Nhật ký mùa dịch tại Pháp

NDO -

NDĐT - Hôm nay trời đẹp, nắng ấm ở Paris. Thành phố Paris cũng như các nơi khác trên toàn nước Pháp đã trải qua hơn một tháng phong tỏa. Tổng thống Pháp đã tuyên bố "Nous sommes en guerre - Chúng ta đang có chiến tranh", chống kẻ thù vô hình đang trên đà tấn công vũ bão.

Đường phố Paris không còn cảnh náo nhiệt như trước khi có dịch.
Đường phố Paris không còn cảnh náo nhiệt như trước khi có dịch.

Sau lời tuyên bố của người đứng đầu nước Pháp, cảm xúc trong tôi dâng trào lên theo từng giờ từng phút như đang chờ đón những gì sẽ xảy ra. Mỗi ngày sau đó, một tiếng động cũng là giật mình, yên lặng quá, không một ai ngoài phố, không một chiếc xe chạy, như đang chờ đợi những gì sẽ xảy ra. Chúng ta đang thời kỳ chiến tranh, nhưng không phải là chiến tranh chống lại người khác. Kẻ địch không biết ở đâu, như đang rình rập để bám lấy chúng ta. Số nạn nhân càng ngày càng tăng.

Phong tỏa hoàn toàn nước Pháp cho tới đầu tháng 5. Nhưng khi đó, việc nới lỏng chỉ trong khu vực vùng và chỉ được di chuyển trong khoảng cách 100km2, trừ trường hợp đặc biệt.

Nhật ký mùa dịch tại Pháp ảnh 1

Tặng đồ ăn cho các nhân viên y tế.

Chỉ đi ra ngoài khi nào có việc thiết yếu, như đi mua thức ăn, đi khám bệnh, đi thăm bố mẹ đau ốm, đi làm hay có gì khẩn cấp... Trong lúc này mới thấy đoàn kết và giúp đỡ nhau thật có ý nghĩa, điện thoại cho nhau hỏi thăm tin tức hay sức khỏe. Và từ khi toàn nước bị phong tỏa, mọi người ở khắp nơi chờ đến 8 giờ tối hằng ngày để cùng mở cửa sổ, vổ tay cổ vũ tinh thần các "chiến sĩ áo trắng", cảm ơn họ đang ngày đêm chống giặc Covid-19. Tinh thần tương trợ lan tỏa khắp nơi. Nhiều người mang đồ ăn tặng nhân viện y tế, hay taxi đề nghị đưa họ đến bệnh viện vì nhà xa hay tạm trú tại nhà người dân vì bệnh viện quá tải không có nơi nghỉ ngơi. Những chiến sĩ áo trắng "chiến đấu" gần như 24/24 giờ, luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu người nhiễm bệnh. Tàu hỏa, phương tiện công cộng cũng đồng hành, chuyên chở miễn phí những chiến sĩ áo trắng ra trận.

Đâu cũng thế, Việt Nam cũng thế, những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chống dịch Covid. Toàn thế giới trong hoàn cảnh như nhau. Nous sommes en guerre, chúng ta đang thời kỳ chiến tranh, phải chiến đấu lên để khống chế kẻ địch. Và chúng ta sẽ thắng...

Dịch Codiv-19 làm xáo trộn đời sống xã hội và kinh tế thế giới. Chưa biết tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ

Nhật ký mùa dịch tại Pháp ảnh 2

Xếp hàng đi chợ thời Covid-19.

Yên lặng quá nhưng không thể tập trung làm những việc còn dang dở, tôi nghĩ vẩn vơ xem có gì sẽ xảy ra trong tương lai. Rồi tôi nghĩ đến những kỷ niệm trong các chuyến đi công tác và kỷ niệm về Việt Nam để quên đi hiện tại. Khi đó tôi đi từ bắc vào nam, không mệt mỏi để thực hiện những dự án đầy ý nghĩa, để mang lại tình thương cho những trẻ bất hạnh không gia đình hay bị bỏ rơi lang thang trên đường phố hay những trẻ bị khuyết tật vì hậu quả chiến tranh. Ở quê hương Việt Nam yêu dấu, tôi và các anh chị em ở đó chia sẻ những tâm tư và động viên nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Rồi lại chia tay, mỗi người một nơi, vì nhiệm vụ vì cuộc sống và hoàn cảnh khác nhau.

Chiến tranh "Cô Vy" này kéo dài bao lâu? Nếu là chiến tranh chống ngoại xâm, ai cũng có thể tình nguyện làm lính xung phong tham gia bảo vệ Tổ quốc. Còn đây là một chiến tranh vô hình không biên giới, không thấy kẻ địch nơi đâu.

