Duy trì cải cách để giữ đà tăng trưởng cao

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố và mở rộng, đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét… là những điểm sáng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước từ đầu năm đến nay.

Ngành cơ khí chế tạo đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong ảnh: Xuất khẩu thiết bị cơ khí tại Công ty cổ phần Lilama 18, thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Công ty cổ
Ngành cơ khí chế tạo đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong ảnh: Xuất khẩu thiết bị cơ khí tại Công ty cổ phần Lilama 18, thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Công ty cổ

Liên tục tăng trưởng vượt tiềm năng

Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến năm 2019, công tác điều hành kinh tế - xã hội tiếp tục hoàn thành toàn diện 12 mục tiêu Quốc hội giao, trong đó có năm chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm ước đạt hơn 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,6%; bội chi ngân sách khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm chỉ còn 56,1% GDP so với mức 64,6% GDP của năm 2016. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục khoảng 73 tỷ USD…

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp Chương trình Ô-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4.Reform Program) thực hiện cũng cho thấy, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao và tăng trưởng vượt tiềm năng trong nhiều quý liên tiếp gần đây. Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương đánh giá, động lực cho tăng trưởng trước hết ở khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại sau khi sụt giảm liên tục từ cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng nhẹ; dư địa tăng trưởng của các ngành thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều; xuất nhập khẩu tiếp tục giữ đà phục hồi tăng trưởng, đem lại thặng dư thương mại ước tính đạt bảy tỷ USD trong 10 tháng qua. Ðáng mừng là đóng góp vào xuất khẩu có dấu ấn quan trọng của khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước với mức tăng trưởng xuất khẩu đạt hơn 16%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng gần 5% của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ðể có được tăng trưởng ấn tượng liên tiếp trong năm 2018 và dự kiến cả năm 2019, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, trước hết là do Chính phủ kiên định giữ ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt, thận trọng, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, cứ 1% tăng chất lượng văn bản quy phạm pháp luật có thể giúp tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) được cải thiện 1,38%. Tăng trưởng đã có đóng góp nhiều từ sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhiều năm liên tiếp, thông qua việc từ năm 2014 đến nay, Chính phủ liên tục ban hành và quyết liệt chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết số 19 (năm 2019 là Nghị quyết số 02) về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tìm động lực tăng trưởng mới

Trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, để duy trì mức tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, nhất là khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã rất cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Ðộng lực và giải pháp tiếp tục duy trì, cải thiện tốc độ tăng trưởng trong các năm tiếp theo được TS Nguyễn Ðình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ là cần tập trung cải cách mạnh mẽ hơn. Các yếu tố tạo tăng trưởng trong thời gian vừa qua rất ngắn hạn và không đồng đều. Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời với cải cách vi mô, thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Dư địa để thúc đẩy tăng trưởng năm 2020 và những năm tiếp theo vẫn là ở thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn. “Ngay cả trong thâm tâm, lãnh đạo các bộ nhận biết rõ đây là vấn đề cực kỳ nan giải nhưng vẫn phải lạc quan, tìm mọi cách để thực hiện cho được, không phải vừa thấy khó đã bảo không thể làm được”, ông Cung nói. Do đó, cần lập tổ công tác liên ngành rà soát bãi bỏ các điều kiện kinh doanh và thủ tục đầu tư không phù hợp, tương tự như Tổ công tác thi hành Luật DN trước đây. Nếu tiếp tục để các bộ, ngành tự rà soát sẽ chỉ ra một sản phẩm thỏa hiệp, không thể đơn giản hóa thủ tục để khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn. Ðây là vấn đề rất quan trọng bởi hiện nay, đầu tư nhà nước và đầu tư FDI đã không còn là động lực chính cho tăng trưởng nữa. Giải ngân vốn đầu tư công chỉ bằng 69,2% kế hoạch và chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, dòng vốn FDI đang cho thấy đà suy giảm. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh giải ngân và nâng cao chất lượng đầu tư công bằng cách làm mới. Cụ thể là giao người đứng đầu bộ, ngành, địa phương lên một danh mục các dự án ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện bằng được và chịu trách nhiệm về các dự án đó.

Ðối với nguồn lực FDI, ông Cung cảnh báo: Từ đầu năm đến nay, số lượng dự án FDI tăng 26% nhưng vốn đăng ký giảm 14,5%. Con số này cho thấy quy mô dự án đang giảm, cần đặt vấn đề liệu có xu hướng nhà đầu tư nước ngoài phân nhỏ dự án để tránh rủi ro hay không; quy mô dự án FDI giảm dần, có ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu và phát triển, ảnh hưởng đến chuyển giao công nghệ và thu hút vốn FDI trong tương lai hay không. Các bộ chuyên ngành cần chủ động gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài, lắng nghe tâm tư và tiếp thu ý kiến của các hiệp hội DN để kịp thời củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó có việc sửa Luật Lao động.

Theo các chuyên gia, quá trình chuẩn bị từ trong nước chưa tương xứng với việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, thể hiện ở xuất khẩu vào các thị trường trong khối các nước ký Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa nhanh như kỳ vọng; khả năng tận dụng ưu đãi từ các FTA nhìn chung chưa cao. Do đó, việc tận dụng lợi ích từ thương mại cho tăng trưởng kinh tế cũng khó hiệu quả nếu DN không tập trung chuẩn bị cho xuất xứ hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như xây dựng kịch bản linh hoạt trong việc xử lý quan hệ thương mại với các thị trường lớn. GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Ðầu tư nước ngoài cho rằng, cần nghiên cứu chương trình hành động để khai thác động lực cho tăng trưởng từ các FTA như đã làm khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tức là thành lập ban điều hành và triển khai thi hành xuống từng địa phương, DN… nhằm tận dụng tối đa lợi ích thương mại, góp phần quan trọng vào tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP cả năm 2019 của Việt Nam có thể đạt khoảng 7,02%, lạm phát bình quân 2,78%, tăng trưởng xuất khẩu 8,13%, thặng dư thương mại 4,2 tỷ USD. Năm 2020, dự báo tăng trưởng giảm nhẹ xuống mức 6,72%, lạm phát bình quân 3,17%, tăng trưởng xuất khẩu 7,64%, thặng dư thương mại 2,3%.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)