Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa vùng đông-bắc Thailand

NDO -

NDĐT - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên rộng gần 10.000 m2, tại bản Noỏng Ôn, thị xã Mương, tỉnh đông bắc Udon Thani. Đây là khu di tích đầu tiên về Bác Hồ, về quá trình hoạt động cách mạng của Người tại Thailand trong giai đoạn 1928-1929. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, Khu di tích đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách Thailand và quốc tế, không chỉ của tỉnh Udon Thani và còn cả vùng đông bắc của Thailand.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thailand.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thailand.

Nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Thailand và Việt Nam, hơn 10 năm trước, chính quyền Thailand đã quyết định và tạo điều kiện cho việc xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính nơi Người đã ở, để làm nơi nghiên cứu, học tập về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại Thailand trong giai đoạn 1928 - 1929, góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đây là công trình đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thailand, được xây dựng từ công sức và đóng góp của bà con Việt kiều, tiếp đó mới có các khu tưởng niệm Bác ở tỉnh Nakhon Phanom và Phichit.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa vùng đông-bắc Thailand ảnh 1

Khu di tích giờ đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng và thu hút nhiều du khách của tỉnh Udon Thani, góp phần đưa tỉnh này trở thành thủ phủ của vùng đông bắc Thailand về kinh tế, văn hóa và du lịch. Mỗi năm, Khu di tích đón từ 22-24 nghìn khách thăm viếng, đồng thời luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của bà con Việt kiều và chính quyền địa phương. Các chi phí cho bảo vệ, vệ sinh, sửa chữa các hạng mục xuống cấp đều được chính quyền địa phương hỗ trợ chi trả. Đầu năm 2017, con đường nối tỉnh lộ 2263 vào Khu di tích đã được chính quyền địa phương đặt tên Thầu Chín 1 và Thầu Chín 2, trong đó đường Thầu Chín 1 dài 5 km, rộng 6 m, đường Thầu Chín 2 dài 160 m, rộng 4 m, thể hiện sự tôn kính và yêu mến của người dân Thailand dành cho Bác.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa vùng đông-bắc Thailand ảnh 2

Đường Thầu Chín 1 dài 5 km, rộng 6m nối đường chính với Khu di tích.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được chia làm hai phần, gồm Trại Cưa và Khu đa năng. Trại Cưa, nơi Bác Hồ dừng chân chọn làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929, được phục dựng với ngôi nhà chính lợp lá ba gian: Gian giữa là nơi hội họp, học tập; Gian bên trái có kê một bộ bàn ghế gỗ là nơi Bác làm việc, ở trong góc là một chiếc giường ngủ nhỏ; Gian bên phải là một sạp gỗ chạy suốt chiều dọc làm nơi nghỉ ngơi cho anh em đồng chí. Trong khoảng sân rộng dưới bóng cây là giếng nước, nhà kho, nhà bếp, khu sản xuất, chăn nuôi…

Theo trí nhớ của những Việt kiều cao tuổi, khu nhà cũng như vật dụng được phục dựng gần giống với khu nhà Bác ở trước kia. Khu nhà đa năng hai tầng nhìn bề thế, trang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ bình dị như cuộc đời của Người. Ở tầng một, gian chính đặt bàn thờ Bác Hồ với pho tượng đồng Bác theo phong cách truyền thống. Phía sau là hội trường và phòng tiếp khách, nơi các cán bộ Khu di tích kể lại với du khách về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có khoảng thời gian Người hoạt động cách mạng tại Thailand. Tiếp đó là các gian trưng bày giới thiệu khu di tích, những hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, trong đó có bà con người Việt ở Thailand, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Quý nhất là những bút tích của Bác, lời chào mừng bà con Việt kiều ở Thailand về nước chuyến đầu tiên, ngày 10-1-1960…

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa vùng đông-bắc Thailand ảnh 3

Tháng 7-1928, khi từ châu Âu về Xiêm (Thailand), sau hành trình từ Bangkok, dừng chân một thời gian ngắn ở tỉnh Phichit, Bác Hồ quyết định ở lại và xây dựng phong trào cách mạng ở bản Noỏng Bua, thị xã Mương, tỉnh Udon Thani với các tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn, Thầu Chín... Một thời gian ngắn sau đó, Bác chuyển về bản Noỏng Ôn và chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng, để người Xiêm có cảm tình hơn nữa với cách mạng Việt Nam, với người dân Việt Nam, trong đó có kiều bào gốc Việt. Người còn dạy bà con ta tôn trọng phong tục tập quán của người Xiêm, đồng thời duy trì văn hóa Việt, vận động mọi người vừa học chữ Xiêm, vừa viết chữ Việt, nói tiếng Việt.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa vùng đông-bắc Thailand ảnh 4

Khu nhà đa năng, nơi đặt tượng Bác.

Cùng với việc xây dựng tổ chức, Bác còn dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam đang hoạt động ở đây. Người còn giúp bà con Việt kiều đào giếng nước, vỡ đất làm vườn trồng rau, nuôi gà, lợn, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Chính vì vậy, Người được bà con người Việt, người Xiêm trong làng, trong xã yêu mến, che chở, giúp đỡ, đùm bọc. Khoảng hơn một năm sau, Bác chuyển đến hoạt động ở vùng khác, nhưng hình ảnh Thầu Chín luôn được người dân tỉnh Udon Thani nhắc đến như một tấm gương cho các thế hệ con cháu noi theo.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa vùng đông-bắc Thailand ảnh 5

Nhà lợp mái lá tái hiện gần giống nơi Bác Hồ sinh sống ở tỉnh Udon Thani, giai đoạn 1928-1929.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa vùng đông-bắc Thailand ảnh 6

Bà con Việt kiều là thành viên Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani. Cô Lê Tuyết Thế giữ chức Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích kiêm luôn hướng dẫn viên.