Để cánh đồng lớn không trở thành mô hình dang dở

Xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa gạo là một chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Ở nước ta, mô hình cánh đồng lớn đã được phát triển rầm rộ trong thời kỳ đầu thí điểm và nhanh chóng nhân rộng ngay sau đó. Nhưng đến nay, những hạn chế và vướng mắc trong triển khai thực hiện đang khiến cánh đồng lớn xa dần mục tiêu và dễ trở thành một mô hình dang dở, kém hiệu quả.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở TP Cần Thơ bằng máy gặt.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở TP Cần Thơ bằng máy gặt.

Bài 1: Đứt gãy liên kết trong cánh đồng lớn

Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phát động phong trào xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên phạm vi cả nước. Tại đồng bằng sông Cửu Long, ngay trong vụ lúa hè thu 2011, diện tích cánh đồng lớn đã đạt khoảng 8.000 ha.

Sau đó mô hình liên tục được nhân rộng, đến năm 2015 đạt hơn 200 nghìn ha. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, những mối liên kết mấu chốt trong cánh đồng lớn đã và đang bộc lộ rõ sự lỏng lẻo, thậm chí đứt gãy khiến mô hình giảm dần hiệu quả.

Khủng hoảng liên kết

Theo Bộ NN và PTNT, vụ lúa đông xuân 2018 - 2019, các tỉnh Nam Bộ thực hiện mô hình cánh đồng lớn được khoảng 170 nghìn ha, chiếm tỷ lệ khoảng 10% so với tổng diện tích sản xuất lúa đông xuân toàn vùng là hơn 1,68 triệu ha. Tại hầu hết các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích cánh đồng lớn có liên kết tiêu thụ đều sụt giảm. Cụ thể, vụ lúa đông xuân 2018 - 2019, tỉnh Đồng Tháp xuống giống hơn 205 nghìn ha, trong đó, diện tích lúa liên kết tiêu thụ là 18 nghìn ha, chỉ đạt 9% diện tích xuống giống, giảm tới hơn 6.000 ha so cùng kỳ năm 2018. Từ đầu năm 2019 đến nay, diện tích lúa thực hiện liên kết trên địa bàn tỉnh đạt thấp, khi chỉ có bốn trong số 13 doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia liên kết với nông dân. Ngay cả TP Cần Thơ, một trong những địa phương làm khá tốt cánh đồng lớn trong thời kỳ đầu, hiện cũng đang gặp khó khi nhiều doanh nghiệp bỏ bớt diện tích liên kết, bao tiêu sản phẩm. Như Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (quận Thốt Nốt), những năm đầu thực hiện mô hình có liên kết làm cánh đồng lớn có khoảng 8.000 ha, thì đến nay con số này chỉ còn 5.000 ha, và tiếp tục có khả năng thu hẹp thêm trong thời gian tới.

Còn tại cái nôi của cánh đồng lớn là tỉnh An Giang, tình trạng cũng không khá hơn. Điển hình là Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị đi đầu và thực hiện thành công nhất mô hình cánh đồng lớn cũng đang rút khỏi liên kết trên nhiều diện tích. Nếu năm 2015, diện tích cánh đồng lớn Lộc Trời tham gia là 90 nghìn ha thì hiện giờ chỉ còn 30 nghìn ha. Đây là con số giảm đáng suy ngẫm, nhất là đối với tập đoàn lớn và tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn như Lộc Trời. Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, thuộc Tập đoàn Lộc Trời nhận định: “Mô hình cánh đồng lớn lúc mới hình thành rất tốt, được kỳ vọng sẽ tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, có chất lượng để thắng lợi trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, sau một thời gian duy trì, diện tích cánh đồng lớn hiện đang teo tóp dần, coi như đã thất bại so với kỳ vọng ban đầu”. Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng, theo tổng kết đến hết năm 2017, tổng diện tích lúa có doanh nghiệp tham gia liên kết thu mua cũng chỉ đạt gần 72 nghìn ha, chỉ chiếm 20,6% diện tích canh tác cả năm.

Thiếu liên kết không chỉ dẫn đến sự đứt gãy trong mô hình cánh đồng lớn mà còn khiến nông dân trở lại với thảm cảnh “được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Điển hình như vụ đông xuân 2018 - 2019 vừa qua, nông dân toàn vùng ĐBSCL như ngồi trên đống lửa vì lúa thu hoạch xong phải bán giá bèo, thậm chí còn không có thương lái đến thu mua. Những vụ mùa nhọc nhằn càng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt khi lúa thu hoạch không bán được, trong khi các món nợ vật tư nông nghiệp từ đầu vụ đều đến kỳ phải trả. Ông Đinh Liêm ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Giờ đây, tôi chỉ mong chính quyền tìm giải pháp hữu hiệu cho nông dân bán được lúa; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, thời hạn lâu dài, giúp dân yên tâm bám cây lúa. Hiện nay, nông dân đối mặt với giá vật tư tăng cao, trong khi giá lúa xuống thấp, nếu không trả tiền vật tư nông nghiệp thì họ sẽ không cung ứng vụ kế tiếp, buộc chúng tôi phải đi vay nóng bên ngoài, kéo theo tiền lãi quá cao, chắc vụ tiếp theo không còn chút lợi nhuận nào”.

