Cơ hội phát triển mới của Việt Nam

NDO -

NDĐT – Những kết quả ban đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đang được thế giới quan tâm, theo dõi. Đây là lúc để chúng ta rút ra những kinh nghiệm quý báu và chuẩn bị hành trang cho công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Nhân Dân điện tử xin giới thiệu bài viết của bác sĩ Võ Toàn Trung, Trưởng khoa Phục hồi chức năng vận động thần kinh của Bệnh viện Bullion (Paris, Pháp) về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới.

Bác sĩ Võ Toàn Trung.
Bác sĩ Võ Toàn Trung.

Không còn nghi ngờ gì nữa, phương pháp và cách thức chống dịch của Việt Nam chắc chắn đã đúng hướng và sẽ dẫn đến thắng lợi một đại dịch chưa từng nghe và chưa từng thấy trên thế giới. Một kẻ thù vô hình (như Tổng thống Pháp đã nói) nhưng lại để lại bao nhiêu đau thương và hệ lụy cho nhiều quốc gia và dân tộc, với những tổn thất khủng khiếp về con người và kinh tế. Sớm muộn các hậu quả cũng sẽ giải quyết, khắc phục được, nhưng những tổn thương về tinh thần đối với nhiều gia đình không thể một sớm một chiều nguôi ngoai. Sau đại dịch này, chắc chắn nhiều nhà lãnh đạo, chính phủ sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi và chất vấn. Sẽ còn không biết bao nghiên cứu và sách vở về "cuộc chiến" này được viết ra.

Vì sao những đất nước tiên tiến nhất về kinh tế, về xã hội, về y học chỉ trong vài tuần lễ dịch bệnh mà đành bó tay không thể cứu được bao nhiêu mạng người? Một nền y học tiên tiến bậc nhất lại thất bại trước một dịch bệnh vô hình. Mới cách đây vài tháng chúng ta còn nghe bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp của việc chinh phục vũ trụ, đưa người lên Sao Hỏa, trí tuệ nhân tạo thông minh... Thế nhưng chỉ trong vài ngày cả thế giới sững sờ trước nạn dịch mà cách thức chúng ta phản ứng như thời thế kỷ 13, 14 khi mà nạn dịch hạch đen cướp đi mạng sống 13 triệu người.

Chúng ta đã qua thế kỷ 20 với sự ra đời của kháng sinh, đã cho phép giải quyết tương đối hữu hiệu vấn đề nhiễm khuẩn nhưng những nguy cơ hiển hiện của bệnh dịch virus, vẫn chưa có giải pháp triệt để.

Đứng trước sự tàn phá của loại virus này, rất nhiều vấn đề bất cập đã hiện ra trước mắt. Thách thức của toàn cầu hóa dù đem lại sự thay đổi ngoạn mục cho kinh tế thế giới, nhưng theo chiều hướng tiếp tục phá hủy môi trường sống của con người và sinh vật nói chung. Virus dịch bệnh và biến đổi khí hậu sẽ là hai nguyên nhân chính đe dọa sự tồn tại và phát triển của loài người. Ý thức được điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cách tiếp cận và phát triển của thế giới. Một thế giới tương lai sẽ phải xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn. Con người sẽ phải phối hợp với nhau mạnh hơn nữa để chung tay chống lại kẻ thù virus.

Cách sống và suy nghĩ cũng sẽ thay đổi ở các quốc gia, điều này sẽ dẫn đến việc tổ chức lại nền kinh tế giữa các khối và các quốc gia theo các phương thức không hoặc giảm đến mức thấp nhất sự phụ thuộc vào một quốc gia nhất định. Đa dạng hóa các đối tác. Tìm kiếm và phát triển quan hệ, đặc biệt là xây dựng các công xưởng sản xuất dựa trên các đối tác đáng tin cậy.

Để giảm thiểu năng lượng vận chuyển hàng hóa, xu hướng sản xuất gần nơi tiêu thụ sẽ tăng lên, dù rằng giá thành sản xuất sẽ cao hơn vì vậy lợi thế cạnh tranh về giá thành sản phẩm dựa trên giá nhân công thấp cũng như giá thuê đất sản xuất sẽ không còn là lợi ích cạnh tranh chủ yếu nữa. Vì vậy chúng ta cần sẵn sàng cho xu hướng phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ cao. Điều quan trọng hơn là sẽ phải hợp tác với đối tác được tin cậy.

Vì vậy, sự cởi mở về ngoại giao, trung thực trong quản lý, minh bạch về tất cả các vấn đề gặp phải (như trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của chính phủ) sẽ là những yếu tố tiên quyết để tạo niềm tin và tìm được nhiều đối tác trên thế giới đặc biệt là các nước Mỹ, châu Âu...

Thành công bước đầu của Việt Nam trong kiểm soát dịch lần này là kết quả tất yếu của sự đồng thuận dân tộc trên cơ sở của sự lãnh đạo nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, kiên quyết của Đảng, Nhà nước. Rồi Chính phủ và chính quyền các cấp đã không quản ngày đêm, với nghị lực và tinh thần làm việc phi thường, cho phép triển khai trong một thời gian vô cùng ngắn, những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh. Việc kiểm soát thành công những ổ dịch nguy hiểm như ở Bệnh viện Bạch Mai là một trong những thí dụ điển hình.

