Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm nhưng không đáng sợ

NDO -

NDĐT Sáng 11-7, tại Hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Nguyễn Xuân Cường khẳng định, dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm nhưng không đáng sợ.

Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 2,8 triệu con lợn buộc tiêu hủy.
Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 2,8 triệu con lợn buộc tiêu hủy.

Chỉ còn Ninh Thuận chưa có dịch

Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 8-7, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tạ 4.550 xã, 501 huyện của 62 tỉnh, thành phố (chưa qua 30 ngày). Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.856.722 con (chiếm khoảng hơn 8% tổng đàn lợn thực tế là trên 35 triệu con). Đã có 106 xã thuộc 22 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Cả nước còn tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh DTLCP.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: DTLCP là dịch bệnh rất nguy hiểm, đến thời điểm hiện tại chưa có loại dịch bệnh nào gây ra tác hại lớn, quá trình ứng phó rất vất vả. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NN-PTNT, đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhiều địa phương, tuy nhiên, thiệt hại do DTLCP vô cùng nặng nề.

“Với 2,8 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người dân, mà còn là gánh nặng kinh phí hỗ trợ tiêu hủy. Nguy hiểm hơn đến nay, dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Thứ trưởng NN-PTNT, Phùng Đức Tiến cho biết: Công tác ứng phó với DTLCP tiếp tục tồn tại nhiều khó khăn, bất cập chưa được khắc phục.

Cụ thể, người chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; khi phát hiện lợn có bệnh, không báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở, tự ý điều trị, vứt xác lợn ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; bán chạy lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh.

Việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiều nơi chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, nên chưa tiêu diệt hết mầm bệnh, làm phát tán, lây lan. Tại một số địa phương có địa hình thấp, hố chôn bị ngập nước, gây khó khăn cho quá trình xử lý lợn bệnh bằng phương pháp chôn lấp; chưa tổ chức triển khai công tác vệ sinh, sát trùng hoặc có nhưng chưa thường xuyên, chưa rộng khắp.

Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ; vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra, cá biệt có trường hợp thu gom lợn chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc để giết mổ, đưa vào các quán ăn để tiêu thụ.

Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.

Mặc dù Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể, nhưng các địa phương chưa kiện toàn, củng cố hệ thống thú y theo quy định của Luật thú y, hệ thống thú y gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi công vụ.

Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm nhưng không đáng sợ ảnh 1

Hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, sáng 11-7, tại Hà Nội.

Phải vừa chống, vừa xây

Khẳng định mức độ nguy hiểm của DTLCP, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng không nên quá sợ hãi trước diễn biến dịch bệnh, cần tổ chức phòng, chống bài bản. Trong đó, vũ khí duy nhất vẫn đang là chăn nuôi an toàn sinh học, lấy phòng bệnh là chính.

“Bằng chứng đa số hộ chăn nuôi lớn, áp dụng quy trình an toàn sinh học hầu hết không bị DTLCP tấn công. Chăn nuôi an toàn sinh học cũng là hướng đi bền vững, lâu dài cho cả ngành chăn nuôi, chứ không chỉ đối với chăn nuôi lợn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: Nguyên tắc trong phòng chống DTLCP hiện nay, vẫn là “vừa chống, vừa xây”, vừa ngăn chặn dập dịch, vừa phải bảo đảm cho chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn, nhất là bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho các tháng cuối năm 2019 lẫn dài hạn. Bên cạnh chăn nuôi an toàn sinh học, phải áp dụng đồng bộ các giải pháp ứng phó với dịch, gồm cả nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh…

“Việc tổ chức nghiên cứu sản xuất vaccine đang thu được những kết quả bước đầu khả quan. Một số mô hình ứng dụng một số chế phẩm trong việc nâng cao khả năng đề kháng, lồng ghép với chăn nuôi lợn hữu cơ. Đây là hướng đi rất tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh đưa ra nhiều đề xuất cần thực hiện trong thời gian tới để đối phó với DTLCP.

Cụ thể, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần phải kiểm soát hơn nữa các cơ sở giết mổ tập trung. Bên cạnh đó, việc chôn lấp cũng cần phải kiểm tra lại, cần thành lập những tổ chuyên trách thực hiện việc chôn lấp, bao gồm người chuyên trách, vật dụng chuyên trách, ô-tô chuyên trách để tránh tình trạng gieo rắc dịch.

Còn đại diện tỉnh Nam Định đề nghị Bộ cần có hướng dẫn về chuyển đổi chăn nuôi hữu cơ. Sau đợt dịch này, cần điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ, chỉ hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi an toàn sinh học, không hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi không kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra.