Sát cánh cùng nhân dân vượt qua bão, lũ

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh miền trung liên tiếp xảy ra mưa, bão, lũ lụt lớn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng công an tại các địa phương thuộc địa bàn nêu trên đã huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng trực, sát cánh cùng người dân vượt qua những mối nguy hiểm do bão, lũ gây ra, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống sau lũ.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Phú Yên quét dọn bùn đất sau khi nước lũ rút tại Trường tiểu học Xuân Phú. Ảnh: BỘ CÔNG AN
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Phú Yên quét dọn bùn đất sau khi nước lũ rút tại Trường tiểu học Xuân Phú. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Có mặt tại những “điểm nóng” thiên tai

Do đặc điểm thời tiết nước ta hằng năm thường xảy ra bão kèm theo mưa lớn, dễ gây ra lũ lụt, cho nên ngành công an nói chung và công an các địa phương chịu ảnh hưởng của bão nói riêng, luôn có tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai. Mỗi khi đến mùa mưa, bão, lực lượng công an đều phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn rà soát phương án và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách. Công an các địa phương luôn có phương án hỗ trợ nhân dân bảo vệ sản xuất, thu hoạch lúa đã chín, tiêu nước đệm chống úng ngập đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp; gia cố, bảo vệ nhà cửa, trường học, cơ sở y tế, các tháp cao, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển; bảo vệ đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Điển hình như vào cuối tháng 10 vừa qua, trước hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra tại khu vực miền trung, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Thủy đoàn  I, Cục CSGT đã cử cán bộ, chiến sĩ chia làm hai tổ công tác, sử dụng ba xuồng máy, một ô-tô cẩu tải và hai ô-tô chỉ huy phối hợp các lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên đường thủy nội địa và những nơi bị thiệt hại do thiên tai. Tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đơn vị phối hợp cùng Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh và người dân tình nguyện, sử dụng hàng chục lượt ô-tô, xuồng máy vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân bị cô lập; đưa 45 người dân từ vùng bị cô lập đến nơi an toàn. Tổ công tác của Thủy đoàn I phối hợp Phòng CSGT Hà Tĩnh tiến hành phân luồng, dừng phương tiện giao thông trên quốc lộ 1A và đường tránh đoạn nước ngập, chảy xiết và chuyển tải người dân từ vùng lũ vào trung tâm thành phố an toàn. Cùng thời điểm nêu trên, một tổ công tác khác của Thủy đoàn I tiếp tục lên đường phối hợp Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và các lực lượng chức năng vận chuyển hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công binh, bộ đội; 500 kg lương thực, thực phẩm, trang thiết bị; 1,5 tấn phương tiện; bốn tấn xăng, dầu lên Thủy điện Rào Trăng 4, để từ đó chuyển vào Thủy điện Rào Trăng 3 phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong những ngày mưa lũ kéo dài gây nên trận lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) nói riêng, hầu hết nhà dân đều bị ngập lụt, địa bàn các thôn bị chia cắt không thể đi lại được. Gia đình bà Hoàng Thị Hà, trú tại thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên bị ngập tới ba mét. Thời điểm đó, chồng và con rể của bà Hà đang đi làm ăn xa, con gái đang mang thai con đầu lòng, sắp đến ngày sinh nở. Rạng sáng 20-10, con gái bà có dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh trong lúc nước lũ thì dâng ngày càng cao. Gia đình hết sức lo lắng cho nên đã nhờ người thông báo cho lực lượng Công an xã Quảng Tiên trợ giúp. Tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an xã Quảng Tiên đã sắp xếp một chiếc đò để vận chuyển sản phụ đến bệnh viện. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển, sản phụ bị đau bụng, cho nên các đồng chí công an xã đưa sản phụ về trạm y tế xã Quảng Tiên. Sau đó, các chiến sĩ công an điều khiển đò đi 5 km đón nhân viên trạm y tế để hỗ trợ sản phụ. May mắn, sản phụ đã sinh, mẹ tròn con vuông. Không giấu được niềm xúc động, bà Hà đã viết lá thư tay bày tỏ lời cảm ơn gửi tới cán bộ, chiến sĩ Công an xã Quảng Tiên và lực lượng công an tỉnh đã quên mình giúp dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, là chỗ dựa tinh thần của nhân dân, đúng với khẩu hiệu “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Giúp người dân ổn định đời sống 

