ăn từng ngày. Cả gia đình Vũ có tám người đang làm việc cho THACO và ở huyện Núi Thành này cũng có hàng trăm gia đình như vậy. Lứa thanh niên như Vũ làm công việc đứng dây chuyền sản xuất, thu nhập bình quân  xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng; những người đứng tuổi được bố trí làm bảo vệ, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên khu công nghiệp,… đồng lương tuy thấp hơn nhưng vẫn ổn định và khá hơn đi làm các công việc khác, quan trọng hơn là tạo nên sự gắn kết bền chặt của DN với đời sống kinh tế - xã hội địa phương. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, kỳ tích thoát nghèo của tỉnh có sự đóng góp rất quan trọng của các DN nói chung và của THACO nói riêng. Khi mới tách tỉnh, Quảng Nam có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ hai cả nước chỉ sau Bắc Kạn. Nhưng nhờ chính sách thu hút đầu tư có trọng điểm, sự đồng hành của bộ máy công quyền với hoạt động của DN, đến nay, Quảng Nam đã tự cân đối thu chi và có điều tiết ngân sách về T.Ư. Trong đó, đóng góp của THACO vào ngân sách tỉnh cũng như tỷ lệ giải quyết việc làm cho người lao động luôn ở mức hơn 60%. “THACO là một minh chứng cho thấy phải đặt niềm tin vào khát vọng của DN, đừng thấy lúc đầu họ nhỏ bé mà nghĩ không làm được chuyện lớn”, ông Lê Trí Thanh chia sẻ. Ngược thời gian hơn 20 năm trước, quyết định đầu tư vào Chu Lai của doanh nhân Trần Bá Dương từng bị nhiều người xem là “điên rồ”. Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của THACO Nguyễn Quang Bảo nhớ lại: Năm 2003, anh Trần Bá Dương quyết định đầu tư, xây dựng nhà máy ô-tô tại Chu Lai với quyết tâm phát triển thành DN sản xuất ô-tô quy mô lớn của đất nước cũng như trong khu vực. Thời điểm đó, mọi người ai cũng băn khoăn e ngại vì vùng đất này chính là điển hình “ba không” đối với công nghiệp ô-tô: không cơ sở vật chất, không hạ tầng giao thông và không có nguồn nhân lực. Đi lên từ số không, những trở lực đó giờ đã biến thành thế mạnh của ô-tô Trường Hải. Không có nguồn nhân lực, công ty chủ trương tự đào tạo, thậm chí thành lập trường đào tạo tại chỗ, huy động nguồn nhân lực sẵn có của địa phương. Nhờ đó, THACO hiện có trong tay đội ngũ hàng nghìn kỹ sư, thợ cơ khí tay nghề cao và quan trọng hơn là sẵn sàng gắn bó lâu dài với công ty. Song song với đó, THACO cũng đầu tư mạnh mẽ xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng trong phân khu công nghiệp cơ khí và ô-tô (diện tích 325 ha) hiện có tới bảy nhà máy sản xuất lắp ráp ô-tô, 11 nhà máy linh kiện phụ tùng và chín nhà máy, công ty thuộc khối cơ khí. Khu vực cảng và hậu cần cảng (diện tích 140 ha) là nơi cung ứng chuỗi dịch vụ logistics trọn gói từ vận tải đường bộ, vận tải biển, dịch vụ cảng, kho bãi để phục vụ vận chuyển hàng hóa cho THACO và các DN tại Khu kinh tế mở Chu Lai cũng như khu vực miền trung. Cảng Chu Lai có công suất ba triệu tấn/năm; cầu cảng dài 471 m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc ba tàu có trọng tải đến 20 nghìn tấn vào làm hàng. Bên cạnh các tuyến vận chuyển nội địa, Cảng Chu Lai còn khai thác các tuyến vận tải quốc tế đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và ngược lại. 