Tin tức xấu vẫn xảy ra hằng ngày, có thêm người bị chết, rồi đến ai nữa. Yên lặng quá, thỉnh thoảng có xe chạy qua, như một bóng ma. Tiếng nói của người đi đường cũng như có chuyện gì xảy ra, buồn cười nhỉ nhưng nếu ở cùng hoàn cảnh hiện nay, sẽ hiểu hơn nỗi lo âu là gì.

Bầu trời lại ảm đạm, như sắp mưa, sáng lên đi, nắng lên đi để cho hoa hồng nở nụ cười, để trẻ em được nhảy tung tăng trên đường phố.

Nhật ký mùa dịch tại Pháp ảnh 3

Một kiểu chống dịch ở Paris.

Dịch Covid-19 thay đổi cả xã hội và kinh tế hoàn cầu và chưa lùi bước. Phong tỏa cả nước Pháp tiếp tục kéo dài hơn nữa. Dịch vẫn bùng phát nghiêm trọng tại châu Âu, trong đó có Pháp. Trong thời gian này, cộng đồng Việt kiều Pháp hỗ trợ lẫn nhau, vững tâm, bình tĩnh và lạc quan, điện thoại thăm hỏi thường xuyên, đặt biết các bác lớn tuổi và khi cần gì thì tổ chức giúp đỡ và chia sẻ với nhau. Nhận được điện thoại hỏi thăm, tôi cũng ấm lòng trong lúc khó khăn để khỏi cô đơn. Thời kỳ đại dịch cũng giúp cho chúng ta được nhìn thấy những câu chuyện cảm động về tình tương thân tương ái.

Trong khu chung cư nơi tôi ở, mọi người cùng quan tâm hơn tới những người già, lo lắng cho nhau. Có những dòng chữ dán lên hộp thư với nội dung vô cùng cảm động: "Trong tình hình này, nếu bạn cần giúp đỡ, đừng ngần ngại hỏi chúng tôi qua điện thoại. Nếu không thể ra ngoài và cần mua sắm hoặc bất cứ điều gì, đừng ngần ngại điện thoại cho tôi".

Không nên đi ra ngoài nhiều nhưng chúng ta đoàn kết hơn bao giờ hết. Cầu mong cho mọi người bình an.

Trường học đóng cửa, hội phụ huynh của từng lớp lập nhóm để trao đổi với nhau và hỗ trợ qua mạng hay tổ chúc trao đổi làm việc hay hội đàm cầu truyền hình, điều mà từ trước tới giờ chưa từng có. Các giáo viên liên lạc học sinh qua hộp thơ điện tử và các lớp chuẩn bị thi như tú tài vẫn liên lạc thường xuyên các cô thầy giáo để chuẩn bị mùa thi sắp tới.

Hôm nay là ngày thứ bảy thứ mấy... tôi không nhớ nổi vì ngày nào cũng như ngày nào, số người nhiễm và chết còn tăng.

Giờ này ngày thường khi chưa có dịch, xe và người qua lại tấp nập. Hôm nay không một bóng ai qua lại. Giờ có nhiều người ra đường mang khẩu trang với nhiều kiểu. Cũng có người sáng tạo ra khẩu trang theo kiểu của mình, thật là buồn cười và hài hước.

Nhật ký mùa dịch tại Pháp ảnh 4

Không ai bảo ai, cứ đến 20 giờ hằng ngày, ra cửa sổ vỗ tay động viên các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch.

Làm "đuôi" trước siêu thị, mỗi người phải đứng cách nhau ít nhất 1m, tuần tự mà vào với số người có hạn, chìa tay khử trùng khi vào trong. Có người mang khẩu trang và có người không vì chính phủ tuyên bố không cần thiết. Mỗi xứ mỗi khác.

Ngày thứ 15, hơn hai tuần phong tỏa toàn nước Pháp, số nạn nhân tăng lũy tiến từng ngày khiến ai cũng ít nhiều đều cảm thấy sợ hãi. Trong những ngày này, cả thế giới đang lao đao và chính phủ Pháp tuyên bố kéo dài thêm hơn 15 ngày phong tỏa. Cấm tụ tập quá 10 người, cấm chợ ngoài trời. Trong tương lai, kinh tế sẽ khủng hoảng, dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại.

