Bắc Kạn tăng cường hiệu quả sản phẩm OCOP

Học tập và triển khai mô hình của nhiều nước, địa phương, Bắc Kạn đã sớm phê duyệt, triển khai chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm (OCOP) với phương châm coi đây là một chương trình kinh tế. Đến nay, chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Thành viên Hợp tác xã Thiên An, huyện Bạch Thông đóng gói sản phẩm thảo dược tắm của đồng bào Dao. Ảnh: NGỌC DIỆP
Thành viên Hợp tác xã Thiên An, huyện Bạch Thông đóng gói sản phẩm thảo dược tắm của đồng bào Dao. Ảnh: NGỌC DIỆP

Sản xuất, chế biến theo hướng “tinh”, đặc sản, giá trị cao

Chúng tôi đến thăm những làng sản xuất miến dong ở xã Côn Minh, huyện Na Rì. Gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các nhà xưởng chế biến ở đây hoạt động hết công suất để kịp cung cấp hàng về xuôi. Toàn bộ sản phẩm của gần 30 cơ sở chế biến tại Côn Minh đều đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, sử dụng nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn.

Tại xưởng sản xuất của ông Nông Văn Chính, ông phải thuê hàng chục nhân công để thực hiện các khâu vận hành máy, phơi miến, đóng gói sản phẩm, đi giao hàng cho kịp cung ứng khoảng 80 tấn miến phục vụ Tết 2021.

Ông Chính phấn khởi cho biết, trước đây khi chưa được tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, quảng bá, miến dong Na Rì dù có tiếng nhưng chỉ bán loanh quanh vài tỉnh miền núi phía bắc. 5 năm lại đây, miến dong Na Rì đã xuất hiện tại miền nam và được xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, cơ sở của ông đã xây dựng được 40 đại lý tiêu thụ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ…

Dự kiến với giá bán 60 nghìn đồng/kg, dịp Tết Tân Sửu 2021, xưởng sản xuất của gia đình ông Chính thu gần 500 triệu đồng. Ông Chính cho biết thêm, do thiếu nguyên liệu dong củ cho nên sản xuất không cung ứng đủ, cơ sở của ông buộc phải từ chối cung ứng hơn 400 tấn miến cho khách hàng.

Từ khi Hợp tác xã Tài Hoan ở đây xuất khẩu được miến dong sang châu Âu, danh tiếng của miến dong Bắc Kạn lại càng được khẳng định. Có được kết quả đó là nhờ cả một quá trình nâng tầm sản phẩm bài bản, có lộ trình của Bắc Kạn. Tỉnh duy trì ổn định vùng trồng cây dong riềng từ 800 - 1.000 ha, sản lượng đạt 57.000 - 72.000 tấn. Các cơ sở sản xuất miến dong được hỗ trợ cải thiện chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm miến dong xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao, như của: Hợp tác xã Tài Hoan; Cơ sở Trịnh Xuân Huấn; Cơ sở Nguyễn Xuân Bồng; Hợp tác xã Côn Minh; Cơ sở Nông Văn Luyến; Cơ sở Triệu Thị Tá… được thị trường đón nhận.

Hiện ở xã trọng điểm Côn Minh, bình quân mỗi vụ sản xuất được gần 1.000 tấn miến, tiêu thụ tại Thái Nguyên, Hà Nội, một số tỉnh phía nam, thu về hơn 50 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là toàn bộ quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, có bao bì, nhãn mác, mã vạch, chứng nhận của ngành chuyên môn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định và đạt sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.

Ngoài miến dong, Bắc Kạn cũng đang tích cực triển khai các giải pháp để chế biến củ dong riềng thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: viên nang miến dong, miến dong ăn liền…

Bắc Kạn không chạy theo số lượng mà tập trung chỉ đạo sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP theo hướng “tinh”, đặc sản, giá trị cao, sản xuất theo hướng hữu cơ ngay từ ban đầu. Khi có thương hiệu, khẳng định được chỗ đứng sẽ tiếp tục từng bước nhân rộng.

Đồng bào Dao ở hai thôn Phiêng Phàng và Nà Pài, xã Yến Dương (huyện Ba Bể) có giống lúa đặc sản Nếp Tài. Giống lúa này đã có từ rất lâu và chỉ duy nhất ở hai thôn này trồng được. Gạo có hương thơm đặc trưng, khi nấu lên rất dẻo và ráo, mềm nhưng không nát, khi sử dụng làm các loại bánh truyền thống thì sau 3 - 4 ngày vẫn mềm, ngon. Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng để phục vụ gia đình và làm quà biếu, số lượng bán ra thị trường rất ít và cũng chỉ bán tại địa phương.