Cấu trúc bất thường

Tôi vẫn ấn tượng với câu chuyện của ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kể tại một cuộc hội thảo khoảng mười năm về trước, với tâm trạng khá ngậm ngùi. Khi đó, nền kinh tế nước ta còn chưa hội nhập sâu rộng, VCCI thường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở một số thị trường quốc tế, giúp DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội vươn ra biển lớn. Nhân dịp tháp tùng chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao tại nước láng giềng, bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn nhất thời bấy giờ đã tha thiết đề nghị VCCI bố trí một cuộc làm việc với ngân hàng cấp địa phương của nước bạn để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Sau nhiều lần thu xếp, buổi làm việc cũng được tổ chức nhưng chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút do phía bạn ngay lập tức từ chối hợp tác khi biết quy mô cả bốn ngân hàng của ta cộng lại vẫn quá nhỏ so quy mô của họ. Rõ ràng, trong hợp tác kinh doanh, yếu tố “môn đăng hộ đối” có ý nghĩa hết sức quan trọng, những “người khổng lồ” không bao giờ đứng ngang hàng với “người tí hon”. Hồi tháng 4 vừa qua, Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021, Việt Nam đã có sáu doanh nhân lọt trong tốp những người giàu nhất thế giới. Sáu doanh nhân này gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Hãng hàng không VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Dù vậy, nhưng theo đánh giá chung, những DN lớn của Việt Nam, không phân biệt thành phần kinh tế, vẫn chỉ là những “cánh chim lẻ loi” và cũng chưa thật sự đủ sức trở thành trụ cột tạo ra bước phát triển thần kỳ của đất nước. 

Tính đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 810.000 DN, nhưng số liệu từ Sách trắng DN Việt Nam năm 2020 cho thấy, số lượng DN lớn chỉ chiếm 2,8%, DN vừa chiếm 3,5%, còn lại 93,7% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Năm 2018, quy mô vốn hóa  trung bình của các công ty niêm yết Việt Nam mới đạt 186 triệu USD, trong khi con số tương đương tại Phi-li-pin là 1,2 tỷ USD, tại Xin-ga-po là 1,07 tỷ USD, tại Thái-lan là 835 triệu USD,… Đến cuối năm 2020, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng Việt Nam mới chỉ có 23 DN đạt mức vốn hóa hơn một tỷ USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư gọi đây là “cấu trúc bất thường” của DN Việt Nam khi so sánh với cấu trúc DN của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc. Đáng lo ngại, khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ hiệu quả hoạt động kém, hiệu suất sử dụng lao động có xu hướng giảm sút, cho nên rất khó để lớn mạnh thành DN quy mô vừa. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực DN lớn không thể tăng nhanh số lượng trong trung hạn. “Nếu không quan tâm phát triển DN nhỏ để vươn lên thành DN quy mô vừa, làm sao nền kinh tế có thể tăng tốc khi mấy con sếu đầu đàn bay tít lên cao, trong khi cả đàn gà con ở dưới đất vẫn loay hoay nhặt mấy mẩu vụn và không biết bay lên bằng cách nào”, một chuyên gia trăn trở.

Theo hình dung của PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, “cấu trúc bất thường” theo công bố của Sách trắng DN nêu trên chỉ tồn tại ở Việt Nam, DN vừa và lớn chiếm tỷ lệ nhỏ và không chênh nhau bao nhiêu, trong khi số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm đại đa số. Lẽ ra, số lượng DN vừa phải chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với DN lớn và tiếp tục duy trì ổn định, lâu dài cấu trúc này thì nền kinh tế mới có triển vọng bay cao. “Lâu nay, chúng ta mới chỉ tập trung phát triển số lượng DN, chưa quan tâm đến chất lượng DN theo đúng nghĩa, tỷ lệ DN khai sinh rất lớn nhưng khai tử cũng rất nhiều. Lịch sử phát triển cho thấy, muốn trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu, một quốc gia phải có lực lượng DN dân tộc, nghĩa là có cấu trúc DN hợp lý gồm DN nhỏ, vừa và lớn liên kết với nhau theo chuỗi. Ở đó, DN lớn giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt, từng quy mô DN có nhiệm vụ khác nhau để gắn kết lại thành sức mạnh, nâng đỡ nhau cùng lớn mạnh. Chúng ta mới chỉ có cộng đồng DN, chưa phát triển thành lực lượng DN vì như vậy”, PGS, TS Trần Đình Thiên phân tích.

(Còn nữa)

Trước đây, khi mới làm việc với các đối tác nước ngoài, phần lớn đều không tin Việt Nam đã lắp ráp được ô-tô. Chúng tôi đã mời đối tác đến Chu Lai tham quan nhà máy, tận mắt chứng kiến, đánh giá năng lực sản xuất của THACO thì ai cũng ngạc nhiên rồi sẵn sàng ký hợp đồng. Đến nay, THACO đã xuất khẩu một số chủng loại xe vào các “thủ phủ” ô-tô thế giới như Hàn Quốc, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin hay Hoa Kỳ. Thương hiệu THACO xuất hiện trên website nhiều hãng ô-tô lớn trên thế giới ở vị trí đối tác chính là niềm vinh dự của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam.

NGUYỄN QUANG BẢO 

Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất THACO Group