Tận tụy với công tác bảo vệ môi trường

Nói về chị Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 1, Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường Ðô thị Hà Nội, nhiều người bày tỏ tình cảm yêu mến và nể phục. Tận tụy, hết lòng vì công việc,  chị Hương đã dành hơn nửa cuộc đời để làm đẹp cho Thủ đô yêu dấu…

Sinh ra và lớn lên tại một xã ven đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội, ngay từ khi còn rất nhỏ, chị Hương  mồ côi cả cha lẫn mẹ, ba anh chị em phải nương tựa, đùm bọc lẫn nhau. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hương nộp đơn xin vào làm việc tại Công ty Môi trường Ðô thị Hà Nội  dù biết làm công nhân vệ sinh môi trường rất vất vả lại không được xã hội coi trọng. Ngày mới vào nghề, từ vị trí một công nhân “trơn”, nhưng nhờ  cần cù, chịu khó, không ngừng học hỏi chị Hương  được phân công đảm nhiệm một vị trí quan trọng trong dây chuyền đứng máy, một trong ba dây chuyền quan trọng nhất về sản xuất phân hữu cơ của Chi nhánh Cầu Diễn. Năm 2000, với những đóng góp, sự tin tưởng, yêu quý của tập thể, chị đã vinh dự được bầu là Tổ trưởng Tổ Tuyển lựa, là một trong những tổ đông công nhân nhất của Chi nhánh Cầu Diễn.

Tiếp đó, được sự tín nhiệm của các đồng nghiệp, chị Hương còn đảm nhiệm thêm vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh… Dù ở bất cứ cương vị nào, chị Hương cũng luôn cố gắng hết lòng vì công việc. Chị luôn đồng hành, sát cánh cùng các công nhân, người lao động trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày. Không chỉ thực hiện tốt công việc cơ quan, đối với thiên chức của người phụ nữ - chị Nguyễn Thị Hương cũng là một người vợ, một người mẹ hiền, chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Bởi lẽ, chồng chị cũng là đồng nghiệp, do đặc thù công việc, anh phải làm ca kíp, thường xuyên vắng nhà, nên giao thừa năm nào, anh chị cũng đều  phải trực tại đơn vị. Sau mỗi ngày làm việc, dù mệt mỏi đến mấy, chị cũng cố gắng dành thời gian để chăm lo cho gia đình, dạy bảo con cái… Nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Hương  luôn  đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu”. Chị Hương tâm sự: “Ðể làm tốt công việc mình đã chọn, điều khó nhất đối với tôi chính là vượt qua sự mặc cảm, tự ti. Bởi thành công sẽ chỉ đến với những người thật sự cố gắng”.

Đến nay, sau gần 30 năm gắn bó với nghề, hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chăm chỉ, cần cù, nhiệt huyết, có trách nhiệm với công việc, luôn xuất hiện trong các “điểm nóng” về môi trường… vẫn còn nguyên như ngày đầu.

Với những đóng góp của mình, chị Hương đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen khen thưởng của các cấp, ngành và công ty, đơn vị. Ðiển hình, năm 2015, chị được công ty trao danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; năm 2017, chị được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong lao động… Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất đối với chị Nguyễn Thị Hương đó là tình cảm quý mến của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Ðô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn dành cho chị.Bảo đảm tài sản ở ký túc xá khi trưng dụng làm nơi cách ly chống dịch.

NGUYỄN HOÀNG ANH (Hà Nội)

Bảo đảm tài sản ở ký túc xá khi trưng dụng làm nơi cách ly chống dịch

Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, với chính sách nhân đạo và trách nhiệm, Việt Nam đón nhiều công dân từ nước ngoài về nước thực hiện cách ly tập trung. Một số nơi như khu ký túc xá (KTX) hoặc nhà ở sinh viên (SV) được trưng dụng làm địa điểm cách ly. Tuy nhiên, sau khi nhận lại phòng KTX và đồ đạc, nhiều SV phản ánh việc bị thất lạc, hư hỏng đồ đạc cá nhân.

Theo quy định, trước khi chính thức đưa công dân vào các khu KTX thực hiện cách ly, các cơ quan chức năng thông báo cho SV chủ động thu dọn đồ đạc cá nhân. Ðối với SV ở xa, Ban Quản lý (BQL) KTX trực tiếp hỗ trợ di chuyển, cất giữ đồ đạc theo danh sách SV kê khai, báo về BQL.

Tuy nhiên, ở một nơi, như KTX Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… sau khi nhận lại phòng, nhiều SV phản ánh việc mình bị thất lạc, hư hỏng đồ đạc cá nhân như xoong nồi, sạc điện thoại, cục phát wifi, mỹ phẩm, giày dép, túi xách, đồng hồ để bàn, ấm đun nước… Thậm chí, có trường hợp, SV tại KTX Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phản ánh bị mất máy tính xách tay. Ngoài việc liên hệ với BQL trình bày sự việc, nhiều SV còn phản ánh lên mạng xã hội dẫn đến những ý kiến trái chiều. Sau khi nhận được phản ánh, BQL các KTX đã tìm hiểu và xác định nguyên nhân việc hư hỏng, mất mát đồ đạc phần lớn do cán bộ phụ trách và lực lượng tình nguyện viên sơ suất trong quá trình thu dọn, vận chuyển. Các BQL đã thông báo cho SV bị mất, thất lạc, hư hỏng đồ đạc đến BQL kê khai để được hỗ trợ. Tuy nhiên, do phần lớn tài sản đều là đồ có giá trị không lớn cho nên nhiều SV đã bỏ qua, cho dù việc này gây ra không ít phiền toái, khó chịu.

Trưng dụng phòng ở, dành chỗ cho công dân từ các nước có dịch Covid-19 về cách ly là chủ trương đúng đắn, hợp lý, hợp tình của Ðảng, Nhà nước. Chủ trương đó nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân nói chung và các SV nói riêng. Các bạn SV nhanh chóng bàn giao phòng, thậm chí cả một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày; nhiều bạn phải đi thuê trọ theo ngày, nhiều bạn phải đi xe buýt, xe máy xa hàng chục cây số để đi học. Vì vậy, mặc dù việc mất mát, hư hỏng những vật dụng sinh hoạt có giá trị không lớn, nhưng cũng ảnh hưởng tới tâm lý, sinh hoạt của một bộ phận SV. Ðề nghị BQL các KTX cần tìm hiểu kỹ và xem xét, đề xuất phương án hỗ trợ đối với SV bị mất, hỏng đồ đạc để bảo đảm ổn định việc ăn, ở, học tập cho SV.

 QUỲNH TRANG

(TP Hồ Chí Minh)