Nhân loại rúng động và xã hội tan tác vì một con siêu vi khuẩn. Cả thế giới tê liệt. Trong lúc này nước Pháp đang phong tỏa vì dịch Covid-19 đang bành trướng, cho thấy sự yếu ớt của nhân loại trước vũ trụ. Giàu nghèo cùng như nhau, bắt buộc trong lúc này phải đoàn kết vì sự sống còn.

Nó là một con virus nhỏ bé không thể nhìn thấy, vô hình mà làm xáo trộn đời sống hoàn cầu. Từ những nước lớn giàu sang muốn là bá chủ thế giới, giờ đây gục ngã trước một con virus.

Đời sống hằng ngày thay đổi, xã hội thay đổi và kinh tế suy sụp. Có ai tưởng tượng được một thứ vô hình mà có quyền thay đổi cấu trúc xã hội thế giới. Hiện nay, bắt buộc phải đoàn kết và liên kết lại để chống lại sự tàn phát của nó và bảo vệ mạng sống con người.

Thật khủng khiếp quyền luật của vi sinh vật, có một sức mạnh phi thường thay đổi xã hội và hủy diệt nhân loại.

Quyền lực ấy là do con vi sinh vật thật nhỏ bé hơn nghìn lần hạt cát, một con siêu khuẩn đang xâm lấn và hủy diệt chúng ta… Cũng nhờ con virus siêu nhỏ bé đã là giảm đi tham vọng của cường quốc vì sự sống còn của dân tộc, bắt buộc họ đoàn kết với nhau.

Nó đã làm được điều là chưa làm được. Chiến tranh Trung Đông tạm dừng lại cũng là nhờ con siêu vi khuẩn nhỏ bé ấy.

Tại Pháp, các đảng phái chính trị trong nước bỗng nhiên yên lặng, thôi tranh cãi cũng nhờ con virus nhỏ bé này. Có nhà chính trị gia nào có làm được điều ấy không, mà con virus corona đã làm được điều ấy. Nhưng đây là trạng thái hòa bình tạm thời, rồi một ngày nào đó sẽ còn duy trì được sự đoàn kết tương thân tương ái như lúc này không?

Ngẩn nghĩ trở lại, chỉ trong thời gian ngắn đã chứng tỏ chúng ta có thể chung sống với nhau để chống chọi và bảo đảm sự tồn tại nhân loại...

Dịch Covid-19 này cho chúng ta thấy sự yếu ớt, bị phụ thuộc và không quyết định cuộc sống của chúng ta trên luật tự nhiên. Luật tạo hóa không thể nào thoát được. Cái biên giới của mỗi xứ là biên giới giả tạo đặt ra cho con người, trái lại con virus nó không cần biên giới, không cần hộ chiếu và mà hiện nay đang định đoạt cuộc sống của chúng ta. Nó nhắc nhở rằng định mệnh của chúng ta do chúng ta quyết định sống hay chết vì chúng ta tự hủy hoại cuộc sống, tranh đua quyền lợi mà không màng đến môi trường sống!?

Các nhà chính trị có giải quyết gì được không? Hậu quả hiện nay đã thấy rõ. Ô nhiễm môi trường và quyền lực, lúc nào cũng muốn thống chế thiên hạ nhưng ngày hôm nay nhìn lại cả thế giới bị thống chế bởi con virus. Covid-19 đã cho chúng ta một bài học để kìm hãm lại tham vọng, vĩ đại thế nào hay tuyệt vời thế nào, thì chúng ta không phải là người điều khiển được cả vũ trụ, không thể vì quyền lợi cá nhân, bất chấp cả quy luật tự nhiên. Cần xem lại những hậu quả của chúng ta để lại như thay đổi khí hậu.

Chúng ta đã hủy hoại môi trường sống, rau, cây ăn trái hay những món ăn hằng ngày đầy chất hóa học và tự hào rằng mình mang lại nguồn sống cho nhân loại.

Cuộc sống thiên nhiên có chu kỳ. Trời tối và lại sáng, có lúc khó khăn và có lúc dễ dàng, lạc quan đi, rồi tất cả sẽ qua!

Nhiều người coi Covid-19 là một thảm họa thế giới. Nhưng hy vọng, sau thảm họa này, cùng suy nghĩ định hướng thế nào để sửa đổi lại cách sống về sức khỏe, môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên và tuân theo luật tuần hoàn trái đất nếu không chúng ta tự hủy diệt chúng ta.

Nhìn lên trời cao, dù sao còn cảm thấy niềm hy vọng và sự yên ổn, rồi an bình trở lại sẽ trở lại…

Paris, Mùa dịch Covid-19