EVFTA: Chuẩn bị kỹ, nắm cơ hội

NDO -

NDĐT - Với cam kết giảm thuế cực mạnh, EVFTA được ví như con đường cao tốc nối liền Việt Nam và thị trường Liên minh châu Âu (EU) rộng lớn. Tuy nhiên, cơ hội sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp (DN) đã có sự chuẩn bị kỹ càng.

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.

Đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ
Dệt may được coi là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, những ưu đãi đó chỉ có được nếu DN đáp ứng được các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nắm bắt được điều này, nhiều năm nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã rốt ráo chuẩn bị kỹ càng cho việc đáp ứng quy tắc xuất xứ theo yêu cầu của đối tác.

Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex chia sẻ, nếu CPTPP quy định quy tắc xuất xứ phải từ công đoạn “từ sợi trở đi” mới được ưu đãi, thì EVFTA bắt đầu từ công đoạn vải trở đi, đồng thời lại cho phép được cộng gộp nhập vải từ Hàn Quốc (EVFTA cho phép cộng gộp nguồn gốc xuất xứ đối với hàng hóa của những quốc gia đã ký FTA với EU, trong đó có Hàn Quốc) nên DN dễ xoay xở hơn. Hiện tại Việt Nam nhập khẩu khoảng 14% vải từ quốc gia này.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho các hiệp định thương mại tự do, từ lâu, Vinatex đã thực hiện nhiều biện pháp về đầu tư và về phát triển thị trường, cũng như phổ biến kiến thức cho các DN để hiểu rõ về các hiệp định, không chỉ riêng EVFTA. Định hướng lâu dài là khuyến khích các DN trong tập đoàn thành lập chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng, cũng như hạ giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ.

Với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da- Giày - Túi xách Việt Nam chia sẻ, Trung Quốc hiện là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của da giày Việt Nam trên thị trường thế giới. EVFTA sau khi có hiệu lực, sẽ giúp sản phẩm da giày của Việt Nam hưởng chênh lệch thuế từ 3,5-4,2% so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Hiện nay, EU cũng đưa ra ưu đãi đơn phương đối với một số lượng lớn hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam theo Hệ thống ưu đãi chung (GSP). Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ quy định trong EVFTA cũng không khác nhiều so với GSP, do vậy DN da giày trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2019, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đã được đưa vào áp dụng, trước hết là cho những DN, mặt hàng đang được hưởng ưu đãi GSP, sau đó là đến EVFTA. Sự thay đổi này khá lớn bởi DN da giày trong nước vẫn làm theo thông lệ truyền thống, do đó sẽ mất một thời gian để làm quen. “Tuy nhiên, Hiệp hội đang nỗ lực hỗ trợ DN. Chúng tôi nhận thấy rằng, đây chỉ là khó khăn tạm thời, khi đã quen, DN sẽ không gặp nhiều trở ngại trong áp dụng những thủ tục này, từ đó kịp thời tận dụng các ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực” - bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Nông sản cần bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn
Cùng với những mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản cũng được đánh giá là nhóm mặt hàng có ưu thế lớn nhất khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, điều kiện để các DN nông sản tận dụng được ưu đãi từ EVFTA là phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nước bạn.
Là một trong những DN đã thành công với không ít đơn hàng xuất khẩu thành công sang EU, ông Phan Văn Thường - Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C khẳng định, EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU giảm đáng kể từ 14% về 0%. Đây là cơ hội lớn cho hàng nông sản của Việt Nam gia tăng kim ngạch tại thị trường này.

“Tuy nhiên, DN cũng phải xác định rõ, xuất khẩu vào EU không phải chỉ hướng tới số lượng, mà cần hướng đến những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Khi đó, cái DN được không chỉ lợi nhuận, mà quan trọng hơn là cơ hội đầu tư vào nhân lực, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường” - ông Thường khẳng định.

Mặt khác, EU là thị trường rất khắt khe, luôn đòi hỏi tiêu chuẩn vùng nguyên liệu an toàn, thương mại công bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và chính sách với người lao động... Khắt khe là vậy, nhưng khi xuất khẩu thành công vào EU, doanh nghiệp có thể dễ dàng xuất sang các thị trường khác như Bắc Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nguyên do, các thị trường này thường áp dụng các tiêu chuẩn của EU.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ thêm, cùng với các cơ hội, với EVFTA, DN thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức về quy tắc xuất xứ, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại và bảo đảm chất lượng hàng hóa. Do đó, DN cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác từ đó đáp ứng các uy định, tiêu chuẩn về lao động, môi trường và các vấn đề liên quan phát triển bền vững, đồng thời xây dựng kế hoạch xuất khẩu phù hợp.

Theo đó, để chinh phục người tiêu dùng EU, VASEP đã lên kế hoạch thực hiện các chiến dịch truyền thông để quảng bá hình ảnh thủy sản tại EU nhằm chuyển những thông tin về cải thiện chất lượng, đáp ứng các yêu cầu nuôi trồng mà người tiêu dùng ở thị trường này đưa ra. Đồng thời, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, cụ thể là tham gia các hội chợ, triển lãm thủy sản tại những quốc gia ở khu vực EU để giới thiệu sản phẩm cá tra chất lượng tới người tiêu dùng. DN xuất khẩu cũng xác định phải hướng tới phát triển chu trình khép kín, từ giống, nuôi và chế biến cá tra, nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng. “Đặc biệt là chủ trương cạnh tranh bằng chất lượng, không cạnh tranh bằng giá để phát triển bền vững” - ông Nam nhấn mạnh.

EVFTA đã chính thức được ký kết vào ngày 30-6 vừa qua, tại Hà Nội. Sau khi ký kết, EVFTA cần được đệ trình để Nghị viện châu Âu thông qua. Thỏa thuận thương mại cũng sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót để đi vào có hiệu lực. Kỳ vọng đến năm 2020, EVFTA sẽ có hiệu lực và tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Thời gian chuẩn bị vẫn còn và theo các chuyên gia, đây là khoảng thời gian nước rút để các ngành hàng tiếp tục tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, các tiêu chuẩn đặt ra nhằm tận dụng tốt nhất cơ hội từ hiệp định.