Tết sớm của người Việt ở Dagestan

NDO -

NDĐT - Một buổi chiều cuối năm, trên đường xuôi về miền nam nước Nga, chúng tôi đến vùng đất nổi tiếng đã đi vào trái tim biết bao người yêu những áng văn học Nga. Nơi ấy, nhà văn Nga Rasul Gamzatov đã yêu mến gọi bằng cái tên: “Dagestan của tôi”. Nơi ấy còn có một “xóm” nhỏ yên bình của bà con người Việt, những người đã chọn nghề xây dựng làm sinh kế nơi này.

Tết sớm của người Việt ở Dagestan

Từ trong khu nhà khá lớn với ba dãy xếp hình chữ U, ôm lấy những luống rau xanh rì, đổ ra sân đón chúng tôi trong buổi nhá nhem tối hôm ấy là líu ríu tiếng chào, tiếng hỏi bằng giọng xứ Nghệ, Quảng Bình, giọng Bắc Giang, giọng Hải Phòng, Thái Bình… Đã được giới thiệu từ trước, song tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi ở nơi miền xa tít tắp, thành phố Kaspiysk, nằm bên bờ biển Caspian, thuộc Cộng hoà Dagestan, trong thành phần Liên bang Nga, nơi cách thủ đô Moscow gần ba giờ bay ấy, có cả một “xóm nhỏ” của người Việt. Cảm giác như đang ở một nơi nào đó ngay trên quê hương mình. Hoá ra đây là nơi ở của hàng chục gia đình người Việt, vốn là anh em họ hàng, là bà con bạn bè, mỗi người mỗi lý do trôi dạt đến nước Nga, rồi trụ lại và phát triển ở vùng đất xa xôi này suốt hơn chục năm qua.

Được biết, có tới 90-95% bà con người Việt sinh sống ở Kaspiysk, cũng như trên khắp Dagestan làm nghề xây dựng. Anh Nguyễn Tiến Cường, quê Bắc Giang, là một trong những người có mặt tại nước cộng hoà này sớm nhất, từ năm 2005, cho biết: “Vào những năm đầu khi người Việt mới về sinh sống ở nước cộng hoà này, nghề xây dựng rất phát triển, bà con ta làm ăn tốt. Khi ấy cộng đồng có tới năm, bảy nghìn người”. Dagestan, là nước cộng hòa thuộc Nga lớn nhất tại vùng Bắc Kavkaz, cả về diện tích và dân số, với những thành phố đang trong quá trình phát triển, có nhiều nhu cầu về xây dựng mới, sửa chữa nhà cửa, hay hoàn thiện các căn hộ chung cư… Bà con ta, vốn cần cù chịu khó, đôi tay khéo léo không lúc nào hết việc. Anh Cường cho biết thời đó, những khi nhiều việc, nhất là vào mùa hè, mùa của xây dựng, trừ tiền ăn tiêu sinh hoạt, mỗi người thợ xây dựng Việt Nam cũng dành dụm được khoảng hai đến ba nghìn USD mỗi tháng. Anh cười bảo: “Nghề xây dựng cứ khoác áo ra khỏi nhà là biết có tiền”. Tiền công của người thợ hồ đến đều đặn. Chỉ cần chăm chỉ là có tiền, chứ không phải vất vả tính toán nghĩ suy như bà con cộng đồng làm nghề đi chợ, buôn bán quần áo ở những vùng miền khác trên khắp nước Nga.

Tết sớm của người Việt ở Dagestan ảnh 1

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nước Nga chịu cảnh cấm vận, đời sống người dân sở tại khó khăn hơn, nhu cầu xây dựng ít nhiều cũng giảm bớt. Lại thêm bà con ta nhiều người cũng tích cóp được chút vốn liếng, đã trở về quê hương, đoàn tụ gia đình, nên số người sống rải rác tại Dagestan, nơi thủ phủ Makhchkala, hay các thành phố Khasavyurt, Kispiysk… cũng chỉ còn trên dưới 1.000 người. Riêng tại Kaspiysk, con số này vào khoảng 150 người.

Trong buổi chiều ở xóm nhỏ Kaspiysk hôm ấy có thật đông các em bé tầm hai, ba tuổi, thật đông những đôi vợ chồng trẻ, líu ríu chuyện trò, tất bật bưng những đĩa xôi, những xiên thịt nóng hổi lên dọn cỗ. Anh Nguyễn Văn Ngạc, người Thái Bình, có vợ là chị Hồng Xiên, người Hà Nội, cho biết hôm nay tất cả các anh chị em đều tạm rời công trình về xóm nhỏ đón tết. Tôi nhẩm nhẩm trong lòng rồi thắc mắc, mới qua ngày ông Công ông Táo, tết đã về đâu nhỉ?! Tiếng cười rộ lên. Các anh chị em, chị Trần Thị Tuyết, người Sơn Động, Bắc Giang, anh Phạm Quang Hoàn, người Hải Phòng, anh Hải quê Quảng Bình, vợ chồng anh chị Tài – Thơm, người Nghệ An,… tranh nhau giải thích, rằng: “Ở đây, cứ hễ cả xóm được quây quần tụ họp, được ăn cùng nhau bữa cơm, ngồi xem chung một buổi thời sự từ các đài truyền hình ở quê nhà, thì những hôm đó là ngày hội, là tết”. Tết sớm ở Dagestan chỉ đơn giản như thế! Quả thật, ở vùng đất xa xôi này, thời gian đón tết cổ truyền dân tộc, phần nhiều phụ thuộc vào chính tiến độ, thời hạn phải bàn giao các công trình, khi mà bà con ta làm nghề xây dựng, vốn đa phần sẽ ăn ở ngủ nghỉ ngay tại công trình.

