Đột phá về hạ tầng phát triển nông nghiệp ở Lâm Thao

NDO -

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Lâm Thao (Phú Thọ) tập trung triển khai khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 là xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh.  

Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao.
Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao.

Đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng

Lâm Thao là vùng đất cổ gắn với lịch sử khai khẩn đất đai và nghề trồng lúa nước. Cây lúa gắn kết lâu đời với những tín ngưỡng, trò diễn dân gian, các di chỉ khảo cổ và di tích lịch sử - văn hóa trên vùng đất này.

Ngày nay, dù đang trên đường hiện đại hóa nông thôn, phát triển công nghiệp, người dân Lâm Thao vẫn gắn bó với nghề nông và các nghề truyền thống. Nông nghiệp vẫn được coi là mũi nhọn phát triển kinh tế, bảo đảm công ăn việc làm của một bộ phận lớn nhân dân.

Để tạo nền tảng phát triển nông nghiệp ở trình độ cao hơn, Huyện ủy Lâm Thao tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Triển khai nhiệm vụ quan trọng này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giai đoạn 2015 - 2020 .   

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Xuân Tường, khó nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, một phần do Lâm Thao đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 nên không thuộc diện ưu tiên đầu tư. Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, huyện đã triển khai nhiều biện pháp thu hút đầu tư từ doanh nghiệp và người dân, từ đó huy động được 2.836 tỷ đồng cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Từ nguồn vốn này, huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 12 nhóm công trình, dự án trọng điểm. Riêng nguồn vốn huy động đầu tư cho nông nghiệp đạt 417,2 tỷ đồng.

Đột phá về hạ tầng phát triển nông nghiệp ở Lâm Thao -0
 Nông dân xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao sử dụng máy gặt đập liên hợp trong sản xuất nông nghiệp.

Về nông nghiệp, có hai dự án nổi bật là khu nông thôn mới xã Tứ Xã và dự án xây dựng kênh tưới kết hợp đường Đền Hùng - Cầu Phong Châu. Đến tháng 6-2020, tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt 95,5%, gần 130 km kênh mương chính được kiên cố hóa.

Huyện đầu tư xây dựng mới 36 trạm biến áp, cải tạo, nâng cấp đường dây hạ thế, đồng thời đầu tư xây dựng mới 15 trạm BTS ở các xã, thị trấn, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng internet. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Vừa qua, huyện đã khai trương bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các cấp ủy đảng làm tốt công tác chỉ đạo chuẩn bị đầu tư, xử lý các vướng mắc nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công tác dân vận chính quyền được triển khai nghiêm túc. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện tăng cường tiếp dân, đối thoại với dân tại huyện và tại cơ sở. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên họp bàn giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giải quyết đơn thư.

Quá trình vận động giải phóng mặt bằng đã xuất hiện những cán bộ “dân vận khéo” như các đồng chí: Bí thư Đảng ủy xã Tiên Kiên Nguyễn Hữu Phước, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vi Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lâm Thao Nguyễn Thành Đồng, …

Đồng chí Nguyễn Thành Đồng cho biết, để vận động giải phóng mặt bằng trong dự án Đô thị trung tâm huyện, cán bộ thị trấn kiên trì đối thoại hàng chục cuộc với dân, đến từng nhà giải thích chính sách, pháp luật cho dân. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhân dân trong huyện tự nguyện góp 12 nghìn m2 đất và 14 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn. Phong trào xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước khu dân cư, xây dựng nhà văn hóa lan rộng khắp huyện. 

Ở cơ sở, nhiều xã chủ động huy động nguồn lực phục vụ sản xuất, làm kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng. Như xã Sơn Vi đầu tư xây dựng và nâng cấp 41 công trình với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng, nâng mức bình quân thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác đạt hơn 150 triệu đồng.

Vừa qua, Đại hội Đảng bộ xã Sơn Vi nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu thu ngân sách trên địa bàn đạt 15 tỷ đồng vào năm 2025, có ít nhất năm khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thị trấn Hùng Sơn huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản gần 70 tỷ đồng, phát triển mạnh nông nghiệp, thủy sản và doanh nghiệp nhỏ.

Đột phá về hạ tầng phát triển nông nghiệp ở Lâm Thao -0
 Nông dân xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao sản xuất rau an toàn để tiêu thụ tại các siêu thị.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao

Nhờ có cơ sở hạ tầng được củng cố một bước, huyện Lâm Thao đã hình thành những cánh đồng mẫu lớn tại các xã Vĩnh Lại, Cao Xá, vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tứ Xã, vùng sản xuất tập trung tại các xã dọc sông Thao. Nhiều người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính, hệ thống tưới, nhà màng, nâng cao quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao.

Nhắc đến các mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả tốt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Đức Hùng cho biết, đến nay, huyện có vùng sản xuất lúa chất lượng cao rộng 2.000 ha, vùng sản xuất các loại rau, củ, quả hơn 300 ha, vùng sản xuất rau an toàn 40 ha, mô hình trồng chuối ven đê, cây ăn quả có múi trên đồi, kinh tế trang trại… Một số sản phẩm nông nghiệp bước đầu xây dựng được thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ như rau an toàn xã Tứ Xã, tương Dục Mỹ - Cao Xá, thịt lợn sạch Sơn Vi, chuối tiêu hồng Bản Nguyên.

Các mô hình liên kết làm ăn của nông dân như hợp tác xã, quỹ tín dụng, trang trại nông nghiệp ngày càng phát triển. Giá trị sản phẩm bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác ước đạt 145 triệu đồng/ha. Có những nơi như vùng sản xuất rau an toàn xã Tứ Xã đạt hơn 500 triệu đồng/ha; vùng trồng ớt xuất khẩu xã Phùng Nguyên đạt hơn 400 triệu đồng/ha. Bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện. Khu vực tiếp giáp thành phố Việt Trì không khác gì những khu đô thị với hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại.

Trao đổi về phương hướng phát triển kinh tế trong 5 năm tới và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Giang cho biết, vấn đề này sẽ được bàn thảo kỹ tại Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, từ đó sẽ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất, xác định ưu tiên đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa cận đô thị. Phát triển nông nghiệp cần gắn với phát triển đô thị và thương mại dịch vụ, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng huyện Lâm Thao thành vùng quê đáng sống, giàu đẹp và hiện đại.

Đột phá về hạ tầng phát triển nông nghiệp ở Lâm Thao -0
 Lãnh đạo huyện Lâm Thao thăm mô hình trang trại trồng trọt - chăn nuôi tại xã Vĩnh Lại.