Lỗi từ hai phía

Nhận xét về mối liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp và nông dân trong mô hình cánh đồng lớn, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN và PTNT) Trần Văn Khởi nhận xét: “Mối liên kết quan trọng nhất của cánh đồng lớn là nông dân và doanh nghiệp trên thực tế đang rất lỏng lẻo. Ở nhiều địa phương, do giá lúa trong mô hình ít được thỏa thuận ngay từ đầu vụ dẫn đến tỷ lệ các hợp đồng thành công thấp. Nguyên nhân nằm ở cả nông dân và doanh nghiệp. Do không có ràng buộc rõ ràng cho nên một trong hai bên đều có thể “bẻ kèo” bất cứ lúc nào vì lợi ích của mình. Chuyện nông dân trong cánh đồng liên kết bán lúa ra ngoài không phải là hiếm vì giá cao hơn hoặc vì nhu cầu gấp gáp. Còn khi thị trường tiêu thụ chững lại, giá cả sụt giảm thì doanh nghiệp cũng “bẻ kèo” thu mua, bỏ mặc nông dân khốn khổ. Điều này khiến không chỉ người sản xuất bị thua thiệt mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, mỗi khi thị trường gạo xuất khẩu thế giới có biến động lớn thì nguồn cung cũng gặp vấn đề vì liên kết không còn nữa”. Như vụ đông xuân 2018 - 2019 ở Sóc Trăng, lúa thơm có giá thấp hơn lúa thường, khiến nhiều mô hình trồng lúa đặc sản của nông dân lao đao. Tệ hơn, không chỉ giảm giá mà nông dân trồng lúa đặc sản còn phải đương đầu với chuyện doanh nghiệp “bẻ kèo” không thu mua theo giá đã thỏa thuận. Thậm chí có doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận bỏ chi phí đầu tư lúa giống cho nông dân vì thu mua thì không có đầu ra. Đơn cử ở một địa phương có 70 đến 80 ha lúa nếp đã có hợp đồng bao tiêu với giá 7.200 đồng/kg, khi đến thu hoạch, doanh nghiệp chấp nhận bồi thường bảy triệu đồng/ha cho nông dân thông qua chính quyền địa phương. “Khoản tiền này chả thấm vào đâu so với thiệt thòi của nông dân vì trồng lúa đặc sản chi phí cao, công chăm sóc nhiều mà giá bán còn thấp hơn lúa thường, tính ra mỗi ki-lô-gam lúa mất gần 2.000 đồng, nhưng chúng tôi cũng đành cam chịu”, nông dân Nguyễn Văn Biển, có 6 ha trồng lúa đặc sản ở thị xã Ngã Năm ngậm ngùi nói.

Việc doanh nghiệp “bẻ kèo” hợp đồng với nông dân cũng đồng nghĩa với việc “phá sản” mô hình liên kết dẫn đến doanh nghiệp sẽ không bảo đảm vùng nguyên liệu để cung ứng cho các hợp đồng lớn được ký kết trong tương lai. Về nguyên nhân của tình trạng này, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình chia sẻ: Những năm gần đây, diện tích cánh đồng lớn có liên kết bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân sụt giảm là do doanh nghiệp thiếu vốn, phía ngân hàng không cho vay hoặc cho vay rất ít để thực hiện mô hình này. Dù cơ chế chính sách đã có nhưng ngân hàng lại không tham gia, ngành hàng lúa gạo ít được ngân hàng chú ý, thậm chí có khi còn tránh né. Làm cánh đồng lớn thì phải bao tiêu cho nông dân, khi thu hoạch lúa thì phải có tiền trả cho họ; lúc nhận lúa tươi tại ruộng cần phải có máy sấy lúa, sau đó đưa vào si-lo bảo quản. Nếu không có vốn làm sao bao tiêu cho nông dân, đầu tư máy sấy và kho chứa? Nhưng hiện nay, ngân hàng chỉ mới cho các doanh nghiệp lúa gạo vay để xuất khẩu gạo bình thường, còn cho vay để thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững, thì hầu như chưa có ngân hàng nào làm. Cũng theo ông Phạm Thái Bình, sắp tới, không chỉ riêng Công ty cổ phần Trung An mà diện tích liên kết của các doanh nghiệp khác cũng sẽ giảm nhiều so với hiện nay, thậm chí nhiều doanh nghiệp bỏ hẳn không bao tiêu thu mua nữa bởi thiếu vốn.

Những tâm tư và thực tế như thế này chính là cái vòng luẩn quẩn mà bao nhiêu năm qua chúng ta chưa thể thoát ra, và là mấu chốt của sự kém hiệu quả khi triển khai cánh đồng lớn…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiêu chí cánh đồng lớn bao gồm: Phù hợp với quy hoạch của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng đất; tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp; nông thôn mới và các quy hoạch khác. Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết, phù hợp với loại cây trồng và bảo đảm phát triển bền vững. Có ít nhất một trong các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng sau đây: Liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ - doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân; liên kết sản xuất giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân.

(Còn nữa)