Người nặng lòng với những hoàn cảnh khó khăn

NDO -

Gần 70 tuổi, ông Ông Văn Bán, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vẫn miệt mài với công việc từ thiện của mình, mong muốn giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh vơi đi khó khăn trong cuộc sống.

Ở tuổi 69, ông Ông Văn Bán vẫn nhiệt tình với công tác từ thiện.
Ở tuổi 69, ông Ông Văn Bán vẫn nhiệt tình với công tác từ thiện.

Ông Bán từ thiện

Sau khi nghỉ hưu tại một nhà máy dệt, ông Bán về tham gia công tác tại Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường (gọi tắt là Hội). Ông vẫn còn nhớ mãi thời gian đầu mới nhận công việc này. Các hoàn cảnh khó khăn, những hộ nghèo ở phường khá nhiều nhưng nguồn lực của Hội vẫn còn hạn hẹp. Ngày ngày ông đến từng đơn vị, từng doanh nghiệp, từng nhà dân để vận động xin kinh phí làm từ thiện. Hoàn cảnh nào khó khăn cần hỗ trợ ngay, hay chương trình hoạt động nào sẽ thực hiện ông cũng thông báo rõ ràng để các mạnh thường quân biết. Rồi những đơn vị ở xa thì ông gửi thư, gọi điện… Của ít lòng nhiều, người có tiền chia sẻ tiền, người có công hỗ trợ ngày công… mỗi trường hợp được trao, ông đều báo lại với người ủng hộ, minh bạch những nguồn kinh phí.

Ông cũng kiện toàn tổ chức Hội từ phường đến khu dân cư nhằm bảo đảm chất lượng hoạt động. Đến nay, toàn phường đã có 22 chi hội khu dân cư, cơ sở tôn giáo với gần 300 hội viên. Qua đó, không chỉ thể hiện sự chia sẻ của cả cộng đồng đối với người nghèo, trẻ bất hạnh mà còn góp phần vào hoạt động của Hội. Dần dần, “ông Bán từ thiện” nhận được sự tin tưởng của mọi người trong phường, nhiều nguồn hỗ trợ được duy trì thường xuyên, nhiều chương trình từ thiện thiết thực, hiệu quả được thực hiện.

Trong 5 năm (2015-2020), ông cùng các hội viên đã triển khai các hoạt động và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền gần chín tỷ đồng. Với số kinh phí đó, đã triển khai xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; trao sinh kế làm ăn; trao học bổng, tặng quà cho trẻ em; Tết cho người nghèo; hỗ trợ phòng, chống Covid-19 và các mô hình khác...

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hải (41 tuổi) trong ngôi nhà mới khang trang vừa được xây từ một nửa kinh phí hỗ trợ từ Hội. Bản thân anh làm thợ điện nước, gia đình thuộc diện hộ nghèo, bốn người ở trong ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, mùa mưa bão không khỏi lo lắng. Gia đình luôn mong muốn được xây mới ngôi nhà nhưng vợ thường xuyên đau ốm nên anh cũng chưa dám thực hiện. Thấy hoàn cảnh như vậy, ông Bán và hội viên đã kêu gọi từ các nơi và hỗ trợ gia đình 70 triệu đồng để xây nhà.

Anh Nguyễn Văn Hải tâm sự: “Có ngôi nhà rồi tôi cũng an tâm lao động làm việc, vơi đi nỗi lo, con cái được sống trong căn nhà an toàn. Vừa rồi, tôi đã xin ra khỏi hộ nghèo, nhận được hỗ trợ từ mọi người như vậy là quá nhiều, có những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình nên tôi mong muốn có thể chia sẻ với người khác”.

Người nặng lòng với những hoàn cảnh khó khăn -0
Ông Bán thăm một trường hợp khuyết tật tại phường.

Kết nối và chia sẻ

Mô hình “Bếp ăn tình thương” là một trong những hoạt động ý nghĩa mà Hội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ phường thực hiện trong nhiều năm nay. Mỗi ngày, mọi người thực hiện nấu từ 100 đến 200 suất ăn giao đến tận tay bệnh nhân nghèo, trẻ em tại Bệnh viện đa khoa Cẩm Lệ và các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Mỗi năm đã có gần 31.000 suất cơm; hơn 11.600 suất sữa, cháo, bánh… được trao đến người bệnh với tổng kinh phí ba tỷ đồng. Tại đây, cũng nhiều trường hợp khó khăn, nhiều người bán vé số, bán hàng rong, người già neo đơn… ở các nơi về chữa bệnh, ông và những người trong Hội lo cơm, cháo ngày ba bữa, kêu gọi nguồn kinh phí để giúp đỡ.

Công tác chăm lo các em nhỏ cũng được chú trọng. Trong quá trình hoạt động, Hội phối hợp cùng cán bộ Tư pháp – Hộ tịch và Công an phường đã cho các gia đình nhận nuôi sáu trẻ bị bỏ rơi. Đồng thời, thường xuyên hỏi thăm, động viên các gia đình nhận nuôi. Đến hiện tại, các em đều phát triển tốt.

Với mạng lưới hội viên đều ở các khu dân cư nên chương trình cứu tế, cứu trợ luôn được quan tâm. Qua đó, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo khó bất hạnh… cũng được hỗ trợ thường xuyên; được khám, chữa bệnh miễn phí hằng năm… Trong 5 năm, đã có hơn 6,5 tỷ đồng thực hiện cứu trợ xã hội.

Từ những ngày bắt đầu cho đến bây giờ đã gần 15 năm, vậy mà khi được hỏi có khó khăn gì ông chỉ “khoe” là mình có toàn thuận lợi. Ông nói, được mọi người trong phường, lãnh đạo, hội viên và người dân ủng hộ, tin tưởng là thuận lợi. Được gia đình, con cháu đồng hành cũng là thuận lợi, vì vậy, ông không còn thấy khó khăn gì.

“Được giúp những mảnh đời khó khăn tôi thấy rất vui, cái vui của mọi người cũng là cái vui của mình. “Người trồng cây kiểng để chơi, ta trồng cây đức để mọi người hưởng chung”, nên tôi chưa bao giờ nghĩ bao nhiêu tuổi mình sẽ dừng lại. Hiện tại, làm được gì cho xã hội, giúp được gì cho những người khó khăn là tôi thấy yên lòng. Tôi cũng mong trong tương lai, cuộc sống của những người khổ cực được cải thiện nhiều hơn để không bị tụt lại phía sau”, ông Ông Văn Bán chia sẻ.