Tìm hướng phát triển cho doanh nghiệp Việt tại Bắc Lào

NDO -

Ngày 13-12, tại Luang Prabang, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang, phụ trách khu vực Bắc Lào đã tổ chức Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Bắc Lào, với sự tham dự của hơn 50 đại diện các doanh nghiệp, người Việt Nam tại toàn bộ tám tỉnh Bắc Lào là Bokeo, Luang Namtha, Oudomxay, Xayaburi, Phongsaly, Houaphanh, Xiengkhouang và Luang Prabang.

Tổng Lãnh sự Nguyễn Đăng Hùng nhấn mạnh những thế mạnh của một số tỉnh Bắc Lào tại hội nghị.
Tổng Lãnh sự Nguyễn Đăng Hùng nhấn mạnh những thế mạnh của một số tỉnh Bắc Lào tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Lãnh sự Nguyễn Đăng Hùng thông báo vắn tắt tình hình phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh Bắc Lào; nhấn mạnh những thế mạnh của một số tỉnh cũng như sự hợp tác về mặt chính quyền của các tỉnh này với Việt Nam nói chung, nói riêng với một số tỉnh giáp biên và khu vực Đông Bắc của Việt Nam.

Thời gian qua, do tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội trên toàn thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào cũng không nằm ngoài tác động, ảnh hưởng đó.

Trước tình hình này, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam phụ trách khu vực Bắc Lào tổ chức Hội nghị nhằm lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, tập trung vào khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp đã và đang gặp phải, trên cơ sở đó thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo dựng mạng lưới thông tin, liên kết giữa các doanh nghiệp, tiến tới thành lập Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại khu vực Bắc Lào.

Khu vực Bắc Lào có diện tích lớn, chiếm gần một nửa diện tích với khoảng 40% dân số của Lào, có nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng cũng đi kèm không ít khó khăn, thách thức như địa hình đa phần là đồi núi, hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc còn hạn chế, đi lại khó khăn, dân cư thưa, thị trường nhỏ, sức mua yếu… Toàn bộ tám tỉnh Bắc Lào đều có mối quan hệ hợp tác văn hóa, xã hội và kinh tế với Việt Nam, nhiều tỉnh đã kết nghĩa với các tỉnh phía Đông Bắc Việt Nam. 

Các doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Bắc Lào chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ, còn yếu về nội lực, cả về vốn, kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản lý, thiếu lao động có tay nghề, địa vị pháp lý…; chưa có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển giữa các doanh nghiệp; ngoài ra chính sách cơ chế của Lào về đầu tư còn chưa nhất quán, giữa T.Ư và địa phương nhiều vấn đề còn chưa thống nhất, vấn đề quy hoạch đất và quỹ đất chưa rõ ràng nên có ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án.

Tìm hướng phát triển cho doanh nghiệp Việt tại Bắc Lào -0
Hàng chục doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị.

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu cũng đã nghe ý kiến, tham luận của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Lào và đại diện các phòng chức năng liên quan của Đại sứ quán, đại diện Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (Viet-Lao BACI).

Các đại biểu đã nhất trí triển khai công tác chuẩn bị, tiến tới thành lập Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Bắc Lào (BACI Bắc Lào), bước đầu tiên là thành lập Ban Chấp hành lâm thời gồm đại diện doanh nghiệp của tám tỉnh Bắc Lào, cử một Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và một Tổng Thư ký Hội. Các đại biểu đã nhất trí cử ông Sommai làm Chủ tịch Hội để tiếp tục vận động, thực hiện các thủ tục pháp lý và các công tác chuẩn bị tiếp theo khác tiến tới thành lập Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Bắc Lào.