Từ năm 2018, Hợp tác xã Yến Dương hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, khuyến khích bà con trồng giống lúa quý này theo hướng hàng hóa. Đến nay đã có 35 hộ tham gia với diện tích gieo cấy hơn 15 ha, năng suất đạt 35 - 38 tạ/ha, với giá 14 nghìn đồng/kg. Hợp tác xã Yến Dương đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu. Sản phẩm đã xuất bán ra thị trường ngoại tỉnh, người dân có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.

Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan (Na Rì) Nguyễn Thị Hoan cho biết, lần đầu bắt tay vào triển khai các thủ tục về xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, mất hơn ba tháng. Có những thủ tục làm đi, làm lại tới sáu lần mà vẫn chưa được cơ quan chức năng nước bạn chấp nhận. Tuy nhiên, nhờ hỗ trợ của tỉnh, cuối cùng sản phẩm đã vượt qua được các vòng kiểm định chất lượng khắt khe để lần đầu xuất khẩu sang châu Âu.

Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam cho biết, các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn hiện đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu Bắc Kạn như miến dong, nghệ, dược liệu, tinh dầu cam quýt, gạo đặc sản…, được người tiêu dùng đánh giá cao. Bắc Kạn cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước vận động, thành lập Hội Doanh nhân OCOP của tỉnh. Cách làm của Bắc Kạn được rất nhiều tỉnh, thành phố khác tới nghiên cứu, học tập.

Từ chỗ chỉ có hơn 30 sản phẩm, đến hết năm 2020, Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó, miến dong Tài Hoan và Nano curcumin Bắc Hà đang hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm cấp quốc gia. Từ sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tỉnh tập huấn cho 45 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng tham gia sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Sendo, Tiki, Voso…; kỹ năng làm phim để quảng bá sản phẩm... Qua đó, đã có 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ chương trình OCOP, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm nghèo của Bắc Kạn đạt gần 2,5%/năm; các huyện nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,19%/năm. Hầu hết các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều nhờ vào động lực từ các sản phẩm OCOP, phần lớn hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất ở mức độ tương đối khá.

Hướng tới thị trường lớn

Sản xuất các sản phẩm OCOP ở Bắc Kạn hiện đã vượt qua cả kỳ vọng ban đầu của tỉnh khi đã có sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản. Dù số lượng xuất khẩu chưa nhiều nhưng đây là bước đột phá khi nhiều năm qua, Bắc Kạn vẫn là “vùng trắng” về xuất khẩu.

Từ sự khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, Công ty Misaki (Nhật Bản) đặt nhà xưởng chế biến tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, trong năm 2020, Công ty Misaki đã bao tiêu sản phẩm cho 294 ha cây mơ với sản lượng 1.975 tấn mơ quả và 260 ha gừng với sản lượng 7.414 tấn. Sản phẩm sau chế biến là mơ muối và gừng non được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, tỉnh còn chủ động phối hợp Công ty cổ phần tập đoàn Quế Lâm ký biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Theo đó, công ty phối hợp với tỉnh xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ đối với các cây trồng: mơ, chè, dong riềng, nghệ, bí thơm, gạo Japonica, gạo Bao Thai Chợ Đồn và chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng chính, phát triển thị trường tiêu thụ. Bắc Kạn cũng tham vấn các giải pháp từ Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, từ đó, tỉnh giao ngành chuyên môn phối hợp Hiệp hội nghiên cứu, xây dựng, tham mưu kế hoạch thực hiện, bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn quyết định đầu tư hơn 117 tỷ đồng để tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, chú trọng tăng cường liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 200 sản phẩm OCOP, hai sản phẩm 5 sao; hai sản phẩm du lịch cộng đồng; củng cố, phát triển 50 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, theo Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam, ngoài việc nâng cao năng lực các chủ thể để họ “khỏe” hơn khi tham gia thị trường lớn, tỉnh cần chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, để họ luôn bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể trong quá trình triển khai phương án kinh doanh, hình thành, phát triển sản phẩm tại địa phương.

Cùng với đó, cần có chính sách cụ thể hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau, phù hợp với các hình thức tổ chức sản xuất (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, Bắc Kạn chủ trương phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông lâm sản, bằng cách khôi phục, phát triển 15 làng nghề; phấn đấu mỗi huyện có ít nhất một điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề, có ít nhất 100 sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.