Những việc làm vì dân

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Về xã Ðan Phượng (huyện Ðan Phượng, Hà Nội), hỏi chuyện ai cũng biết gia đình chị Ðặng Thị Cuối và chồng là anh Nguyễn Ðăng Quý. Bởi không chỉ là người táo bạo, tâm huyết với nghề nông, mà sau hơn 10 năm đi lao động xuất khẩu nước ngoài, trong hành trang trở về, anh chị còn mang theo những ý tưởng về nghề trồng rau hữu cơ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Với mong muốn thoát nghèo, năm 2011, chị Cuối quyết định đi xuất khẩu lao động ở Ðài Loan (Trung Quốc). Tại đây, chị được đào tạo chuyên sâu về cách trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản rau hữu cơ trong nhà màng và ngoài tự nhiên. Trong những năm tháng ấy, dù nhận được mức lương lên đến vài chục triệu đồng/tháng, nhưng chị Cuối lúc nào cũng trăn trở, cùng với quyết tâm sẽ mang nghề trồng rau về áp dụng trên đồng đất quê hương của mình. Vậy là 10 năm đi làm thuê, tích lũy được chút vốn, chị Cuối quyết định trở về quê bàn với chồng đầu tư sản xuất với những kinh nghiệm và quy trình kỹ thuật đã học được.

Năm 2017, trên diện tích 3 ha đất bãi vừa của nhà, vừa thuê thêm của người dân chung quanh, anh chị đầu tư hơn hai tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới. Cấu trúc nhà màng đơn giản, dễ lắp ráp, không cần làm móng, thanh treo tùy chọn phù hợp theo diện tích, hệ thống thông gió bên hông, nước tưới tự động qua hệ thống lọc. Hệ thống 10 nhà màng, diện tích 100 m2/nhà, sử dụng phân hữu cơ, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng máy phun sương chờ ngày thu hoạch. Với các loại rau ăn lá như rau cải, xà lách, rau dền, rau muống… từ 15 đến 18 ngày sau gieo hạt là được thu hoạch, năng suất bình quân 500 kg/nhà màng 100 m2/lứa. Với giá bán 20 nghìn đồng/kg, một nhà màng sản xuất được hơn 10 lứa rau/năm, đây là mô hình có thu nhập rất cao và ổn định.

Chị Cuối chia sẻ: “Bên cạnh những loại rau truyền thống là cải bắp, cải thảo, su hào, rau muống; trang trại còn có những loại rau đặc biệt như mướp hồ lô, su hào, bắp cải tí hon… Chúng tôi đã chuyển giao mô hình cho một số hợp tác xã ở các huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Phúc Thọ và Trường THPT Tân Lập (huyện Ðan Phượng) để nhà trường hướng nghiệp cho học sinh”. Thời điểm hiện tại, hiệu quả từ mô hình sản xuất rau hữu cơ không chỉ mang lại cho gia đình anh chị mức thu nhập hàng tỷ đồng/năm, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn xã với mức thu nhập từ bốn đến sáu triệu đồng/người/tháng .

Với sự nhạy bén, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm và sự quyết tâm, mạnh dạn trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, vợ chồng chị Cuối đã thành công trên con đường ước mơ là áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, chị đã mang lại những sản phẩm nông nghiệp an toàn, người bạn tin tưởng cho người tiêu dùng và mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, góp phần thay đổi diện mạo của vùng quê Ðan Phượng.