Nhìn những gương mặt hồ hởi, những em bé nô đùa, tôi thắc mắc sao có đông trẻ con thế mà lại lít nhít làng nhàng tuổi nhau?! Vợ chồng anh Hoàn – chị Ngọc cho biết các cháu lớn đều được gửi về đi học ở Việt Nam. Hơn nữa, từ vài ba năm trở lại đây, cuộc sống của cộng đồng người Việt mới dần được cải thiện, bà con đã có của ăn của để, và đã dám sinh con. Anh Hoàn nói: “Như xưa kia nuôi mình còn chả đủ, sao dám sinh con?! Còn giờ đây, cộng đồng ta đã dần tạo được vị trí xã hội trên mảnh đất Dagestan và chiếm được cảm tình của người dân nơi này”. Còn như trước đó, anh Nguyễn Tiến Cường cho biết, “đâu đó có những vụ xô xát, do vài ba người Việt uống rượu rồi to tiếng đánh nhau”. Ngoài ra do không hiểu tiếng Nga, giữa cộng đồng và người dân địa phương không hiểu ý nhau, nên cộng đồng gặp những khó khăn không nhỏ trong việc hoà nhập xã hội. Còn một nguyên nhân nữa là bà con ta đi làm xa nhà, nhiều người hoàn cảnh khó khăn, nên sẵn sàng chịu thiệt thòi, chấp nhận đồng lương thấp hơn hẳn, thậm chí có những thời điểm đồng lương chỉ bằng một nửa so với các lao động địa phương. Tuy nhiên, cùng với thời gian, bà con ta tự học tiếng Nga, có thể trao đổi trực tiếp và tự bảo vệ quyền lợi của mình, thay vì xưa kia có lúc chỉ vì không biết tiếng, hai bên không hiểu nhau, mà cá biệt có trường hợp bị chủ nhà quỵt tiền công. Thì nay mọi sự đã khác. Xác định rõ trong nghề xây dựng, chất lượng công trình là quan trọng nhất, nên bà con ta luôn cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất, tạo được chữ tín trong lòng khách hàng. Về phía người dân bản địa, khi hài lòng về chất lượng công trình, họ lại mách cho nhau, người nọ giới thiệu người kia, bà con ta việc làm không xuể.

Tết sớm của người Việt ở Dagestan ảnh 2

Đến thăm một công trình nơi bà con ta đang hoàn thiện, chúng tôi gặp anh Lê Tuấn Cường, người Đông Triều, Quảng Ninh. Anh cho biết: “mỗi năm dành dụm được khoảng 10 đến 12 nghìn USD. Trung bình vào mùa hè, mỗi ngày bà con ta thường làm việc 10 tiếng, còn mùa đông trời lạnh và tối sớm, nên chỉ làm sáu tiếng”. Khi được hỏi về cuộc sống, anh Cường cho biết “ở đây cũng chỉ lo đi làm đi ăn”, và rằng: “ở đây không có ngày lễ tết”. Theo anh, bà con khi tạm xong công trình, thường tụ tập về xóm nhỏ ở Kaspiysk. Và “khi sống xa nhà, anh chị em luôn đùm bọc nhau, chia sẻ ngọt bùi, cùng nhận công trình và đi làm cùng nhau, và như thế là ấm lòng”. Và như thế là Tết!

Theo con số không chính thức, tính đến những ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sau gần 15 năm những người Việt đầu tiên có mặt tại Dagestan, đến nay còn khoảng trên dưới 1.000 người trụ lại ở vùng đất được mệnh danh là mến người này. Tất cả họ đều có giấy tờ cư trú hợp pháp hoặc đang trong quá trình hoàn tất. Song điều quan trọng hơn, bà con đã giành được chỗ đứng trong lòng người dân địa phương. Bằng sức lao động chân chính, cộng đồng người Việt đã được người dân địa phương yên mến và quý trọng, được giúp đỡ và dần dần hoà nhập xã hội tốt. Trong khi đó, bà con ta cũng dần nhìn xa trông rộng, có người đã mua đất, dựng nhà, có người còn chuẩn bị chuyển đổi, làm thêm ngành nghề trồng trọt, tất cả những nỗ lực ấy nhằm xây dựng cuộc sống ngày càng sung túc hơn, để có nhiều điều kiện hơn hướng về quê cha đất tổ.

Ở đây tuy tết không sẵn bánh chưng, vắng những cành đào, nhưng trong lòng mỗi người luôn hiện hữu một mùa xuân. Mùa xuân ấy đến từ những tình cảm ấm áp, mà những người đi làm ăn xa nhà luôn dành cho nhau. Và Dagestan đã trở thành quê hương thứ hai của họ.