Việc tổ chức tìm triệt để và triệt từng mầm bệnh, không để lây lan là một kỳ công hiếm có. Thành công trong việc kiểm soát dịch của Việt Nam đang là chủ đề được ca ngợi ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà khoa học thật sự ngưỡng mộ sự thành công của Việt Nam. Một mô hình mà thế giới cần phân tích học tập.

Việc thông tin rõ ràng đến từng người dân về chủ trương và mục tiêu chống dịch cùng với diễn biến cũng như các biện pháp cụ thể như đeo khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội ở giai đoạn rất sớm là chìa khóa thứ hai của sự thành công.

Mô hình của Việt Nam là dựa trên sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sự triển khai kịp thời và quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng thuận to lớn của người dân chính là điểm mấu chốt của sự thành công.

Việt Nam không những thành công trong việc xử lý dịch mà còn thành công khi trở thành một đối tác tình người, một đối tác tin cậy, một xã hội nhân văn dưới con mắt của nhiều quốc gia đặc biệt là các nước phương Tây. Đây chính là điểm thành công lớn thứ hai của Việt Nam.

Ở vị thế một nước nhỏ, còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta không ngần ngại chia sẻ với các nước đang gặp khó khăn, từ Trung Quốc, đến Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Cuba. Tinh thần tương thân tương ái đồng bào thể hiện qua sự trợ giúp của Chính phủ cho những người khó khăn đến những cây gạo ATM đầy tình người. Sự thể hiện sự chân thành và nhân văn của Việt Nam cả ở trong và ngoài nước đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tất cả đều đánh giá Việt Nam chính là đối tác tin cậy trong tương lai của nhiều nước.

Những cơ hội mới

Sau đại dịch, thế giới chắc chắn sẽ bước vào một giai đoạn mới với sự thay đổi về nhiều phương diện, từ cấu trúc xã hội đến xây dựng các giá trị cơ bản ở các cấu trúc thưọng tầng cũng như tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra: chủ quyền và an ninh quốc gia sẽ như thế nào? Đặc biệt liên quan đến y học, xây dựng nền kinh tế ra sao để không bị phụ thuộc? Bảo đảm được an ninh kinh tế và sức khỏe trong điều kiện mới, việc tạo lập biên giới sẽ ra sao đối với các nước như EU... ?

Việc sốc lại nền kinh tế sẽ không hề đơn giản một sớm một chiều, cho nên việc xây dựng mô hình kinh tế ra sao, các gói kích cầu kinh tế sẽ như thế nào trong tương lai, điều này khó đạt được sự đồng thuận của các nước, thí dụ như khối EU.

Tuy nhiên chúng ta có thể thấy một số điều chắc chắn sẽ thay đổi. Thế giới sẽ phát triển rất mạnh nền kinh tế số. Vì thế xu thế này cần phải được đẩy nhanh hơn nữa ở Việt Nam. Công nghệ thông tin sẽ là mảng phát triển rất mạnh trong tương lai.

Việc giao dịch chủ yếu qua mạng, từ mua hàng đến thanh toán và giao hàng tận nơi sẽ là những lĩnh vực rất phát triển. Trí tuệ nhân tạo và robot cũng sẽ rất phát triển.

Công nghệ trong y học như trang thiết bị trong tương lai và các thế hệ thuốc mới sẽ được đầu tư hàng đầu. Ngân sách cho nghiên cứu và ứng dụng cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng cho một đại dịch mới sẽ ở tầm mức rất lớn. Dự báo y học sẽ ở vị trí được vô cùng quan tâm, nhất là việc tái cấu trúc lại toàn bộ ngành y tế theo xu hướng mới.

Bên cạnh đó là việc sử dụng và ưu tiên phát triển cho công nghệ xanh với các ưu điểm: tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, ít hoặc không gây ô nhiễm môi trường, phát triển công nghệ thực phẩm và bao bì không ô nhiễm. Giảm đến mức thấp nhất các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, công nghệ xử lý nước sạch. Rồi tới việc thay đổi phương thức giảng dạy trên xu thế giúp học sinh các kỹ năng tìm, tổng hợp, phân tích thông tin và đề ra giải pháp tối ưu…

Bảo đảm an ninh về lương thực cũng sẽ được đặt lên hàng đầu trong điều kiện những thách thức của việc Trái đất đang nóng lên, thiên tai ngày càng nhiều và khắc nghiệt đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân.

Việt Nam cần chuẩn bị và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón nhận làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ trên thế giới đến nước ta, nơi đã chứng tỏ cho thế giới thấy khả năng tổ chức và chống dịch thành công. Việt Nam đã cho thấy là đất nước có tiềm năng về con người thông minh và sẵn sàng làm việc, một xã hội nhân bản, một đất nước đáng tin cậy.

Và cuối cùng Việt Nam là một đất nước có sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, và trên hết là đất nước có sự đồng thuận cao độ của người dân với Đảng và Nhà nước. Đây chính là sự bảo đảm cho thành công của các doanh nghiệp của nhiều nước khi họ muốn đầu tư sản xuất và làm việc lâu dài ở đây.

Sự chuyển dịch mới, sự phát triển định hình mới của thế giới trên tất cả các lĩnh vực chính là vận hội, là thời cơ lớn của dân tộc để chúng ta vượt hẳn lên thành một đất nước hiện đại và phát triển, là bạn và là đối tác tin cậy của các nước. Chúng ta cần phải sẵn sàng và quyết tâm cao nhất để nắm bắt thời cơ này.

Cùng nhau đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, nhất định chúng ta sẽ thành công.