Ra mắt bộ tài liệu giúp phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam

NDO -

NDĐT- Bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam đã chính thức được công bố.

Bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.
Bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Ngày 12-9, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Giới thiệu tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam”.

Ra mắt bộ tài liệu giúp phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ. Thực tế, số trẻ được chẩn đoán và điều trị do rối loạn phổ tự kỷ ngày càng tăng.

Từ năm 2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Trong ba năm, từ 2016 đến 2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ 2,2 tỷ đồng để tổ chức lớp học phục hồi chức năng cho 220 cháu tự kỷ tại các trung tâm can thiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng nhấn mạnh, sự ra đời của bộ tài liệu này sẽ có ý nghĩa và giá trị thiết thực, cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về rối loạn phổ tự kỷ, cách nhận biết các dấu hiệu, phương pháp can thiệp và xây dựng, thực hiện chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ. Trong bối cảnh hiện nay, khi phải đối mặt với rất nhiều các nguồn thông tin chính thức và không chính thức, khi còn có sự chênh lệch khá nhiều về tiếp cận kiến thức giữa các phụ huynh ở các vùng miền, một bộ tài liệu như thế này sẽ giúp các cha mẹ có cách nhìn thống nhất, hiểu đúng về trẻ tự kỷ. Từ đó, định hướng được cách hỗ trợ tốt nhất cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Đặc biệt, với các phụ huynh ở xa, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với các chuyên gia, việc tìm hiểu các thông tin và kiến thức từ bộ tài liệu này sẽ rất hữu ích.

Bà Hà cũng hy vọng bộ tài liệu được giới thiệu rộng rãi tới xã hội. Qua đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động cộng đồng cùng tham gia vào hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ trong bối cảnh số trẻ tự kỷ gia tăng; nhiều người có nhu cầu can thiệp, hỗ trợ.

Ra mắt bộ tài liệu giúp phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam ảnh 2

Một trong hai cuốn sách của bộ tài liệu.

Theo TS.BS Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, bộ tài liệu này gồm hai cuốn sách, dành cho hai nhóm đối tượng chính. Đó là nhóm giáo viên/nhân viên kỹ thuật/can thiệp và nhóm cha mẹ/người chăm sóc trẻ. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu quy mô lớn, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục và những trung tâm can thiệp trên cả nước. Đây cũng là thành quả bước đầu trong sự nỗ lực hợp tác giữa Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Trong những bước đi kế tiếp, với nguồn kinh phí hỗ trợ 10 tỷ đồng của PNJ trong năm năm, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" sẽ tập trung đào tạo cho 200 cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Bên cạnh đó, 10 nghìn cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng được phổ biến kiến thức về tự kỷ. 10 nghìn giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tiếp cận với các kiến thức được chuẩn hóa về trẻ em tự kỷ tại ở Việt Nam.

Qua những hoạt động này, khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng. Dự án cũng tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho trẻ tự kỷ và gia đình các cháu. Cùng với đó, tăng cường sự quan tâm trách nhiệm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và cộng đồng với gia đình có trẻ tự kỷ trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ.

Bên cạnh đó, mở rộng các chiến dịch truyền thông tới các gia đình có trẻ em tự kỷ và cộng đồng xã hội được hiểu biết, nâng cao nhận thức và trang bị một số kiến thức cơ bản về trẻ em tự kỷ.