Cơ hội cho cá tra vào thị trường Trung Quốc

NDO -

NDĐT - Là một trong những sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, cá tra được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu vào Trung Quốc trong năm 2019 và những năm tới.

Cá tra Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cá tra Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nới chính sách, mở cơ hội
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Tiền Giang, trước đây, Công ty Thủy sản Sông Tiền đã xuất khẩu sản phẩm đi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu vào Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc công ty cho biết, thời gian gần đây, doanh nghiệp này đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đàm phán với đối tác ký hợp đồng chính ngạch nhằm tránh bị ép giá và giúp doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất dài hạn, ổn định đầu ra.

Gần đây, Trung Quốc và Việt Nam đã thúc đẩy đàm phán nhằm hướng đến mục tiêu Trung Quốc sẽ phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản được miễn thuế vào nước này thông qua cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), trong đó có mặt hàng cá tra, cá basa... Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, hiện có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Lâu nay Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng trong xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam. Tuy nhiên với việc Trung Quốc vừa nới lỏng chính sách nhập khẩu, mặt hàng cá tra đang rộng đường tiến vào thị trường đông dân nhất thế giới.

Nguyên nhân là sản phẩm cá tra Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc tương đối ưa chuộng. Với tỷ lệ tầng lớp trung lưu đang dần tăng lên, người tiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng tăng nhu cầu đối với thuỷ sản nhập khẩu do lo ngại về an toàn thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm nước ngoài và khai thác tự nhiên. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua đối với các sản phẩm đã được thị trường Mỹ và châu Âu chấp nhận. Điển hình như sản phẩm cá tra Việt Nam từ ngày vào Mỹ đã tăng mức tiêu thụ tại Trung Quốc. Chưa kể, các khách hàng cao cấp của Trung Quốc vốn nhập khẩu cá basa phi lê chất lượng cao từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn sản phẩm cá tra từ Việt Nam như một trong những nguồn thay thế.

Bên cạnh đó, hiện nay xuất khẩu thuỷ sản nói chung, cá tra nói riêng sang Trung Quốc ngày càng thuận tiện với chi phí rẻ. Hầu như các doanh nghiệp thuỷ sản tại phía Nam đã chuyển từ vận chuyển đường bộ sang đường biển. So với xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bằng đường bộ, xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro về thanh toán, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm được chi phí.

“Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc đạt khoảng 500 triệu USD. Những tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam. Bên cạnh đó, khi Trung Quốc miễn thuế cho các sản phẩm cá tra Việt Nam xuất vào nước này sẽ khiến giá cá tra Việt Nam cạnh tranh hơn so với các loại cá của các nước khác. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc sẽ tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái”, ông Trương Đình Hòe nhận định.

Chinh phục bằng chất lượng
Nhiều người vẫn giữ quan niệm, Trung Quốc là thị trường dễ tính. Nhưng thực tế, với tỷ lệ người dân thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên, đây không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là một thị trường đang phát triển và nhạy cảm với các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc người tiêu dùng Trung Quốc đang tìm kiếm những sản phẩm nhập khẩu được chấp nhận tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, trong đó có sản phẩm cá tra của Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, cùng với việc chấp nhận giảm thuế, các cơ quan Trung Quốc ngày càng đòi hỏi ngặt nghèo hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói phải theo các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc. Các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có sản phẩm nông sản cùng loại để tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Ông Trương Đình Hòe cho biết, hiện giá cá tra của Việt Nam xuất khẩu đang khá hợp lý nên chúng ta cần giữ ổn định chất lượng để tận dụng lợi thế của người đi trước. Hiện một số DN như Nam Việt, Vĩnh Hoàn, Trường Giang, Gò Đàng… đang thực hiện rất tốt việc quản lý chất lượng và có sản lượng xuất khẩu tăng đều đặn, các đơn vị khác cần chú ý đến vấn đề này. “Các doanh nghiệp phải làm sao tăng lượng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Để làm được điều này chất lượng là yếu tố hàng đầu” - ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.

Cùng với những thách thức do phải đáp ứng các tiêu chuẩn, nhiều doanh nghiệp cho hay, việc Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch dù có thể gây khó khăn cho những doanh nghiệp vốn chỉ làm tiểu ngạch nhưng sẽ là đòn bẩy cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp họ gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.