Lũ lụt đi qua để lại những căn nhà đổ nát, tài sản khánh kiệt, nhiều người dân lâm vào cảnh rất khó khăn. Chính thời điểm này, những chiến sĩ công an nhân dân sau khi hoàn tất công tác cứu nạn, cứu hộ lại phối hợp cùng các lực lượng có mặt bên từng hộ gia đình, cùng người dân dọn dẹp đống đổ nát, vệ sinh môi trường để ổn định cuộc sống. Sáng 13-11, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên xung kích Công an tỉnh Phú Yên đã thu dọn vệ sinh môi trường, giúp người dân thị xã Sông Cầu và các huyện Đồng Xuân, Tuy An khắc phục hậu quả sau bão, lũ. 

Đại tá Trần Trọng Hiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, khi nước lũ bắt đầu rút, công an tỉnh đã huy động cán bộ, chiến sĩ chia thành ba tổ. Trong đó hai tổ vượt chặng đường hơn 60 km ngược lên huyện miền núi Đồng Xuân và ra thị xã Sông Cầu từ sáng sớm ngày 10-11. Một tổ khác gồm 30 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động  đến huyện Tuy An. Cả ba tổ phối hợp lực lượng công an, bộ đội địa phương giúp dân khắc phục hậu quả theo phương án nước rút đến đâu thu dọn đến đó. Ngoài việc nạo vét bùn, thu dọn vệ sinh hơn 25 tấn chất thải trên các tuyến đường nội thị, với tổng chiều dài gần 3 km, các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Phú Yên còn phối hợp Công an huyện Đồng Xuân khai thông hơn 10 cống thoát nước bị tắc nghẽn do rác thải bồi lấp; vận chuyển, sắp xếp vật dụng cho các gia đình neo đơn đã sơ tán trong lũ; thu dọn vệ sinh, tẩy rửa bùn đất hai công sở Kho bạc Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Đồng Xuân, ba trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở Xuân Sơn Bắc. Bà Lưu Thị Ba, trú thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân chia sẻ: Tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình neo đơn. Khi lũ dâng cao, may mắn có các chú công an xã, huyện đưa ca-nô đến cứu giúp. Giờ lũ rút xuống, bùn đất đầy nhà, các cô chú công an lại đến thu dọn, tẩy rửa hộ.

Thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa thuộc huyện miền núi huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nằm ở vị trí ngay cạnh sông Gianh. Trong đợt lũ lụt vừa qua, nước sông dâng cao cuốn trôi nhiều tài sản, vật nuôi, hoa màu của người dân. Sau mưa lũ, người thôn Kinh Châu gặp rất nhiều khó khăn do thiếu lương thực, nhu yếu phẩm, nhất là nguồn lúa giống và phân bón để khôi phục sản xuất. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, Đoàn cơ sở Đoàn Thanh niên Công an TP Đồng Hới đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ người dân, cùng Công đoàn Công ty NN Thành Đô, TP Hà Nội trao hàng nghìn suất quà gồm 200 túi gạo, 800 bao phân bón lúa, 2.000 túi thóc giống và tiền mặt tặng 255 hộ dân thôn Kinh Châu để người dân chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. Nhận được những suất quà ý nghĩa, nhân dân thôn Kinh Châu rất vui mừng, phấn khởi, bởi vì mưa lũ đi qua, thóc giống đều bị ẩm ướt và nảy mầm, phân bón ngâm nước lâu ngày không sử dụng được. Những phần quà nêu trên sẽ giúp người dân chuẩn bị cho vụ mùa tới, sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Đây là một hoạt động thiết thực, chung sức vì cộng đồng của tuổi trẻ Công an TP Đồng Hới nhằm xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.